Khi đội tuyển Olympic Việt Nam chuẩn bị thi đấu tại ASIAD 2018, ông Park Hang Seo đã chọn ra 20 cầu thủ tham gia cuối cùng, trong đó có Văn Quyết – một cầu thủ thi đấu không thành công tại giải giao hữu trước đó. Đã có nhiều luồng thông tin trái chiều về chuyện HLV Park Hang Seo chọn Văn Quyết tham dự ASIAD.

Các nhà chuyên môn, huấn luyện viên đều không một ai chê cầu thủ này, nhưng các vị “huấn luyện viên online” (hay một từ khác là “anh hùng bàn phím” – từ để chỉ các bạn ngồi nhà gõ phím bình luận chuyện thiên hạ) lại công kích cầu thủ này rất nhiều thông qua mạng xã hội.

Liên tục nhiều tài khoản đã tìm đến Facebook của cầu thủ Văn Quyết để “xả” với đủ mọi từ ngữ dung tục, chửi thề.

Facebooker Việt chửi CR7 qua livestream: Nạn ngôn từ rác trên MXH-1

Mới nhất, sau khi đội tuyển Việt Nam thua Hàn Quốc tại bán kết ASIAD 2018, bất chấp việc HLV Park Hang Seo lần đầu tiên đưa Việt Nam vào bán kết một kỳ ASIAD, các “anh hùng bàn phím” lại một lần nữa dùng những ngôn từ “chợ búa” để chỉ trích đến vị HLV trưởng người Hàn Quốc này, nhẹ thì nói sắp xếp đội hình không hợp lý, nặng thì nói bán độ, dĩ nhiên kèm theo đó là một số từ ngữ văng tục để “phụ trợ” cho câu nói của mình.

“Xuất khẩu” sự mất dạy, “nhập khẩu” nỗi xấu hổ

Không chỉ dừng ở chuyện “nội bộ” thể thao Việt Nam. Thậm chí nhiều dân cư mạng đã bắt đầu “Xuất khẩu sự mất dạy” ra thế giới – theo như chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc mô tả trong một lần tình cờ thấy và đã chụp màn hình cuộc livestream của ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo vào đầu tháng 8 vừa qua. Theo đó, khi danh thủ người Bồ Đào Nha đang nói chuyện với người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới, bên cạnh anh là các con anh thì xuất hiện một comment văng tục của một Facebooker người Việt.

Facebooker Việt chửi CR7 qua livestream: Nạn ngôn từ rác trên MXH-2

“Điều gì đã xảy ra trong đầu của người comment thiếu giáo dục ấy? Một suy nghĩ rất trẻ con là ta thích chửi thì ta chửi, CR7 không biết tiếng Việt đâu, sẽ chẳng để ý đâu, hay là vì ta có vấn đề gì rắc rối với CR7 nên ta chửi?”, nhà báo Trương Anh Ngọc bức xúc chia sẻ.

Chỉ có cậu ta biết được và rất nhiều những Facebooker vô ý thức khác biết được, hàng ngày hàng giờ lên trang Facebook và YouTube nổi tiếng, đánh vào những dòng chữ mà những người đàng hoàng đọc chắc cũng cảm thấy nóng mắt và tức giận vì những gì được viết ra là của người Việt đồng bào ta, những kẻ đang xuất khẩu sự mất dạy ra thế giới mà cứ nghĩ điều chúng làm là trò đùa.

Hoặc nếu không là trò đùa, thì là một hành động bình thường rất bản năng mà chúng đang làm hàng ngày trong thế giới mạng: Chúng chửi, người khác cũng chửi, và chẳng ai ngăn những con thú ấy lại”.

Chỉ mới trong chuyện bóng đá đã thấy vấn đề văn hóa ứng xử đang rất nóng hiện nay đối với một thành phần Facebooker thích thể hiện. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng này ở bất kỳ một sự kiện chưa được kiểm chứng nào, có thể là hình ảnh một người liên quan đến một sự kiện nóng trên mạng. Rõ ràng chưa ai biết được có đúng bức ảnh được chia sẻ là của người có liên quan hay không, hay nội dung của bức ảnh có đúng sự thật không, nhưng cứ có một người chửi là cả cộng đồng hùa theo “auto chửi” (từ để chỉ các bạn chuyên bình luận hùa theo chửi mọi vấn đề dù chưa được kiểm chứng).

Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều người bị oan khi hoàn toàn không liên quan đến sự việc nhưng hình ảnh của mình bị phát tán làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự mà không cách nào dừng lại được.

Thay lời kết, xin mượn lời của nhà báo Anh Ngọc: “Nếu ai cũng kiên quyết và có ý thức trong việc dùng mạng xã hội, chắc chuyện xuất khẩu sự mất dạy và nhập khẩu nỗi xấu hổ sẽ bớt đi nhiều”. Dù MXH là xu hướng, nhưng nó vẫn cần sự quản lý để tránh tình trạng tin tức giả, và hơn nữa là giải quyết vấn đề “ngôn từ rác” hiện nay.

Theo Vietnamnet