Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản đề thi môn Toán được cho là Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bộ GD- ĐT khẳng định, đây không phải là Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Bộ đang hoàn thiện Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và sẽ được công bố trong thời gian tới.
Đề thi minh họa môn Toán tốt nghiệp THPT 2025 là giả mạo.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Được biết trong dự thảo, Bộ cho biết đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 theo 3 phương án lựa chọn là 4+2, 3+3 và 2+2.
Trên cơ sở phân tích khách quan, ý kiến góp ý của các Sở GD-ĐT và dựa theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng Phương án thi, Bộ GD-ĐT kiến nghị, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án: Mỗi thí sinh thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm: Thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Lý do tổ chức thi theo phương án này là: Giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội; Không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.
Đồng thời, đối với 9 môn học thí sinh được lựa chọn để dự thi, các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ; trong quá trình dạy học, học sinh đã được đánh giá quá trình học tập một cách toàn diện, trong quá trình dạy trên lớp.
Việc được chọn 2 môn trong số 9 môn học này (có 36 cách thức lựa chọn khác nhau), tạo điều kiện để thi sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Theo Bộ GD-ĐT, lựa chọn 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi cũng giảm 1 số buổi thi so với hiện nay.
Ngoài ra, điều này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học. Tuy nhiên, nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Theo Vietnamnet