Nằm khâu là món ăn đặc sản dân tộc Tày ở Cao Bằng, thường xuất hiện trong các dịp cưới hỏi. Món ăn có thành phần chính từ thịt ba chỉ và khoai, thịt được thái theo bản to. Thực khách nên thưởng thức nằm khâu khi món ăn còn nóng hổi. Món ăn này có tên gọi khác theo tiếng Tày là phước hác. Ảnh: Lanyingzz.
Bánh cuốn là món ngon quen thuộc với người miền Bắc. Tuy nhiên, người Cao Bằng lại có cách chế biến, thưởng thức bánh cuốn độc đáo, khác lạ. Thay vì sử dụng nước chấm, bánh cuốn Cao Bằng có nước chan từ xương hầm. Gạo làm bánh là gạo tẻ. Bánh được hấp nóng tại chỗ bằng nồi gang to có khuôn tròn, miệng nồi làm bằng cật tre già. Chả giò, trứng gà là topping không thể thiếu làm nên nét riêng của món bánh cuốn Cao Bằng. Ảnh: Tungboo0107.
Bánh trứng kiến hay bánh pẻng rày là món đặc sản của người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Đúng như tên gọi, thành phần chính làm nên loại bánh này là trứng kiến. Người Tày thường làm bánh trứng kiến vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm. Đây là thời điểm sinh sản của loài kiến đen rừng. Ngoài trứng kiến băm nhỏ phi cùng hành khô, bánh còn có nhân củ kiệu, lá kiệu, thịt heo băm, đậu phụ... Phần bánh được làm từ gạo nếp nương dẻo mềm, đậm vị núi rừng. Ảnh: _ngoet._, bep nha.
Lạp xưởng hun khói nổi tiếng Cao Bằng được làm từ lòng heo non rửa sạch, phơi khô, sau đó nhồi nhân thịt heo tẩm ướp gia vị. Để tạo nên hương vị đặc trưng, các loại gia vị ướp thịt phải gồm mật ong, rượu trắng, nước gừng, quả mắc mật khô... Sau khi nhồi thịt, lạp xưởng được phơi khô dưới 3 lần nắng rồi treo lên bếp lửa. Khói và hơi nóng của bếp lửa nhen từ mía giúp lạp xưởng thêm dậy vị, thịt săn hơn. Ảnh: hetsay.cali.
Quê hương của tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 còn có món phở chua hấp dẫn. Món ăn này không sử dụng nước lèo, bánh phở được trộn cùng các loại đi kèm như thịt heo, thịt vịt quay, khoai chiên giòn thái sợi, dậu phộng giã nhỏ... Phần nước sốt tạo nên nét đặc trưng cho phở chua Cao Bằng. Món ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của giấm, khoai ngọt bùi, quyện cùng thịt vịt, thịt heo thơm phức. Phở chua còn hấp dẫn nhờ hương vị thơm nồng của lá móc mật. Ảnh: macthanhbinh, teongoc.
Bánh coóng phù hay bánh trôi là đặc sản bạn không thể không thử khi ghé miền sơn cước Cao Bằng. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp trộn gạo tẻ vừa dẻo vừa thơm. Nhân bánh gồm đậu phộng giã nhỏ, có loại nhân trộn thêm đường và vừng. Bánh coóng phù truyền thống có màu trắng tinh. Ngày nay, người Cao Bằng thường trộn bột bánh với gấc hoặc ngâm gạo với lá nếp cẩm, lá dứa để tạo màu và hương vị tự nhiên. Ảnh: thepandasflavor.
Theo Zing