Tháng Bảy là mùa Vu Lan báo hiếu nhưng đây cũng là năm đầu tiên Long Nhật thiếu mẹ. Mẹ của anh mất cách đây hơn 3 tháng vì tai biến. Người có thể đã đi nhưng tình yêu thì mãi mãi ở lại...
Phá của nhất nhưng cũng được thương nhất
Tôi thừa hưởng gien hát hay của mẹ và từ nhỏ đã được mẹ đặc biệt cưng chiều. Sáu anh em tôi từ bé tới lớn chưa bao giờ bị ba mẹ la rầy.
Hồi nhỏ tôi hay tập múa tập hát ồn ào hoặc mở ti vi rất lớn nghe cải lương nhưng ba mẹ nằm trong phòng ngủ không ai la mắng. Bây giờ cũng vậy, ba mẹ thấy bạn bè nghệ sĩ về nhà chơi, ăn uống ồn ào, đông vui ba mẹ thích lắm.
Mẹ thương tôi nhất nhà. Mới Tết 2017, mẹ ăn cơm uống nước bị sặc, anh Hai vỗ lưng cho mẹ, mẹ bảo "coi chừng mẹ chết bây chừ". Anh Hai nói "trời đất ơi, gần 80 tuổi rồi còn sợ chết". Mẹ nói "chết thì tau không sợ, chỉ thương thằng Long Nhật thôi".
Bé út ganh: "Con là út đây mà mẹ không thương, chỉ thương mỗi anh Nhật". Mẹ bảo: "Con cái đứa nào cũng thương hết nhưng thằng Long Nhật khóc nhiều và khóc lâu nhất, từ bé đã có tính khóc hoài không nín".
Bởi vì hồi nhỏ, mỗi lần tôi bị anh Hai trêu ghẹo, nhìn quanh không thấy mẹ thì nín mà thấy mẹ là khóc lại liền.
Hồi nhỏ tôi hay nói: "Mẹ đẻ con giống con gái quá, các bạn cứ hay trêu con, con không thích". Mẹ nói: "Con phải nằm lòng câu này. Con trắng trẻo, xinh đẹp lắm, gương mặt phúc hậu thì con mới được giống con gái". Và câu nói đó giống như lá bùa hộ mệnh cho tôi từ đó tới nay. Tôi chưa bao giờ hổ thẹn vì mình giống con gái.
Ca sĩ Long Nhật
Mẹ thương và chiều tôi đủ thứ. Tôi muốn gì ba mẹ cũng cho. Mọi người nói, trong nhà Long Nhật giống như phù thủy, chỉ cần đứng trước mặt ba mẹ, hóa phép là ba mẹ có bao nhiêu tiền đều lấy ra cho hết.
Thật sự là vậy. Tôi làm liveshow lỗ mẹ cho tiền. Khi tôi làm album đầu tiên, không có tiền cũng mẹ cho. Miếng đất là tài sản cuối cùng của ba mẹ, mẹ cũng bán cho tiền tôi làm. Trong nhà, tôi tự nhận mình là đứa phá của nhất nhưng bất cứ khi nào tôi cần là mẹ hỗ trợ.
Chính mẹ là người yêu thương, bênh vực để tôi có chỗ đứng như ngày hôm nay. Từ nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng lớn lên con sẽ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng ba và ông bà nội cấm không cho đi hát, bắt tôi thi sư phạm văn vì sợ đời nghệ sĩ bấp bênh, hư hỏng.
Tôi nói với mẹ rằng: "Đối với con, chưa đi hát thì chỉ là tồn tại thôi. Con phải đi hát thì mới là sống" và được mẹ rất ủng hộ. Sau đó, tôi lén cha thi vô trường nhạc. Học chưa xong thì được về đoàn Hải Đăng Nha Trang.
Hồi tôi còn hát đoàn Hải Đăng Nha Trang, lương ba cọc ba đồng nên mẹ thường xuyên phải gửi tiếp tế thực phẩm và cả tiền.
Giấc mơ kỳ lạ của ông nội và cơn đột quỵ của mẹ...
Mẹ của tôi là người phụ nữ đức hạnh. Vì ba là con trưởng nên lấy ba, mẹ gánh vác giang sơn nhà chồng, yêu cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ. Khi bà nội bị bệnh, chỉ mẹ đút thuốc, đút cháo thì bà nội mới chịu ăn.
Khi mẹ về làm dâu, các cô chú là em của ba đều còn rất nhỏ, chính mẹ tắm cho cô út, chú út và sau này dựng vợ gả chồng cho từng người.
Long Nhật tại nhà riêng.
Đặc biệt, lấy chồng mẹ mất luôn tên thật của mình. Tên thật của mẹ là Nguyễn Thị Quýnh, khi lấy ba, ba đặt cho mẹ là Quỳnh Hương nhưng không ai nhớ mẹ tên Quỳnh Hương hay Quýnh nữa. Vì ba tên thật là Đinh Khắc Duyệt nên ai cũng gọi mẹ là o Duyệt, chị Duyệt, bác Duyệt.
Một lần ông nội tôi nằm mơ ngói ở nhà thờ dưới quê rớt xuống hết nhưng không vỡ viên nào. Sau đó, mẹ tôi ngã bệnh. Ông nội nói sẽ cứu được vì ngói không vỡ viên nào.
12 năm mẹ bị tai biến, anh em tôi thuốc men đầy đủ, chăm sóc mẹ tới nơi tới chốn. Mẹ bị tai biến nhưng không nói ngọng, không phải nằm một chỗ. Mẹ thích mặc đồ đẹp đi chơi, đi xem ca nhạc mỗi lần tôi có show diễn ở Huế. Tôi mua rất nhiều bông tai, mỹ phẩm, quần áo đẹp cho mẹ.
Nhưng đến đầu tháng 3 năm nay mẹ bị ho, phổi tổn thương nặng. Phổi còn chưa lành thì mẹ bị tai biến lần thứ hai, trong đầu có một cục máu. Bác sĩ làm cục máu tan ra giúp mẹ tỉnh lại nhưng bị tác dụng phụ tới phổi, vết thương ở phổi cũng bị chảy máu theo.
Khi mẹ được đưa vào khoa cấp cứu bệnh viện Thừa Thiên Huế, tôi hủy tất cả các hợp đồng từ ca nhạc, sự kiện, sân khấu đến điện ảnh để về với mẹ.
20 ngày mẹ nằm viện, mấy anh em chia nhau ra trực để chăm mẹ nhưng tới 12 giờ đêm thì ai cũng mệt. Vì tôi là nghệ sĩ, quen với giờ giấc khác người nên chăm mẹ từ 12 giờ đêm tới sáng.
Đêm nào cũng vậy, tôi lau chân lau tay lau mặt cho mẹ. Bàn tay bàn chân mẹ đẹp vô cùng. Tôi massage và tâm sự với mẹ. Tuần đầu, mẹ còn biết đòi uống sữa nhưng sang tuần thứ hai mẹ bị hôn mê. Bác sĩ nói tình trạng sức khỏe của mẹ rất xấu, khó mà cứu được.
Trong album "Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười", Long Nhật chụp nhiều ảnh với mẹ. Và đây là tấm hình mà anh thích nhất.
Lúc đó, tôi nguyện chỉ cần cứu được mẹ, kể cả mẹ sống thực vật để mình đút thuốc, đút cháo cũng được. Bởi vì còn xương còn thịt thì mình còn được thấy, được rờ, được nựng, được hôn...
Còn khi đã mất, mình có xây mồ mả lăng tẩm đẹp đến mấy thì sờ vào cũng chỉ thấy cát sỏi mà thôi. Đã nằm dưới đất rồi là vĩnh viễn xa nhau và không có cảm giác nào khó chịu bằng cảm giác nhớ nhung một người thương yêu nhất mà không bao giờ gặp lại.
Khi ấy, anh Hai tôi sợ mẹ mất trong bệnh viện nên quyết định đưa mẹ về nhà. Anh Hai tôi là giáo viên, nhà thơ nổi tiếng ở Huế. Các em tôi cũng đều là những bác sĩ, tiến sĩ. Còn tôi cũng là một ca sĩ được nhiều người yêu mến...
Vậy mà khi đưa ra quyết định này, anh em chúng tôi ôm nhau khóc như đàn gà con ngơ ngác mồ côi, thấy mình bé dại, bơ vơ...
Đưa mẹ về nhà rồi, các cô là em ruột của ba kéo rèm lại và đuổi hết đàn ông ra ngoài. Chỉ còn các cô, các thím ở trong phòng tắm rượu rồi mặc đồ gấm bà ba cho mẹ. Các cô vừa làm vừa nói "chị ngoan để em mặc đồ đẹp, đánh son, chải tóc cho chị đẹp nhé".
Khi tôi thắc mắc là tại sao mẹ mất rồi, các cô các thím chỉ là em chồng em dâu mà không sợ lại còn tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ cho mẹ; thì các cô chú nói rằng: "Mẹ của con tuy là chị dâu nhưng mọi người đã quên mất là chị dâu từ lâu rồi, mà coi như người mẹ thứ hai".
Đám tang mẹ được để ở Huế 5 ngày sau đó dòng họ bên nội muốn đưa mẹ vào nhà thờ tổ của gia tộc ở quê hai ngày để gia đình, làng xóm tới thăm viếng vì đức hạnh của mẹ được mọi người ngưỡng mộ.
Mùa Vu Lan năm nay là năm đầu tiên tôi thiếu mẹ. Anh em tôi vừa làm lễ cúng 100 ngày cho mẹ tại Huế.
Mẹ của ca sĩ Long Nhật khi sinh thời.
Cho đến giờ phút này, tôi không có gì ân hận với cha mẹ. Bởi lẽ những gì tốt đẹp nhất cho cha mẹ, anh em tôi đã làm đầy đủ.
Khi gia đình làm ăn thất bại, một tay tôi gánh vác. Khi đi hát, nổi tiếng, có tiền chính tôi lo cho 4 cô em gái từ lúc thi đại học đến khi lấy chồng. Anh Hai tôi là giáo viên, tiền không nhiều, cũng tôi xây nhà cho anh.
Nợ nần của cha mẹ, tôi trả hết. Cuộc sống của cha mẹ những năm tháng về già, tôi lo tròn đạo hiếu. Tôi không để cho cha mẹ phải lo về kinh tế mà vẫn có một cuộc sống đủ đầy.
Tôi chỉ tiếc một điều là từ đây, những khi bị cuộc đời đối xử oan ức, tệ bạc... sẽ không được chạy về xà vào lòng mẹ khóc như ngày nào nữa. Tôi giờ chỉ còn cha. Cha ngày đêm thương nhớ mẹ nhưng anh em tôi luôn an ủi để ba sống trăm tuổi với con cái.
Theo Trí Thức Trẻ