Mốc kỷ lục mới: 78 triệu đồng/lượng chiều bán

Chiều 25/12, các nhà vàng tiếp tục điều chỉnh giá lần thứ 10 trong ngày, lên mức kỷ lục mới. Hiện giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 77-78 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,1 triệu đồng mỗi chiều so với giá mở cửa lúc 8h30 sáng. Chênh lệch 2 chiều là 1 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong phiên sáng, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 76,3-77,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 600.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với giá đóng cửa tuần trước. Giá vàng đang quay lại sát mức đỉnh lịch sử thiết lập tuần trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán giảm từ 1,2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng. 

Giá vàng nhẫn tăng chậm hơn, hiện được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 62-63,15 triệu đồng/lượng (mua - bán), tiệm cận mức đỉnh lịch sử của vàng nhẫn thiết lập tuần trước. Chênh lệch giữa 2 chiều vẫn là 1,15 triệu đồng.

Tuần qua, giá vàng miếng cũng ghi nhận mức giá cao nhất mọi thời đại mới, chạm 77,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, vàng cũng nhanh chóng mất mốc này. Có những phiên giao dịch, bảng giá được điều chỉnh tới 15 lần.

So với đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 14%, gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng khi được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 61,9-63,05 triệu đồng/lượng (mua - bán), tiệm cận mức đỉnh lịch sử của vàng nhẫn thiết lập tuần trước. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,15 triệu đồng.

Giá vàng lên đỉnh mới 78 triệu đồng/lượng-1
Thị trường vàng có tuần tăng dữ dội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá vàng thế giới chốt tuần vừa rồi tăng cao, đạt 2.053,2 USD/ounce, tức tăng hơn 32 USD so với cuối tuần trước đó. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn tăng nhanh hơn thế giới, khiến chênh lệch giữa 2 thị trường có xu hướng nới rộng. Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, mỗi lượng vàng miếng SJC đang đắt hơn thế giới 16,5 triệu đồng trong khi vàng nhẫn cùng cách khoảng 2 triệu đồng.

Thời điểm giá vàng miếng tăng dữ dội vào tháng 3 năm ngoái, vàng miếng trong nước cũng có lúc vênh hơn 20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Điều này được các chuyên gia giải thích do sự không liên thông giữa vàng miếng và quốc tế khi nguồn cung vàng miếng SJC được độc quyền bởi Nhà nước.

Vàng đang được thúc đẩy tăng giá bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng 3 và sẽ giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản vào năm 2024. USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - đã giảm khoảng 2% trong năm nay, hiện ở mức 101,42 - thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

Chính sách xoay trục ôn hòa của Fed vào tháng 12 làm gia tăng khả năng đồng USD tiếp tục giảm cho đến năm 2024, dù sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể hạn chế sự suy giảm của đồng bạc xanh này.

Tuần này, tất cả thị trường lớn sẽ đóng cửa vào thứ 2 (25/12) để nghỉ lễ Giáng sinh và mở cửa vào thứ 3 (26/12). Đối mặt với khối lượng thấp và biến động tăng, một số nhà phân tích cho biết các nhà giao dịch sẽ gặp khó khăn trong việc xác định bất kỳ xu hướng giá nào trong ngắn hạn.

Colin Cieszynski - chiến lược gia tại SIA Wealth Management - công ty chuyên quản lý quỹ đầu tư - cho biết vàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, các nhà đầu tư nên xem diễn biến giá hiện nay là tín hiệu tích cực.

Ông nói: "Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại gần đây, nhiều ý kiến đưa ra để cố gắng hạ giá vàng, nhưng không thể. Vì vậy, xu hướng giá của năm mới sẽ tích cực".

Giá USD trồi sụt

Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.895 đồng/USD, giảm 20 đồng so với giá đóng cửa tuần trước. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.700 đồng đến 25.089 đồng.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 3,1-3,2%. Ngân hàng lớn hiện niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.030-24.400 đồng/USD, giảm 80 đồng so với trước đó.

Tại ngân hàng cổ phần, giá là 23.990-24.380 đồng/USD, giảm 50 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD tăng 70 đồng mỗi chiều, ngược với USD trong ngân hàng.

Theo Dân Trí