Trong những ngày của chu kỳ điều hành này, giá dầu trên thế giới có sự biến động rất mạnh, có khi giảm xuống thấp kỷ lục nhưng có phiên lại tăng mạnh mẽ.
Trong phiên giao dịch ngày 9/2, giá dầu trên thế giới giảm xuống dưới mốc 28 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo tình trạng thừa cung trong tháng 1/2016 sẽ trầm trọng hơn khi sản lượng dầu thô của OPEC tiếp tục tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange còn 27,94 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm xuống mức 30,32 USD/thùng.
Sau khi đã giảm trong ba phiên trước, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2016 khép phiên 11/2 tiếp tục giảm 1,24 USD (4,5%) xuống 26,21 USD/thùng.
Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2016 cũng giảm 78 cent Mỹ (2,6%) xuống 30,06 USD/thùng.
Tuy nhiên, sau nhiều phiên giảm giá liên tục, sang đến phiên giao dịch ngày 12/2, giá dầu trên thị trường bật tăng "điên dại", thoát đáy lịch sử hồi năm 2003.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 3,23 USD, tương ứng 12,3%, lên 29,44 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 3,3%, tương đương 11%, lên 33,36 USD/thùng.
So với mức đỉnh hồi tháng 6/2014, giá dầu đã giảm 70%. Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI giảm gần 21%, giá dầu Brent vẫn giảm gần 11%.
Lúc 6h34 sáng ngày 16/2, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã lên 30,7 USD/thùng, còn dầu Brent có thời điểm vượt ngưỡng 34 USD/thùng.
Nguyên nhân của việc tăng giá này là do thông tin cho hay Saudi Arabia, Venezuela và Qatar có cuộc họp không chính thức tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận chung nhằm ổn định thị trường "vàng đen" đang dôi dư này.
Bảng giá bán lẻ xăng dầu hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex |
Tại thị trường trong nước, từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh giảm 3 lần liên tiếp. Ngày 4/2 vừa qua, giá xăng đã giảm chỉ còn 14.710 đồng/lít, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Theo nhận định của lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại miền Bắc thì trong chu kỳ này, giá xăng dầu biến động khó lường.
Nếu giữ nguyên mức thuế, phí, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay thì giá xăng có thể sẽ giảm khoảng 500 đồng/lít trong lần điều chỉnh tới.
Hiện tại, mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng xăng, dầu (trừ xăng E5) là 300 đồng/lít (kg).
Theo bảng giá cơ sở Hiệp hội Xăng dầu công bố ngày 2/2/2016, xăng dầu Việt Nam đang bị tính 4 loại thuế bao gồm:
Thuế nhập khẩu (20%), tương đương 1.322 đồng/lít; Thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) tương đương 793 đồng/lít; Thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít; Thuế giá trị gia tăng là 1.338 đồng/lít.
Tổng cộng các khoản thuế trên là 6.453 đồng, tương đương với 43,8% giá bán lẻ xăng dầu.
Ngoài ra, trong giá bán lẻ xăng dầu còn có chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Nếu loại bỏ các yếu tố thuế phí, có thể giá xăng ở Việt Nam sẽ chỉ khoảng 7.000 đồng/lít.
Theo Soha/ trí thức trẻ