Ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank) để các nhà băng này bán vàng trực tiếp tới người dân.

Đây là phương án bình ổn thị trường vàng, thay thế cho việc tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC diễn ra từ 22/4.

Từ mức trên 90 triệu đồng/lượng (ngày 29/5), giá vàng SJC trong nước gần như ngay lập tức giảm mạnh.

Đầu giờ sáng 30/5, giá vàng 9999 của SJC giảm 3,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và hạ 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên ngày hôm trước, về mức 88 triệu đồng/lượng (bán ra).

Phiên 31/5, vàng miếng SJC tiếp tục giảm mạnh cả hai chiều, xuống còn 87 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC tiếp đà đi xuống khi các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank công bố các điểm bán vàng trực tiếp cho người dân từ 3/6. Cả 4 nhà băng đều đang tất bật để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.

Ngày 1/6, giá vàng SJC tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh ở cả chiều mua vào và bán ra. Tính tới cuối chiều 1/6, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 81 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji niêm yết ở mức 80,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, chỉ sau 2 ngày, giá vàng SJC đã giảm tới gần 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC lao dốc, lỗ gần 11,5 triệu đồng/lượng vì trót ‘đu đỉnh’-1
Biểu đồ giá vàng trong nước. Ảnh: D.A

So với mức đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (ngày 10/5), khách hàng đã lỗ gần 9 triệu đồng/lượng. Còn nếu bán ra thời điểm này, người mua vàng lỗ gần 11,5 triệu đồng/lượng.

Thực tế, việc đu vàng giá đỉnh vẫn có thể xảy ra bởi tâm lý mua theo đám đông của một số nhà đầu tư. Khi giá vàng lên cao, tại nhiều điểm kinh doanh vàng có tình trạng người dân xếp hàng mua vàng dù phải chờ đợi lâu và bị giới hạn số lượng mua.

Trước động thái mạnh của cơ quan chức năng, nhiều khách hàng lo ngại giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh. Một số nhà đầu tư chịu lỗ nếu bán ra ngay sau đó hoặc phải chờ thời gian dài để giá vàng tăng trở lại.

Đơn cử, ngày 8/3/2022, giá vàng trong nước tăng mạnh, lập đỉnh 74 triệu đồng/lượng, một số người dân mua vàng và lỗ ngay nếu bán ra sau đó. Trong suốt năm 2022, giá vàng SJC giữ ổn định quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Phải tới 29/11/2023, giá vàng SJC trong nước mới về mốc này.

Tuy nhiên, đầu tư vàng vẫn được người dân ưa chuộng. So với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán,... đầu tư vàng vẫn có mức sinh lời hiệu quả. Từ đầu năm tới nay, giá vàng SJC đã tăng 9,5 triệu đồng/lượng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.

Đồng thời, cơ quan quản lý đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đối tượng thanh tra bao gồm: Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Cùng với việc thanh tra và khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước còn phát đi thông điệp: Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.

Đại diện cơ quan quản lý cũng khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

Theo VietNamNet