Một trong những điều khiến Squid Game viral và trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi từ ngày này qua ngày khác là việc khán giả liên tục so sánh tác phẩm của đạo diễn Hwang Dong Hyuk với bộ phim cùng thể loại là Alice in Borderland.
Phần lớn người xem nhận định so với Alice in Borderland, Squid Game không đủ tàn khốc, không cho thấy một đấu trường sinh tử khắc nghiệt mà tập trung quá nhiều vào tâm lý nhân vật.
Nhưng thực tế, xây dựng những nhân vật mang tính tượng hình cao, thông qua hành động và tâm lý để đưa ra những phép ẩn dụ sâu cay vốn là đặc trưng của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Và Squid Game cũng không ngoại lệ.
Chính đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã gọi tác phẩm là "bộ phim điện ảnh dài hơn 8 tiếng". Squid Game cũng có những nhân vật mang tính đặc trưng của điện ảnh Hàn, chẳng hạn như nam chính Sung Gi Hun.
Điển hình của tầng lớp bần cùng trong xã hội
Cảnh đầu tiên Sung Gi Hun xuất hiện là phân cảnh ngồi ăn cơm trong căn phòng bán tầng hầm và được người mẹ già cho tiền để dắt con gái đi ăn gà nhân dịp sinh nhật cô bé. Bà chỉ cho Gi Hun đúng 20.000 won (17 USD) - số tiền vừa đủ để mua một con gà rán, không dư một đồng để mua thêm quà.
Sung Gi Hun là nhân vật điển hình của tầng lớp bần cùng trong xã hội
Ngay sau đó, bà mang rổ rau ra ngoài chợ bán. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", mẹ Gi Hun vẫn phải bươn chải kiếm sống ngoài chợ, không dám chữa bệnh dù bị bệnh tiểu đường và đã đến giai đoạn biến chứng. Điều này cho thấy gia đình Sung Gi Hun nghèo tới mức nào.
Trong xã hội Hàn Quốc, những căn phòng bán tầng hầm (tức nhà được xây chìm một nửa dưới mặt đất) chỉ dành cho những người nghèo khó.
Người sống trong căn phòng bán tầng hầm tầm mắt chỉ ngang với nền đất của gia đình khác, ám chỉ cho việc họ chỉ nằm ở tầng lớp thấp kém, không có cơ hội "hưởng ánh mặt trời". Ngay từ nơi ở đã cho thấy mức độ bần cùng và vị trí xã hội của Sung Gi Hun.
Anh bị vợ bỏ, mất quyền nuôi con vì không có khả năng tự chủ kinh tế. Ngoài ra, Gi Hun còn gánh trên vai khoản nợ hàng trăm triệu won, thường không dám bước chân ra ngoài đường vì sợ bị chủ nợ đánh.
Anh còn bị ép ký vào bản cam kết từ bỏ thân thể, tức bản khế ước cho phép lấy nội tạng, vì không có khả năng trả tiền nợ.
Dưới hoàn cảnh trên, Sung Gi Hun vẫn không có việc làm, chỉ trông đợi vào nghề lái xe thuê năm thì mười thoảng mới có cơ hội làm việc. (Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, khi chủ xe uống rượu hoặc gặp vấn đề không tự lái xe được, họ thuê người lái hộ để đưa xe về nhà).
Anh thậm chí sẵn sàng ăn trộm tiền của mẹ để chơi cá độ đua ngựa, lấy tiền mua quà sinh nhật cho con.
Sung Gi Hun cũng từng có việc làm. Anh làm việc tại một nhà máy với mức lương ổn định, cho đến ngày công nhân đình công và biểu tình vì vấn đề gì đó, và Gi Hun cũng nghỉ việc theo.
Sau đó, anh quyết tâm mở nhà hàng gà rán, nhưng kinh doanh thua lỗ đã khiến anh phá sản. Có thể, số tiền nợ hàng trăm triệu won còn xuất phát từ lần làm ăn thất bại trên, không hoàn toàn vì Gi Hun chơi cá cược đua ngựa.
Được khắc họa là kiểu người thất bại trong cuộc sống, nhưng Sung Gi Hun lại là người Cho Sang Woo ghen tỵ nhất, theo nhận định của diễn viên Park Hae Soo
Nhưng khi nói về nhân vật của mình, Park Hae Soo (vai Cho Sang Woo) chia sẻ : "Tôi cho rằng Gi Hun - người lớn lên cùng anh ấy trong một khu phố - chính là người Sang Woo luôn ghen tỵ khi còn nhỏ. Đây là kết luận khi nghiên cứu nhân vật của tôi".
Theo Park Hae Soo, nhân vật của anh có thể thông minh, học giỏi, đỗ đại học danh tiếng, nhưng bản chất con người và tính cách không thiện lương được như Sung Gi Hun. Do đó, Cho Sang Woo luôn ghen tỵ với người bạn luôn hiện lên vẻ bần cùng và thất bại của mình.
Một nhân vật đậm nét điện ảnh
Bình luận về bộ phim, tờ JoongAng Ilbo viết: “Gi Hun - người không đánh mất nhân tính của mình ngay cả trong những tình huống khắc nghiệt nhất - là một nhân vật rất điện ảnh".
Đúng như những gì JoongAng Ilbo nhận xét, ngay từ đầu phim, Gi Hun đã thể hiện được bản chất lương thiện của mình trong những tình tiết nhỏ nhất, chẳng hạn cho mèo hoang ăn và dặn nó tìm nơi sống tốt, hay bỏ tiền mua cá tại sạp hàng của mẹ Sang Woo dù thực tế bà có thể (và thường xuyên) tặng không cho gia đình Gi Hun...
Khi bước chân vào loạt trò chơi chết chóc, bản tính lương thiện của Sung Gi Hun như được kích hoạt và càng thể hiện rõ ràng hơn qua mỗi trò chơi, anh thường hết lòng giúp người này, lại nỗ lực tìm cách hợp tác với các người chơi khác để vượt qua thử thách.
Số người chết càng tăng cao, người với người phải dẫm đạp lên nhau mà sống, thì sự lương thiện của Sung Gi Hun càng được bộc lộ rõ nét.
Sung Gi Hun được nhận xét là nhân vật không đánh mất bản chất thiện lương dù bị đẩy vào hoàn cảnh khắc nghiệt.
Chính Cho Sang Woo - người đã lớn lên và hiểu rõ Gi Hun nhất - đã nhận xét trong tập 9: "Anh là tuýp người sẵn sàng từ bỏ tất cả để cứu sống cô ta (Kang Sae Byuk)".
Câu thoại trên đã khắc họa chính xác nhất tính cách của Gi Hun, cũng là điều khiến Sang Woo ghét bỏ cũng như ngưỡng mộ, ghen tỵ. Khi mọi người chơi đều chọn đồng đội là người khỏe mạnh nhất để hợp sức, Gi Hun lại không bỏ rơi ông cụ lớn tuổi và phụ nữ.
Khi đã đánh bại Sang Woo ở trò chơi con mực, cũng là vòng thi cuối cùng, Gi Hun đã dừng lại khi chỉ còn một bước nữa là đặt chân lên chiến thắng, theo đúng nghĩa đen. Bởi Gi Hun biết, chỉ cần anh hô lên ba chữ "tôi thắng rồi", Sang Woo sẽ bị giết.
Gi Hun quyết định từ bỏ cuộc chơi vì không muốn Sang Woo phải chết. Có thể Gi Hun không muốn Sang Woo chết vì đã có quá nhiều người bỏ mạng, cũng có thể anh không muốn đánh mất đi niềm tự hào duy nhất trong cuộc đời mình.
Điều này đã được Lee Jung Jae đề cập: "Trong phim, khi nhân vật Gi Hun của tôi giới thiệu Sang Woo với những người khác, anh ấy luôn bắt đầu bằng câu nói: 'Cậu ấy là người em thân thiết của tôi. Cậu ấy thông minh, học rất giỏi, đỗ trường danh giá và làm việc ở công ty lớn'.
Tôi cho rằng Gi Hun luôn nhắc về Sang Woo như vậy, bởi thực tế Sang Woo là mối liên hệ duy nhất trong cuộc đời có thể khiến anh ấy tự hào".
Chiến thắng phần thưởng 45,6 tỷ won (38,2 triệu USD), nhưng Sung Gi Hun không động vào dù chỉ một đồng, vì anh áy náy và không dám tiêu xài số tiền được đổi bằng mạng sống của 455 người. Đây là gánh nặng tinh thần Gi Hun không thể buông bỏ.
"Thực tế Sang Woo là mối liên hệ duy nhất trong cuộc đời có thể khiến Gi Hun tự hào", Lee Jung Jae chia sẻ
Gi Hun còn mang một đặc điểm điển hình của nhân vật chính diện điện ảnh, đó là lòng căm thù, phẫn nộ cái ác. Khán giả có thể nhận ra điều này trong phân cảnh Oh Il Nam qua đời.
Với bản tính của Sung Gi Hun, hẳn anh sẽ không thể làm ngơ trước một người đàn ông cao tuổi vừa chết không nhắm mắt. Nhưng vì đã biết Oh Il Nam chính là trùm cuối đứng sau tất cả bi kịch, Gi Hun không vuốt mắt, chỉ tuyên bố "ông thua rồi" và quay lưng bỏ đi khi phát hiện Oh Il Nam đã trút hơi thở cuối cùng.
Ngay cả việc anh nhuộm tóc đỏ ở cuối phim cũng là ẩn ý cho sự phẫn nộ với những kẻ coi mạng sống của người nghèo như trò tiêu khiển luôn tồn tại âm ỉ trong lòng nhân vật, theo Money Today.
Khi Lee Jung Jae không vào vai phản diện
Trong phân cảnh gặp lại ở tầng cao nhất tòa tháp xa hoa - nơi có thể quan sát tất thảy vui buồn của nhân sinh trong thành phố, Oh Il Nam đã hỏi Sung Gi Hun: "Tới bây giờ mà cậu vẫn còn tin người sao?".
Tất nhiên Gi Hun vẫn tin. Lòng tin vào con người và lòng tốt của con người là điều bất diệt trong lòng anh, và cũng là tia sáng níu kéo hy vọng cho nhân vật đã bị đẩy vào đường cùng như Sung Gi Hun.
Đây là đặc điểm của một nhân vật người tốt, vai chính diện đậm nét điện ảnh.
Phần lớn vai diễn ăn khách của Lee Jung Jae ít nhiều đều mang màu sắc phản diện.
"Có một câu nói trong ngành điện ảnh rằng 'Lee Jung Jae chỉ có thể gây chú ý khi đóng vai phản diện'. Nhân vật phản diện của anh ấy có sức hút đặc biệt với khán giả. Chỉ cần không phải vai phản diện hoặc có nét tính cách phản diện, ắt hẳn phim của anh ấy sẽ có chút khó khăn ở phòng vé", bài viết của My Daily đề cập.
Như nhận định trên, không khó để nhận ra những vai diễn ăn khách nhất của Lee Jung Jae đều thiếu vắng màu sắc chính diện, chẳng hạn Popeye trong The Thieves, Lee Ja Seong trong New World, Suyang Dae Gun trong Contemplative, Yeom Seok Jin trong Assassination hay Ray trong Just Save Me From Evil.
Nhưng với Squid Game, tài tử 49 tuổi đã có một vai chính diện trong bộ phim ăn khách, thậm chí trở thành hiện tượng toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của jTBC, Lee Jung Jae cho biết anh rất vui vì thành tích trên. Nhưng ngôi sao người Hàn cũng thừa nhận Sung Gi Hun là một trong những vai diễn khó nhất với anh.
"Diễn sao cho ra một nhân vật rất 'đời' là khó nhất. Những nhân vật mạnh mẽ, có chút cường điệu thực ra lại dễ diễn, chỉ cần vào set quay là có thể nhập vai.
Nhưng với những nhân vật mang nét đời (như Gi Hun), bạn phải dành nhiều sự chú ý để học hỏi, tiếp thu, phải làm sao diễn tự nhiên như không diễn, phải như đang sống ở ngoài thực tế", Lee Jung Jae chia sẻ.
Đối với câu hỏi liệu Squid Game có phần 2 hay không và Sung Gi Hun sẽ trở lại với đấu trường sinh tử, Lee Jung Jae không đưa ra bất kỳ lời xác nhận nào.
"Tôi cũng đang mong đợi phần 2. Nếu có, tôi không rõ câu chuyện có còn tập trung vào Sung Gi Hun không, hay sẽ có một nhân vật chính khác xuất hiện. Có lẽ chúng ta không đoán trước được bất cứ điều gì".
Lee Jung Jae là tài tử hàng đầu Hàn Quốc, hiếm khi nhận lời đóng phim truyền hình.
Theo Zing