Từ đó, hàng loạt dịch vụ miễn phí khác đã thi nhau nhân rộng trên mảnh đất chật kín tình người này. Với chủ trương: Lấy tấm lòng làm vốn, lấy nụ cười của “khách hàng” làm lãi thì các “doanh nhân” vỉa hè đã thu về cả “rổ” niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.
Giá đồ từ thiện đầu tiên tại Hà Nội
Chủ nhân của giá đồ tình nghĩa này là một người phụ nữ khá trẻ. Tuy nhiên, vì không muốn làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng nên chị đã từ chối tiết lộ danh tính của mình “Mình còn gia đình nhỏ nữa, mình không muốn vì việc làm này mà mọi thứ bị xáo trộn hết lên”.
Ban đầu, chị đã chia sẻ dự định cá nhân lên trang mạng xã hội Facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm, góp ý từ dư luận. Được ủng hộ nhiệt tình, chị lập tức bắt tay vào công việc quan trọng nhất, đó là soạn hết những bộ quần áo cũ nhưng vẫn còn lành lặn để “khai trương” chiếc giá đồ từ thiện trong ngày gần nhất.
Sau đó, chị cũng kêu gọi sự giúp đỡ và quyên góp từ bạn bè, người thân,... nhằm giúp giá đồ nhỏ trở nên phong phú hơn.
Mặc dù những món đồ tại đây chỉ là các vật dụng thông thường như quần áo, giày, dép, khăn quàng cổ đã qua sử dụng, song đối với nhiều người thì nó lại vô cùng có giá trị và ngập tràn ý nghĩa.
“Làm việc tốt đâu cần ai nhớ đến”
Giống như những người tốt “thầm lặng” khác, chủ nhân của giá đồ từ thiện cũng chẳng thích phô trương hay làm màu trên mặt báo. Chị cho rằng hành động của mình cũng thường thôi và không có gì đáng để tự hào đến vậy.
“Mình thấy việc gì nên làm thì mới làm, giúp được những người khó khăn hơn cũng là niềm vui và hạnh phúc rất lớn. Hơn nữa, làm việc tốt thì đâu cần ai nhớ đến. Miễn là họ có cuộc sống đầy đủ hơn, không phải lo cái mặc mỗi ngày là mình thấy mãn nguyện rồi”.
Trên trang Facebook cá nhân, chị cũng bày tỏ niềm vui khi có những vị khách đã ghé qua giá đồ nhỏ và chọn lựa vài món đồ ưng ý để đem về làm quà cho gia đình mình.
“Sáng nay mình ra tiệm hơi trễ, nhưng rất vui vì vừa đến đã có những tấm lòng hảo tâm mang đồ ra rồi. Có bạn còn gửi hàng xóm một bịch rõ to vì sợ mưa mà bỏ lên giá thì không chạy kịp. Người đến nhận thì e dè đứng ngắm, vẫn như mọi ngày mình ra đưa túi và mời họ nhặt những món đồ phù hợp”.
Nhiều bạn trẻ đã rất hoan nghênh hành động ý nghĩa này và liên tục comment động viên, ủng hộ khiến chủ nhân của giá đồ vô cùng cảm động. Thậm chí, có bạn còn liên hệ để mang đồ tới ủng hộ cho giá đồ thêm phần tươm tất hơn.
Hiệu quả đến đâu?
Trước đó, tại Sài Gòn đã từng rộ lên một cửa hàng quần áo từ thiện ở trước số nhà 1545 đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, quận 2). Chủ của cửa hàng này là chú Ba, quê gốc Quảng Nam. Do phải phiêu bạt vào tận miền Nam kiếm kế sinh nhai nên chú rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của những con người lao động chân quê.
Vì vậy, chú đã quyết định mở một sạp quần áo miễn phí dành cho người nghèo. Tiệm của chú Ba lúc nào cũng nhộn nhịp, khách đến lấy đồ cũng nhiều, mà người đến cho đồ cũng chẳng ít. Cách vài tiếng lại có người tốt bụng mang quần áo cũ đến tặng. Chú Ba nhận đồ của họ, liên tục cảm ơn rồi nhanh chóng bày ra cho “khách hàng” chọn tiếp.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhóm PV thì quang cảnh trao đổi đồ tại chiếc giá từ thiện ở Hà Nội lại không được như vậy. Người đến lấy cũng chẳng mấy, thi thoảng mới lác đác vài lao động nghèo ghé qua và lựa chọn những món đồ ưng ý.
Có vẻ như giá đồ này nằm ở vị trí khá khuất, lại không quá nổi bật và rộng rãi như “cửa hàng” vỉa hè trong Sài Gòn nên người dân cũng chưa mấy chú ý. Thêm nữa, mô hình từ thiện trên chỉ mới xuất hiện lần đầu ở Thủ đô, vì vậy số lượng người biết tới còn chưa nhiều.
Thậm chí, một người bán hàng nước vỉa hè ngay gần đó cũng tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về giá đồ này.
“Tôi cũng không để ý và không rõ về vấn đề này lắm. Chỉ thấy bên ấy bán quần áo thôi chứ không biết họ có đồ từ thiện”.
Bên cạnh đó, chủ nhân của giá đồ đã chia sẻ lên trang Facebook cá nhân về một trường hợp cá biệt mà chị từng gặp phải.
“Có một chú mặc bộ đồ xanh ngày nào cũng ra lấy nguyên một túi đồ, thậm chí còn nhét đầy bao tải và mang về để... chia cho mọi người. Biết là cần nhưng chú đều ghé tới lấy đồ mỗi ngày và lần nào lấy cũng xin cái bao tải lấy sạch đồ trên giá. Mình cũng không biết phải làm sao nữa , chỉ biết đưa túi thôi”.
Được biết, nhân vật trong câu chuyện là một người lao động nghèo chạc tầm 60 tuổi. Người này thường xuyên đạp chiếc xe cũ kĩ tới giá đồ từ thiện để nhặt nhạnh những bộ quần áo cũ mang về cho cả gia đình. Tuy nhiên, chú lại lấy quá nhiều vật dụng trên giá mà không hề nhìn ngó xem chúng có phù hợp hay không, rồi chỉ biết nhét đầy bao tải và nhanh chóng ra về.
Dẫu nhiều hoàn cảnh vẫn còn khốn khó, song việc làm trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người cần được giúp đỡ khác. Đôi khi, họ chỉ muốn chọn lựa vài bộ quần áo đẹp làm quà sinh nhật cho con, nhưng trên giá chẳng còn món nào ưng ý vì đã bị lấy đi hết rồi.
Nhu cầu làm điều thiện và giúp đỡ người khác đều xuất phát từ tình thương yêu của mỗi con người. Và trong số mỗi con người ấy, hãy biết mở lòng và san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chứ đừng chỉ vì bản thân mà quên đi vô số hoàn cảnh đáng thương khác trong cuộc sồng.
Đồng thời, những mô hình từ thiện ý nghĩa như vậy cũng cần được nhận rộng hơn, nhằm giúp đỡ các mảnh đời khốn khó có thể tìm được một “món quà” tuy cũ nhưng đầy ắp sự chân thành từ mỗi trái tim.
Lan Hương
Ảnh: Hoài Nam - Video: Xuân Quý