Thị trường tài chính thế giới một lần nữa phản ứng mạnh trước tình trạng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Trong những ngày vừa qua, Nga tiếp tục đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và các nước phương Tây, điều này đã khiến giá dầu thô tăng dựng đứng, hiện đã vượt mức 110 USD/thùng, đồng thời tác động tới hầu hết thị trường hàng hóa khác, bao gồm cả vàng.
Sau khi lao dốc xuống dưới vùng 1.890 USD/ounce cuối tuần trước, giá vàng thế giới giao ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (28/2) đã tăng vượt mốc 1.900 USD, ngưỡng tâm lý quan trọng. Đến phiên 1/3 gần nhất, giá kim quý giao ngay tiếp tục tăng vọt lên mức 1.945,3 USD trên sàn New York, cao hơn 36,6 USD so với phiên liền trước, tương đương mức tăng ròng 1,9% trong ngày.
Tương tự, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco phiên đang diễn ra có thời điểm tăng chạm mốc 1.950 USD. Tuy nhiên, xu hướng tăng này đang ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt, hiện vàng vật chất trên sàn này phổ biến được giao dịch quanh vùng 1.935 USD/ounce, vẫn cao hơn gần 27 USD (1,4%) so với phiên trước đó.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 4 đêm qua (giờ Việt Nam) ghi nhận mức tăng 50 USD, hiện cố định ở 1.951,2 USD/ounce.
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, những hành động quân sự của Nga tại Ukraine đã làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới.
Theo đó, trước khi căng thẳng trở thành một cuộc xung đột quân sự, lạm phát tại Mỹ đã lên tới 7,5%, mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Việc giá dầu thô thế giới tăng vượt mốc 100 USD/thùng và chi phí lương thực, thực phẩm tăng cao sẽ tiếp tục làm gia tăng thêm áp lực lạm phát này. Đây cũng trở thành trợ lực chính trong dài hạn giúp vàng tăng giá.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng vọt trở lại, giá vàng miếng trong nước hôm nay cũng ghi nhận mốc giá kỷ lục mới.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mở cửa sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 66 - 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng giá mua và 750.000 đồng giá bán so với cuối ngày hôm qua.
Tuy nhiên, giá vàng tại đây đã nhanh chóng tăng phá đỉnh tuần trước (66,95 triệu/lượng), lên mức 67,4 triệu đồng vào khoảng 9h30, đây là giá bán cao nhất mà SJC từng đưa ra mới mặt hàng vàng miếng.
Sau khi giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng hạ nhiệt, đến 11h hôm nay, giá vàng miếng tại SJC cũng đã giảm về mức 66,3 triệu/lượng (mua) và 67,1 triệu/lượng (bán), nhưng vẫn cao hơn 1,05 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), theo đó, PNJ mở cửa hôm nay niêm yết giá vàng miếng ở 65,9 - 66,7 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 900.000 đồng giá mua và 700.000 đồng giá bán so với ngày 1/3.
Hiện tại, doanh nghiệp này đã đưa giá mua vào tăng thêm 400.000 đồng, cố định ở 66,3 triệu/lượng, trong khi giá bán đã chạm mốc 67 triệu, cao hơn 1 triệu đồng so với phiên liền trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hôm qua đóng cửa giá vàng miếng ở 65,6 triệu/lượng (mua) và 66,6 triệu/lượng (bán), đến sáng nay, công ty tăng giá mua vào lên mức 65,6 triệu và bán ra ở 66,8 triệu đồng.
Cũng trong sáng nay, có thời điểm giá vàng miếng tại DOJI đã tăng chạm đỉnh cũ 67,5 triệu/lượng, tuy nhiên, tương tự SJC, giá vàng tại đây cũng có xu hướng hạ nhiệt khi vàng thế giới giảm từ vùng 1.950 USD về 1.935 USD hiện tại.
Hiện DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,15 - 67,15 triệu/lượng (mua vào - bán ra), vẫn cao hơn 650.000 đồng so với cuối ngày 1/3.
Theo Zing