Sự ly tán của gia đình 3 anh chị em khởi nguồn từ cách đây 64 năm, khi người em út mới được vài tháng tuổi.

Từ lúc bắt đầu có trí nhớ, ông Phó Cạnh Quân đã thấy mình sống cùng cha mẹ gốc Hoa và 3 anh chị ở Bến Chương Dương (Sài Gòn). 

Ông không biết, người mẹ ấy không phải là mẹ ruột của ông, mà là vợ cả của ba. Những người anh, người chị mà ông sống cùng suốt những năm tháng tuổi thơ cũng là anh chị cùng cha khác mẹ. 

Ông không nhận ra vì họ luôn yêu thương ông. 

Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng-1
Ông Phó Cạnh Quân không hề biết mình có 2 anh chị ruột cho tới gần đây, sau khi cha ông mất

Cho đến năm 1972, người anh thứ hai của ông tìm đường sang Hong Kong (Trung Quốc). Năm 1976, khi ông 16 tuổi, người anh bảo lãnh cho cha mẹ và các anh chị em cùng sang, để một mình ông ở lại.

Một năm sau, ông sang Australia và sống ở tiểu bang Victoria cho đến giờ, khi ông đã ở tuổi 64.

Mãi đến gần đây, sau khi cha mất, ông Quân mới biết sự thật, rằng mình không phải là con ruột của mẹ, rằng ông còn có 1 người anh, 1 người chị ruột khác ở Việt Nam.

Ông bất ngờ, khi ngần ấy năm, cha không hề nói cho ông biết nửa lời.

Ông nhớ về những ngày tháng còn ở Sài Gòn. Cha ông có một cửa hàng sửa đồng hồ nhỏ ở chợ Thái Bình – nơi hai cha con đã có những cuộc trò chuyện vui vẻ, không khoảng cách. Đó là những năm tháng hạnh phúc trong cuộc đời mà ông không thể quên.

Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng-2
Cuộc hôn nhân đổ vỡ của cụ ông Phó Giám và cụ bà Từ Hữu khiến 3 đứa con phải xa nhau

Quay lại thời điểm năm 1959, khi cậu bé Quân mới chào đời được vài tháng. Cụ ông Phó Giám và cụ bà Từ Hữu cắt đứt quan hệ. Cụ bà giữ lại 2 người con lớn chừng 2-3 tuổi. Cụ ông mang con út về nhà vợ cả ở Bến Chương Dương (Sài Gòn). 

Hai người con lớn là anh Quyền và chị Linh khi ấy vẫn chưa biết gì, được đưa về gửi nhà ngoại. Họ lớn lên mà không hề biết về cha và người em ruột của mình. 

Giống như người chồng cũ, cụ Từ Hữu cũng tuyệt nhiên không nói gì với các con về cha đẻ, về cậu em hay về gia đình nhà nội. Sau khi chia tay chồng, cụ Từ Hữu đổi họ cho 2 con sang họ mẹ, thành Từ Quốc Quyền và Từ Bạt Linh Linh.

Thiếu vắng hình bóng người cha, ông Quyền và bà Linh đã có một tuổi thơ nhiều thiếu thốn và vất vả. Cụ Từ Hữu sau đó tái giá với một thương gia người Singapore, sinh thêm 2 người con nữa. 

Sau này, người chồng mới phải về nước, để lại cho cụ bà một căn nhà và khoản trợ cấp hàng tháng để nuôi 2 con chung. Nhờ vậy mà ông Quyền và bà Linh cũng được đón về sống bên mẹ một thời gian.

Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng-3
Ông Quyền và em gái được đổi sang họ mẹ

Ông Quyền vẫn nhớ, mẹ ông là một người nghiêm khắc và kín tiếng. Ngày ấy, ông coi bà ngoại như mẹ mình. Ngoại mất sớm là một cú sốc với ông. 

Đến khi không còn được nhận trợ cấp từ người chồng thứ hai nữa, cụ Từ Hữu phải ra chợ Thái Bình buôn trứng vịt để nuôi các con. 

Một mẹ nuôi 4 con khiến cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Bà Linh phải bỏ học từ năm lớp 8, ông Quyền bỏ học năm lớp 11. 

Để mưu sinh, ông trải qua đủ các nghề lao động chân tay: Phụ hồ, bưng bê… “Mất cha là vậy” – ông bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng ấy.

Cuộc sống của ông chỉ tươi sáng dần lên khi cưới được người vợ tháo vát, chịu thương chịu khó. Còn bà Linh, bây giờ đã quy y cửa Phật. Bà thấy cuộc sống trong chùa phù hợp với mình. 

Mặc dù đã không vướng bụi trần nhưng khi được thông báo có một người em ruột muốn tìm lại, bà vẫn sẵn lòng đón nhận.

Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng-4
Bà Từ Bạt Linh Linh hiện đã quy y cửa Phật

“Năm nay tôi đã 64 tuổi, còn gì để mất nữa đâu. Tại sao lại không đi gặp anh chị ruột của mình vào những năm cuối đời để trở nên hạnh phúc hơn, để được hưởng không khí gia đình đoàn tụ?” – ông Quân đã suy nghĩ như vậy khi từ Australia trở về Việt Nam với hy vọng tìm lại được người thân.

Nhờ sự kết nối của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, 3 anh em ông đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động và hạnh phúc ngay tại TPHCM.

Họ ôm nhau và trò chuyện với thoáng chút bỡ ngỡ khi người thì đã quên gần hết tiếng Việt, người thì đã quên tiếng Hoa.

Cuộc trò chuyện bằng tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Anh chen nhau lẫn lộn nhưng họ vẫn hiểu nhau bởi cả 3 đều có những câu hỏi đau đáu bấy lâu nay về cha mẹ ruột của mình. 

Ông Quân biết rằng, cụ Từ Hữu mẹ mình đã mất vì bệnh ung thư ở tuổi 60. Ông thoáng bất ngờ khi đến những ngày cuối đời, mẹ cũng chẳng hề nhắc gì đến cha, đến con út là ông với 2 người con lớn. 

Nhưng có lẽ, những điều ấy bây giờ không còn quan trọng. Quan trọng là ông đã tìm được về với người anh, người chị ruột mà hơn 60 năm qua, ông không hề biết họ có tồn tại trên đời.

    Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng-5
Cuộc hội ngộ của 3 anh chị em ruột, lẫn lộn giữa 3 thứ tiếng Anh, Hoa, Việt

Theo VietNamnet