Bạn đã bao giờ có cảm giác kỳ lạ rằng, bạn cảm thấy từng trải qua một tình huống chính xác như vậy trước đây rồi, và không thể nhớ rõ là khi nào? Mọi thứ mơ hồ khiến bạn thấy vừa lạ, vừa quen?

Hầu hết chúng ta đều bối rối trước cảm giác quen thuộc lạ lùng khi làm một việc gì đó lần đầu tiên. Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đã ở đây trước đây, hoặc đã làm điều này trước đây, nhưng biết chắc rằng điều này là không thể.

Trên thực tế, theo nhiều cuộc khảo sát, khoảng 2/3 trong số chúng ta đã trải qua déjà vu ít nhất một lần trong đời.

Hiện tượng này, gọi là déjà vu, đã khiến các nhà triết học, nhà thần kinh học và nhà văn bối rối trong một thời gian rất dài.

Giải mã bí ẩn hiện tượng Déjà Vu: Ảo giác lạ ai cũng gặp trong đời!-1

Déjà vu - trong tiếng Pháp có nghĩa là "đã thấy" - được đặt ra vào năm 1876 bởi nhà nghiên cứu triết học và tâm thần người Pháp Émile Boirac. Ảnh: Patrick Chauvel, MD / Health.clevelandclinic.org

Bắt đầu từ cuối những năm 1800, nhiều giả thuyết bắt đầu xuất hiện liên quan đến những gì có thể gây ra déjà vu, [cụm từ này trong tiếng Pháp có nghĩa là "đã thấy"].

Mọi người nghĩ có thể déjà vu bắt nguồn từ rối loạn chức năng tâm thần hoặc có lẽ là một dạng vấn đề của não. Hoặc có thể đó là một trục trặc tạm thời trong hoạt động bình thường khác của trí nhớ con người.

DÉJÀ VU: TỪ HUYỀN BÍ SANG KHOA HỌC CHÍNH THỐNG

Đầu thế kỷ này, một nhà khoa học tên là Alan Brown - Tiến sĩ, Giáo sư Tâm thần học và Dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ), tác giả của rất nhiều cuốn sách viết về déjà vu - quyết định tiến hành xem xét tất cả những gì các nhà nghiên cứu đã viết về déjà vu cho đến thời điểm đó.

Giải mã bí ẩn hiện tượng Déjà Vu: Ảo giác lạ ai cũng gặp trong đời!-2
Alan Brown - Tiến sĩ, Giáo sư Tâm thần học và Dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ), tác giả của rất nhiều cuốn sách viết về déjà vu.

Cụ thể, năm 2003, Alan Brown đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Psychological Bulletin xem xét những điều ít được biết về déjà vu và kết nối thông tin đó với các mô hình hiện có trong nghiên cứu tâm lý học nhận thức và trí nhớ.

Về cơ bản, cơ sở của ông đã tạo tiền đề cho cộng đồng nghiên cứu có cái nhìn sâu hơn về hiện tượng này trong những năm tới. Kể từ đó, ông và một số nhà khoa học đã đưa nghiên cứu về déjà vu trở thành khoa học chính thống.

Phần lớn những gì ông có thể tìm thấy đều có màu sắc của sự huyền bí, liên quan đến siêu nhiên - những thứ như tiền kiếp hoặc khả năng tâm linh.

Ngoài những liên tưởng huyền bí, déjà vu đã đưa ra một trở ngại khác cho các nhà nghiên cứu. Trải nghiệm này thường kéo dài không quá vài giây và không có cảnh báo về thời điểm nó sắp xảy ra, khiến việc nghiên cứu trở nên cực kỳ khó khăn. Phần lớn những gì được biết về déjà vu dựa trên các cuộc khảo sát.

Từ tất cả những nghiên cứu này, Alan Brown đã có thể thu thập được một số phát hiện cơ bản về hiện tượng déjà vu.

Đơn cử, Alan Brown xác định rằng khoảng 2/3 số người trải qua déjà vu vào một thời điểm nào đó trong đời. Ông xác định rằng yếu tố kích hoạt phổ biến nhất của déjà vu là một khung cảnh hoặc địa điểm, và kích hoạt phổ biến nhất tiếp theo là một cuộc trò chuyện.

Ông cũng báo cáo về những gợi ý trong suốt một thế kỷ hoặc lâu hơn trong các tài liệu y khoa về mối liên hệ có thể có giữa déjà vu và một số loại hoạt động co giật trong não.

Bài đánh giá của Alan Brown đã đưa chủ đề déjà vu vào lĩnh vực khoa học chính thống hơn, bởi vì nó xuất hiện trên cả một tạp chí khoa học mà các nhà khoa học nghiên cứu về nhận thức có xu hướng đọc, và cả trong một cuốn sách dành cho các nhà khoa học.

Công việc của ông đóng vai trò như một chất xúc tác cho các nhà khoa học thiết kế các thí nghiệm để điều tra déjà vu.

THỬ NGHIỆM DÉJÀ VU TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM TÂM LÝ

Được thúc đẩy bởi công việc của Alan Brown, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư tâm lý học nhận thức Anne Cleary (thuộc Đại học Bang Colorado, Mỹ) dẫn đầu đã tiến hành các thí nghiệm nhằm mục đích kiểm tra các giả thuyết về các cơ chế có thể có của déjà vu.

Nhóm của Giáo sư Anne Cleary đã điều tra một giả thuyết gần một thế kỷ cho rằng déjà vu có thể xảy ra khi có sự tương đồng về không gian giữa một cảnh hiện tại và một cảnh “chưa được gọi tên” trong trí nhớ của bạn.

Các nhà tâm lý học gọi đây là giả thuyết về sự quen thuộc của Tâm lý học Gestalt (trường phái tâm lý học xuất hiện ở Áo và Đức vào đầu thế kỷ XX).

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang đi qua trạm điều dưỡng trong bệnh viện trên đường đến thăm một người bạn bị ốm. Mặc dù bạn chưa bao giờ đến bệnh viện này trước đây, nhưng bạn sẽ có cảm giác như từng đến đây.

Nguyên nhân cơ bản cho trải nghiệm déjà vu này có thể là bố cục của khung cảnh, bao gồm cả vị trí của đồ nội thất và các đồ vật cụ thể trong không gian, và chúng có bố cục giống như một cảnh khác mà bạn đã trải qua trong quá khứ.

Giải mã bí ẩn hiện tượng Déjà Vu: Ảo giác lạ ai cũng gặp trong đời!-3
Theo các nhà nghiên cứu, người ta đã trải nghiệm hiện tượng này từ lâu trước khi nó được đặt tên. Ảnh: Internet

Có thể cách bố trí của trạm điều dưỡng - đồ đạc, vật dụng trên quầy, cách nó kết nối với các góc của hành lang - giống như cách sắp xếp một bộ bàn chào mừng với bảng hiệu và đồ đạc trong hành lang tại lối vào một sự kiện của trường mà bạn đã tham dự một năm trước đó.

Theo giả thuyết về sự quen thuộc của Gestalt, nếu tình huống trước đó với bố cục tương tự như hiện tại không xuất hiện trong tâm trí, bạn có thể chỉ còn lại cảm giác quen thuộc mạnh mẽ đối với tình huống hiện tại.

Để điều tra ý tưởng này trong phòng thí nghiệm, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng thực tế ảo để đặt mọi người vào trong hoàn cảnh nhất định. Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu có thể hình dung được môi trường mà những người tham gia thử nghiệm tìm thấy.

Theo dự đoán, déjà vu có nhiều khả năng xảy ra hơn khi mọi người ở trong một cảnh có cùng sự sắp xếp không gian của các yếu tố như một cảnh trước đó mà họ đã xem nhưng không nhớ lại.

Nghiên cứu này gợi ý rằng một yếu tố góp phần tạo nên déjà vu có thể là sự tương đồng về mặt không gian của một cảnh mới với một cảnh trong trí nhớ mà hiện tại không được ghi nhớ một cách có ý thức.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự tương đồng về không gian là nguyên nhân duy nhất của déjà vu. Rất có thể, nhiều yếu tố có thể góp phần làm cho một cảnh hoặc một tình huống trở nên quen thuộc. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để điều tra thêm các yếu tố có thể xảy ra trong hiện tượng bí ẩn này.

Thuật ngữ tiếng Pháp déjà vu được đặt ra vào năm 1876 bởi nhà nghiên cứu triết học và tâm thần người Pháp Émile Boirac. Theo các nhà nghiên cứu, người ta đã trải nghiệm hiện tượng này từ lâu trước khi nó được đặt tên.

Qua nhiều thế kỷ, con người thường coi déjà vu làm bằng chứng về những gì họ đã tin. Sigmund Freud nhìn déjà vu và thấy những ham muốn bị kìm nén. Carl Jung cho rằng trải nghiệm này có liên quan đến vô thức tập thể.

Plato đã mô tả một cái gì đó tương tự như déjà vu như là bằng chứng về tiền kiếp. Và tất nhiên, có một ý tưởng hiện đại được Hollywood ấp ủ rằng déjà vu là kết quả của một trục trặc trong Ma trận....

Mặc dù vẫn chưa ai xác định chính xác nguyên nhân gây ra déjà vu, nhưng thật tốt là khoa học cuối cùng đã nghiêm túc nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ này.

"Tôi nghĩ nghiên cứu về déjà vu sẽ làm sáng tỏ các quá trình giúp chúng ta hiểu trí nhớ tốt hơn ở mức độ rộng hơn là chỉ cố gắng hiểu về déjà vu" - Anne Cleary, Giáo sư tâm lý học nhận thức và nhà nghiên cứu trí nhớ tại Đại học Bang Colorado, Mỹ cho biết.

Theo Trí thức trẻ