Chiều 27/10, bị cáo Quỳnh, 42 tuổi, bị TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tuyên phạt mức 2 năm tù vì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

"Hành vi của bị cáo hưởng đến quyền được pháp luật bảo vệ của công dân, hơn nữa còn gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, chứng khoán nói chung, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế của rất nhiều nhà đầu tư”, bản án nêu.

Bị cáo bị đánh giá có nhân thân xấu, do tháng 3/2020, Đặng Như Quỳnh bị Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệu tập để làm rõ hành vi đăng tải hơn 200 bài viết chưa được kiểm chứng, sai sự thật về COVID-19.

Facebooker Đặng Như Quỳnh lĩnh án 2 năm tù-1
Bị cáo Đặng Như Quỳnh.

Tại tòa, Quỳnh thừa nhận hành vi song cho rằng cơ quan công tố truy tố "hơi nặng". Bị cáo khai không quen biết hay mâu thuẫn gì với chủ tịch một tập đoàn, chỉ vì "hám like" nên đăng tải các bài viết để "câu like" chung chung, không có mục đích gì.

Các bài viết do Quỳnh sao chép từ một Facebook của người bạn rồi chỉnh sửa, thêm ảnh. Toàn bộ hành vi, Quỳnh khai thực hiện một mình, hoàn toàn là ý thức chủ quan của bị cáo, không có cơ quan tổ chức nào đứng sau.

Khi đăng tải, bị cáo không lường trước được các hậu quả liên quan chủ tịch tập đoàn và người liên quan, sau này mới nhận ra.

HĐXX phân tích, công dân có quyền tự do dân chủ, được thể hiện quan điểm trên cơ sở luật pháp cho phép và không được xâm phạm quyền người khác, gồm nhân thân, quyền lợi chính trị và kinh tế.

Đại diện các bị hại không yêu cầu bồi thường dân sự, song cần Quỳnh công khai xin lỗi trên phương tiện truyền thông. Chủ tọa cho hay, bị cáo hiện bị tạm giam, do đó yêu cầu này bất khả thi.

Cáo trạng thể hiện, từ cuối năm 2019, Quỳnh sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để chia sẻ, đăng các bài viết tự soạn thảo, nhận nhiều tương tác, chia sẻ, bình luận. Đến tháng 4/2022, tài khoản này có hơn 300.000 người theo dõi.

Ngày 2/4, khi biết một số lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, bất động sản bị xử lý, Quỳnh không có thông tin chính xác song vẫn suy diễn, đăng lên Facebook cá nhân việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị xử lý hình sự, được hàng nghìn người chia sẻ, tương tác.

Sau đó, khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin chính thức, Quỳnh chỉnh sửa bài viết để định hướng người đọc tin là Quỳnh biết trước thông tin.

Quỳnh biết thông tin do mình đăng tải được nhiều người tiếp cận nên tiếp tục tự suy diễn việc chủ tịch một tập đoàn bị cơ quan chức năng điều tra.

Ngày 6/4/2022, Quỳnh đăng tải hai bài viết kèm ảnh ông chủ tịch, tung tin ông này sở hữu phức tạp nhiều công ty đại chúng có hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán và các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam ông này. Bài viết được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Trong 6 ngày tiếp theo, mã chứng khoán của tập đoàn bị các nhà đầu tư bán số lượng lớn, thị giá và vốn hóa giảm mạnh, trong khi trước đó có xu hướng tăng. Trong đó vốn mã hóa của một mã chứng khoán của doanh nghiệp giảm hơn 5.200 tỷ đồng.

Ngày 12/4, một số nhà đầu tư chứng khoán làm đơn tố giác Quỳnh về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm uy tín, danh dự, quyền và lợi ích cá nhân cũng như ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, thiệt hại tài sản doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngày 23/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định hai bài viết của Quỳnh là một trong số nguyên nhân gây ra hiệu ứng tiêu cực với các mã chứng khoán liên quan chủ tịch một tập đoàn. Quỳnh bị khởi tố và bị bắt ngày 15/4.

Theo VTC