Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 13/3.
Theo đó, xăng RON95 tăng 490 đồng/lít, có giá bán 23.810 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 380 đồng/lít, có giá bán mới 22.800 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 250 đồng/lít, có giá bán 20.500 đồng/lít.
Giá xăng tăng từ 15 giờ ngày 13/3
Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 300 đồng/lít đối với xăng RON95, 300 đồng/lít với dầu diesel; không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Trước đó tại kỳ điều hành gần nhất, cơ quan điều hành quyết định giảm 120 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.420 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.320 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu thời gian gần đây ổn định về nguồn cung. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình lấy ý kiến, các doanh nghiệp bán lẻ liên tục kiến nghị quy định mức chiết khấu tối thiểu cho khâu bán lẻ, để đảm bảo công bằng trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Về vấn đề chiết khấu, tại một cuộc toạ đàm mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, đặt ngược lại câu hỏi tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra. "Chúng ta phải xem bản chất nguyên nhân là gì mà trong khoảng một năm trở lại đây mới nêu ra vấn đề quy định chiết khấu tối thiểu" - ông Đông nói.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh việc quy định chiết khấu cần phải xem xét thấu đáo, tham khảo có nước nào quy định như vậy hay không, nhà nước có nên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp không.
Trong trường hợp quy định, ông Đông cũng băn khoăn mức nào là hợp lý, khoa học để không ảnh hưởng đến giá cả của người tiêu dùng và đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát. Một số ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, mức chiết khấu nên được thoả thuận giữa các doanh nghiệp, thay vì nhà nước quy định cứng.
Theo Người Lao Động