Cụ thể, FTC cho biết Facebook đánh lừa các bậc cha mẹ về mức độ kiểm soát những ai đã liên lạc với con cái họ qua ứng dụng Messenger Kids, cũng như che giấu mức độ truy cập thực sự của nhà phát triển ứng dụng đối với dữ liệu cá nhân người dùng, vi phạm thoả thuận về quyền riêng tư năm 2019.
Trong một tuyên bố, gã khổng lồ mạng xã hội gọi phán quyết của FTC “mang tính chính trị”, khi cơ quan này không có động thái nào chống lại “những công ty Trung Quốc như TikTok”.
Theo đó, cơ quan này đề xuất cấm Facebook kiếm tiền từ dữ liệu thu thập được của người dùng dưới 18 tuổi, bao gồm cả trong hoạt động kinh doanh thực tế ảo. Công ty cũng đối mặt các hạn chế mở rộng liên quan công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Meta, công ty đồng thời sở hữu cả Instagram, sử dụng các quảng cáo kỹ thuật số nhắm mục tiêu dựa trên dữ liệu cá nhân người dùng để mang lại hơn 98% doanh thu.
Mặc dù là nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook đang phải cạnh tranh với ứng dụng video ngắn TikTok để thu hút người dùng trẻ tuổi.
Động thái mới nhất của FTC là bước đầu tiên trong quá trình thay đổi thoả thuận năm 2019. Facebook có 30 ngày để phản hồi và có quyền kháng cáo lên toà phúc thẩm.
Debra Williamson từ Insider Intelligence cho biết, đây là tuyên bố quan trọng của FTC đối với nghĩa vụ bảo vệ trẻ em của Meta, song tác động đến “doanh thu có thể không quá lớn”.
Theo Williamson, hiện có khoảng 5,2% người dùng Facebook hàng tháng ở Mỹ có độ tuổi dưới 18, so với 12,6% người dùng trên Instagram.
Năm 2019, mạng xã hội này từng đồng ý trả án phạt 5 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc của FTC từ năm 2012 về những vi phạm liên quan quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân người dùng.
Trong khi đó, vào năm 2020, FTC đã đề xuất toà án liên bang đưa ra phán quyết yêu cầu Facebook phải bán Instagram và WhatsApp, các ứng dụng bị thâu tóm với giá lần lượt là 1 tỷ USD vào năm 2012 và 19 tỷ USD vào năm 2014.
Hiện vụ việc này vẫn đang trong thời gian tiến hành.
Theo Vietnamnet