“15 ngày, 11 giá…”

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) ngày 31.10 cho biết, bình quân giá xăng dầu thành phẩm thế giới kể từ kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất diễn biến khá phức tạp song xu hướng chung là giảm so với kỳ điều hành trước. “Chúng tôi nhập xăng dầu về mỗi ngày một giá khác nhau, đến hôm nay tính ra đã có tổng cộng 11 giá, trong đó có 7 giá giảm và 4 giá tăng. 4 giá tăng này đều rơi vào 3 ngày cuối tuần này, từ thứ 4 đến thứ 6” -vị đại diện doanh nghiệp này cho biết.

gia xang sap giam 500-600 dong/lit? hinh anh 1

Tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu thời điểm này, vị đại diện doanh nghiệp này tiết lộ, giá cơ sở với mặt hàng xăng doanh nghiệp bán ra đang thấp hơn giá bán lẻ từ 500-600 đồng/lít và 300-400 đồng/lít,kg với dầu. “Còn tùy thuộc vào giá xăng dầu nhập về của ngày thứ Hai nữa mới có thể tính toán chính xác giá cơ sở xăng dầu bình quân 15 ngày làm căn cứ cho việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước kỳ tới. Nhưng xu hướng điều chỉnh giảm của giá xăng dầu kỳ điều hành vài ngày nữa theo tôi là chắc chắn” - ông này nói.

Như vậy, với chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như trên, kỳ điều hành tới đây, về lý thuyết người mua có thể được giảm 500-600 đồng/lít xăng và 300-400 đồng/lít dầu. Nếu quỹ bình ổn giá xăng dầu có những điều chỉnh nào đó mới ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá mặt hàng này.

Giá xăng dầu đã điều hành phù hợp?

Trước đó ngày 3.10, Liên bộ Tài chính – Công thương đã có quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 189 đồng/lít, lên mức 18.130 đồng/lít và giảm giá các mặt hàng dầu. Quyết định tăng giá xăng thời điểm này đã bị dư luận sau đó lên tiếng cho rằng, chưa phù hợp với biến động của giá thế giới. Kỳ điều hành hôm 19.10, giá xăng trong nước cũng chỉ giảm nhỏ giọt gần 140 đồng/lít khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục lao dốc giảm mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo đúng Nghị định 83/CP, giá xăng được căn cứ theo giá cơ sở, gồm giá nhập khẩu và các loại thuế phí, chi phí theo định mức. Giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước phải giảm. Nhưng ở đây, giá thế giới giảm nhưng thuế phí lại cao thì giá cơ sở xăng dầu sẽ bị đội lên cao, kéo theo giá xăng dầu trong nước khó có thể giảm phù hợp.

Còn các doanh nghiệp xăng dầu đến nay khẳng định, giá xăng dầu trong nước đang được điều chỉnh theo đúng diễn biến của giá xăng dầu thế giới và “minh bạch”. Chúng ta căn cứ vào giá bình quân xăng dầu thành phẩm nhập về theo đúng chu kỳ 15 ngày chứ không phải là giá dầu thô. Diễn biến thị trường nhiều khi xảy ra tình trạng, giá dầu thô thì giảm mà giá xăng dầu thành phẩm không giảm, thậm chí tăng. Do vậy, giá xăng dầu trong nước điều hành đôi khi có vẻ không “ăn nhập” với giá thế giới và bị cho là “không phù hợp”.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu cũng nhìn nhận, thuế phí với mặt hàng xăng dầu đang quá cao khiến cho giá xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng dầu thế giới. Giá cơ sở xăng dầu bao gồm nhiều loại thuế phí, trong đó, thuế môi trường bị tính quá cao, tổng hợp các khoản thuế phí chiếm quá nửa giá bán ra thì không thể có giá xăng dầu thấp.

Thực tế từ đầu năm đến nay, giá dầu trên thế giới đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm khoảng hơn 20%. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, câu chuyện hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong kinh doanh xăng dầu đang cần phải xem xét lại. “Với thuế phí đều nằm trên tỷ lệ phần % trên giá như hiện nay thì doanh nghiệp xăng dầu mà có lãi nhiều, bán được hàng nhiều thì Nhà nước cũng sẽ tăng thu được thuế nhiều. Cuối cùng thì lợi ích của người tiêu dùng nằm ở đâu?!” - ông Phong đặt câu hỏi.

Theo Dân Việt