Giả ‘đại úy công an’ gọi điện giăng bẫy lừa phụ nữ

Người phụ nữ ở Đồng Tháp nhận được cuộc gọi tự xưng là “Đại úy Lê Văn Khải, Công an Đồng Tháp” thông báo có vay tiền ngân hàng ở Hà Nội.

Ngày 9/4, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa nhận được phản ánh của bà N.T.H. (60 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) về việc bị một nhóm đối tượng giả danh lực lượng công an thông báo liên quan vụ việc vay tiền ở Hà Nội.

Cụ thể, ngày 5/4, bà H. nhận được cuộc gọi tự xưng là “Đại úy Lê Văn Khải, Công an Đồng Tháp” thông báo bà có vay 50 triệu đồng ở ngân hàng tại Hà Nội.

Sau đó, một cuộc gọi khác tự xưng “Thượng úy Đức Long đang công tác ở Hà Nội” yêu cầu bà H. liên hệ để làm rõ vụ việc. Đặc biệt “Thượng úy Đức Long” yêu cầu bà H. không cho người thân, gia đình biết. Người này kêu bà H. mua điện thoại có 3G và kết bạn Zalo “Nguyễn Thanh Tùng” để liên hệ. 

Cùng ngày, nhiều số điện thoại liên tục gọi cho bà H. nhưng người phụ nữ không nghe máy. Bà H. cũng thử gọi lại thì đa số không bắt máy hoặc bắt máy thì nghe có tiếng người nước ngoài.

Qua tìm hiểu, bà H. biết lực lượng công an không làm việc qua điện thoại hoặc đưa ra những yêu cầu vô lý như nhóm đối tượng nên cảnh giác, không nghe máy, không thực hiện các yêu cầu của chúng và trình báo cơ quan công an. 

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo “thông qua phạt nguội” vi phạm giao thông

Cũng theo Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, nhiều người dân nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ xưng là "Cảnh sát giao thông" yêu cầu nộp phạt nguội.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an Đồng Tháp cho biết theo quy định, các trường hợp vi phạm phạt nguội đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc. 

Nếu việc đi lại khó khăn và không có điều kiện đến làm việc trực tiếp, người liên quan có thể đến trụ sở công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.

Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản hoặc qua phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin), đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để người dân chủ động tra cứu, chấp hành.

“Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cần cảnh giác với thủ đoạn gọi điện lừa đảo thông báo phạt nguội giao thông, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn” - Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo. 

Đồng thời, cơ quan này cho biết trong 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện có liên quan. Sau đó, cơ quan công an gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc.

Nếu chủ phương tiện, người điều khiển không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú để giải quyết, xử lý. Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc nộp phạt trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/gia-dai-uy-cong-an-goi-dien-giang-bay-lua-phu-nu-2268699.html?fbclid=IwAR3SFBf59F_tvhK9QPVAeHIW6iG3SiWAER7UAhq_msdJyfbHwnrOsCxoAvc_aem_AcfhJCas5Hh0mPsKDGrrCWtmnGEw-U0xRcIvgsiqSepYU7bVS_rkc5MLJq2GeUWukQIxAyAOkBx8STXOxtbnhrsy

lừa đảo

Tin tức mới nhất