Tuần biến động mạnh của vàng
Kết thúc tuần vừa rồi, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 72,8-74 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm sáng thứ 7, trước khi đóng cửa tuần. Chênh lệch 2 chiều mua - bán vẫn là 1,2 triệu đồng.
Đầu tuần, giá vàng miếng được giao dịch tại 73-74,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau một tuần giao dịch, chiều mua đã giảm 200.000 đồng còn chiều bán giảm 400.000 đồng. Nếu mua vàng vào đầu tuần và sớm chốt lời phiên cuối tuần, người mua đã có thể lỗ 1,6 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn cũng yếu đi đáng kể. Chốt tuần vừa rồi, các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 60,7-61,75 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,05 triệu đồng. Vàng nhẫn giảm 1,75 triệu đồng/lượng mỗi chiều sau một tuần giao dịch.
Vàng trong nước, thế giới biến động mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).
Vàng trong nước giảm cùng diễn biến thế giới. Đầu tuần, giá vàng tăng dựng đứng, vượt 2.100 USD/ounce và phá đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, cuối tuần, kim loại quý lùi về sát 2.000 USD. Tính chung cả tuần, giá đã giảm 3,4%.
Phiên hôm nay, giá là 2.005 USD. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới đang thấp hơn trong nước khoảng 14,3 triệu đồng/lượng.
Kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy hầu hết nhà đầu tư bán lẻ vẫn kỳ vọng giá sẽ tăng vào tuần này. Trong khi đó, phần lớn nhà phân tích thị trường đã chuyển sang dự báo giảm hoặc trung lập về triển vọng ngắn hạn của kim loại này.
3 trong số 15 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát, tương đương 20%, dự báo giá vàng tăng tuần này; 8 người (53%) dự đoán giá sẽ giảm trong khi 4 chuyên gia còn lại (27%) có quan điểm trung lập về vàng.
Mark Leibovit - chủ biên tạp chí VR Metals - dự báo vàng đi ngang trong tuần này. Ông nói: "Với việc USD tăng giá trở lại, tôi nghĩ chúng ta phải thận trọng ở thời điểm này. Tôi đang bỏ phiếu trung lập". Trong khi đó, Colin Cieszynski - chiến lược gia tại SIA Wealth Management - công ty chuyên quản lý quỹ đầu tư - dự đoán giá vàng sẽ giảm.
Trước đó, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, thị trường việc làm tăng nhanh trong tháng 11 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm. Điều này báo hiệu sức mạnh tiềm ẩn của thị trường lao động, khiến các nhà giao dịch thay đổi dự báo rằng Fed có thể phải đến tháng 5 mới đưa ra đợt giảm lãi suất đầu tiên, thay vì từ tháng 3 như trước đó.
Tuần này, các ngân hàng trung ương là tâm điểm của thị trường tài chính với quyết định lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên Bang (FOMC) vào thứ 4 (13/12), tiếp theo là các quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh vào thứ 4 (14/12).
Dự kiến cả 3 cuộc họp đều sẽ đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất, dù các nhà đầu tư vẫn sẽ theo dõi xem liệu có sự thay đổi trong xu hướng thắt chặt và trong dự đoán của họ hay không.
USD chưa phục hồi
USD vẫn chưa lấy lại được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 104 điểm dù tăng giá nhẹ. Cụ thể, USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn trên thế giới - hiện đạt 103,93 điểm, tăng 0,54% so với trước đó.
Tỷ giá trung tâm kết thúc tuần vừa rồi được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.951 đồng/USD, giảm 8 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.753 đồng đến 25.148 đồng.
Giá USD trong ngân hàng giảm 20-40 đồng ở một số đơn vị. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua bán 24.020-24.390 đồng/USD. Tại ngân hàng cổ phần, giá USD là 23.010-24.400 đồng/USD.
Còn trên thị trường tự do, USD "chợ đen" được giao dịch ở mức 24.620-24.700 đồng/USD, tăng 20 đồng chiều mua và 50 đồng ở chiều bán so với trước đó. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 70 đồng.
Theo Dân Trí