Gần 400 triệu đồng cho 10cm đất ở Hà Nội

Ai có thể tin được rằng “mẩu” đất rộng 10cm, dài 3m trên tuyến đường Trần Phú – Kim Mã, Hà Nội được bán trao tay với giá 390 triệu đồng.

Gần 400 triệu đồng cho 10cm đất ở Hà Nội
 Bức tường 0,3m² trên đường Trần Phú - Kim Mã đã được mua với giá 390 triệu đồng.

Hét giá 1,3 tỷ đồng/1m² đất

Đường Trần Phú – Kim Mã phẳng lừ cắt ngang khu dân cư vốn là điểm nóng giải phóng mặt bằng của thành phố cả chục năm nay. Người tham gia giao thông mừng vì đường sá thuận lợi hơn, nhưng người mừng hơn nữa chính là những hộ dân được ra mặt đường. Trớ trêu thay, có những hộ dân lại bị một mẩu tường nhà hàng xóm án ngữ trước nhà. Chỉ chục cm thôi là giá trị ngôi nhà đã khác hẳn. Bởi thế, công cuộc “cò cưa” giá cả ở những ngôi nhà có liên quan đến nhau như thế xem ra khá căng thẳng.

Sau khi giải phóng mặt bằng, ngôi nhà của gia đình bà Bùi Thị Dung, số 8 Lê Trực, quận Ba Đình trở thành “nhà mặt phố” nhưng diện tích chỉ còn “vỏn vẹn” 0,3m² với chiều sâu… 10cm, chiều dài 3m. Dù quá ít ỏi thì mẩu đất ấy vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Dung. Để được ra mặt đường, bà Lê Thị Duyên ở số 2 Lê Trực phải mua lại mẩu đất ấy.

Bà Duyên cho biết, ban đầu mức giá chủ nhà đưa ra là 500 triệu, sau đó hai bên đồng ý với thỏa thuận 390 triệu đồng. Quy ra mét vuông, bức tường 3m này được bán với giá 1,3 tỷ đồng/m², có lẽ là “vô địch” ở Thủ đô.

Bà Duyên tận tay chỉ cho chúng tôi vết tích của bức tường “nhỏ nhoi” còn sót lại sau khi đã được phá vỡ để làm ki ốt cho thuê trên mặt đường phố Trần Phú-Kim Mã. Bà chia sẻ: Sau khi mở đường, nhà bà tiếp giáp với thửa đất của 3 hộ là hộ ông Bùi Quang Bật, số 8 Lê Trực với diện tích 4,63 m²; hộ ông Bùi Văn Long, số 8 Lê Trực với diện tích 6,61m² và bà Bùi Thị Dung, số 8B Lê Trực với diện tích 0,3m².

Hiện nay, bà Duyên đã thỏa thuận giá cả và tiến hành hợp thửa thành công với hộ ông Bùi Quang Bật, bà Bùi Thị Dung. Bà Duyên đang tiếp tục thỏa thuận để hợp thửa với hộ ông Bùi Văn Long.

Không giấu giếm chúng tôi, bà kể: “Gia đình ông Long ra giá 2 tỷ đồng cho thửa đất 6,61m². Tuy nhiên, tôi chỉ đồng ý trả 1 tỷ 320 triệu đồng nhưng gia đình ông ấy không đồng ý. Mấy ngày nay ông Long đã đồng ý với mức giá 1 tỷ 320 triệu đồng thì lại là lúc tôi vừa mua ngôi nhà mới cho cô con gái nên không còn đủ tiền để mua lại thửa đất của ông Long”. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra quan điểm là có thể vẫn mua lại phần diện tích trên nhưng cần thỏa thuận lại.

Đường Trần Phú-Kim Mã chính thức được thông xe và đưa vào sử dụng từ ngày 12/2 đã mang đến bộ mặt mới khang trang, hiện đại cho giao thông, đô thị trên tuyến đường này. Tuy nhiên, “hậu mở đường” chính là những câu chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến các thửa đất còn “sót” lại với diện tích không đủ để cấp phép xây dựng trên 2 mặt con phố này.

Theo Quyết định số 15/2011-QĐ/UBND của UBND TP Hà Nội thì sau giải phóng mặt bằng, những thửa đất không có đủ điều kiện xây dựng, tức là có diện tích từ 15m² trở lên nhưng các cạnh không đủ 3m thì một trong các biện pháp “xử lý” là sẽ tiến hành hợp thửa, hợp khối nhằm tạo ra bộ mặt đô thị đồng nhất cũng như đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Chính từ câu chuyện hợp thửa, hợp khối này mà xuất hiện những “thương vụ” mua bán giá “khủng” mà nếu không trực tiếp được chủ nhân của nó chia sẻ, chúng tôi cũng không thể tin đó là sự thật.

Bức tường 1 tỷ đồng có thể chỉ còn giá 27,2 triệu

Cách đây chưa lâu, khi tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài thông xe và đưa vào sử dụng, thông tin về bức tường với diện tích 1,7 m² trên mặt đường này được chủ nhân của nó - ông Nguyễn Phương Châm, số 5, tập thể Dầu khí, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy rao bán với giá 1,1 tỷ đồng đã gây “sốc” cho dư luận.

Bức tường chỉ rộng chừng một gang tay tiếp giáp với tường của gia đình bà Nguyễn Thị Hợi. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về giá bán bức tường, bà Nguyễn Thị Hợi chỉ còn biết “chắp tay lễ sống” than thở: “Thôi, tôi xin. Đến ngày 20/7, ông ấy vẫn còn đưa ra giá là 1,1 tỷ đồng”. Và bà Hợi bày tỏ tâm lý bức xúc, không muốn nhắc đến câu chuyện này nữa.

Trước thông tin ông Nguyễn Phương Châm rao bán bức tường với giá 1,1 tỷ đồng, lãnh đạo UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: Chủ nhân bức tường đó có thể giao bán giá 1 tỷ, thậm chí 100 tỷ cũng không ai có thể cấm được vì đó là quyền của cá nhân. Tuy nhiên, để tạo dựng bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại cho tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, UBND phường sẽ vận động hộ ông Nguyễn Phương Châm hợp thửa, hợp khối với hộ bà Nguyễn Thị Hợi.

Trường hợp ông Châm và hộ bên trong không thể tiến hành hợp thửa, hợp khối được, phường sẽ tiến hành thu hồi để làm bảng tin. Khi đó, “bức tường tiền tỷ” sẽ được “hóa giá” theo quy định của nhà nước là 16 triệu đồng/m2, nghĩa là bức tường sẽ chỉ được trả theo mức 27,2 triệu đồng.

Phường Quan Hoa hiện còn 25 thửa đất không đủ điều kiện xây dựng. Đến thời điểm này, chính quyền quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa đã vận động được 12 trường hợp tiến hành hợp thửa, hợp khối. Hiện còn 8 trường hợp không thể hợp thửa hợp khối, quận và phường sẽ tiến hành thu hồi để xây dựng các công trình công cộng.

Những câu chuyện bi hài xung quanh việc hóa giá các bức tường, các mẩu đất “vàng” ở Hà Nội có lẽ còn kéo dài. Riêng đối với những diện tích phải hợp thửa, hợp khối ở tuyến đường Trần Phú - Kim Mã thuộc phường Điện Biên và phường Kim Mã, UBND quân Ba Đình đưa ra hạn chót hoàn thành là ngày 30/8. Liệu có thực hiện được?

Theo Công an nhân dân

Tin tức mới nhất