Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có công văn điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều nay (5/5).

Trong lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương-Tài chính giữ nguyên mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, cho phép chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho xăng RON 92 là 639 đồng/lít; trích cho xăng E5 672 đồng/lít; trích cho dầu diesel 846 đồng/lít; trích cho dầu hỏa 1.029 đồng/kg và 323 đồng/kg dầu mazut.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 tăng 646 đồng/lít lên mức tối đa 15.586 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 634 đồng/lít lên mức tối đa 15.076 đồng/lít.

Với các mặt hàng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép tăng giá dầu diesel 650 đồng/lít lên mức tối đa 11.023 đồng/lít và dầu hoả tăng 550 lên mức 9.455 đồng/lít, dầu mazut tăng 323 đồng/lít lên 7.860 đồng/lít.

Các mức giá mới và thời điểm tích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đều được áp dụng từ 15 giờ chiều nay (5/5).

Theo những số liệu được công bố trên website của Bộ Công Thương, cập nhật đến ngày 3/5/2016, giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore đang ở mức 54,08 USD/thùng. Mức giá này cao hơn so với chu kỳ điều chỉnh giá hôm 20/4 vừa qua gần 4 USD/thùng. Từ sau lần điều chỉnh vào hôm 20/4, giá xăng tại thị trường Singapore liên tục tăng và dao động ở mức 54-55 USD/thùng như hiện tại.


Trên thị trường thế giới, giá dầu thô trong những phiên gần đây liên tiếp sụt giảm. Trong phiên giao dịch ngày thứ ba, giá dầu tiếp tục hạ bởi thêm nhiều thông tin cho thấy nguồn cung dầu đang tăng lên. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 6/2016 ở mức 44,72 USD/thùng trong khi giá dầu WTI cùng kỳ hạn giao dịch ở 43,78 USD/thùng.

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng hai lần liên tiếp, tổng cộng gần 1.200 đồng. Trong lần điều chỉnh gần nhất (20/4), giá xăng RON 92 được giữ nguyên ở mức giá tối đa 14.940 đồng/lít; xăng sinh học (E5) cũng được giữ nguyên ở mức giá bán tối đa 14.442 đồng/lít; các mặt hàng dầu tăng từ 335 - 500 đồng/lít, tuỳ loại.

Liên quan tới công tác điều hành giá xăng dầu, trao đổi với Dân trí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, cách tính bình quân gia quyền đối với các mức thuế nhập khẩu xăng dầu trước mắt sẽ khắc phục được bất cập hiện nay trong bối cảnh tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau do các cam kết hội nhập quốc tế và sẽ hài hòa lợi ích hơn cho người tiêu dùng

Ông Tuấn cũng khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đảm bảo công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Theo đó, người tiêu dùng giám sát được quyết định giá của doanh nghiệp cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố.

Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tỏ ý chưa thống nhất với cách tính giá cơ sở xăng dầu mới áp dụng của Bộ Tài chính. Cụ thể, sau vụ việc “ lỗ hổng thuế , DN xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diezel và 0% đối với dầu hỏa và madut.

Thế nhưng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách tính này vẫn còn bất cập. Đó là việc luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân. Ngoài ra, cách tính này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiệp hội Xăng dầu cũng nhìn nhận, cách tính này tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu.

Để khắc phục, Hiệp hội Xăng dầu đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi, mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu. Do vậy, Hiệp hội đề nghị lấy mức thuế này để tính giá cơ sở.

Việc giảm thuế theo đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu có thể làm giảm thu ngân sách ở khâu nhập khẩu. Do đó, Hiệp hội Xăng dầu đã “hiến kế”, cần tăng thu thuế nội địa, cụ thể là với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,... Riêng thuế bảo vệ môi trường, Hiệp hội đề nghị tiếp tục áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường ở khâu bán ra, có nghĩa tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Theo Dân Trí