Ấn Độ đang vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Trong những tuần gần đây, cả số ca nhiễm mới lẫn số ca tử vong đều gia tăng chóng mặt. Mỗi ngày, quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới.

Tình hình ở Ấn Độ khá tương đồng với Brazil, Nam Phi và Iran, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Kristian Andersen từ Viện Nghiên cứu Scripps.

“Những đất nước này ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát dịch đầu tiên. Dường như họ đã đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng nhất định”, ông nói. Tuy nhiên, khi sức miễn dịch của cộng đồng suy giảm, các biến chủng mới xuất hiện và gây nên đợt bùng phát dịch mới.

“Tôi nghĩ đây là điều đang xảy ra với Ấn Độ”, ông khẳng định.

Chủng virus “đột biến kép”

Chủng virus nguy hiểm nhất mà Ấn Độ đang phải đối mặt là B.1.167. Biến chủng này đang lây lan nhanh chóng ở Ấn Độ. Theo tạp chí khoa học Nature, đây là biến chủng vượt trội nhất ở Maharashtra, bang đông dân thứ hai của quốc gia Nam Á này.

Biến chủng này thường được truyền thông đề cập với cái tên “đột biến kép”, do nó chứa hai đột biến xuất hiện ở các chủng virus nguy hiểm khác: đột biến L452R và E484Q.

Giải mã chủng virus đột biến kép đang càn quét Ấn Độ-1
Ấn Độ đang phải đối mặt với biến chủng virus nguy hiểm B.1.167. Ảnh: Reuters.

Về bản chất, đột biến là một quá trình thông thường trong sự tiến triển của virus. Hầu hết đột biến là vô hại, không ảnh hưởng đến cách virus hoạt động.

Tuy nhiên, một số dạng đột biến làm biến đổi các phân tử protein mà virus dùng để xâm nhập tế bào con người. Do đó, virus có thể gia tăng độc lực, cũng như khả năng lây nhiễm và kháng vaccine.

Đột biến L452R được ghi nhận nhiều trong các ca nhiễm Covid-19 ở bang California, Mỹ. Theo một nghiên cứu mới được công bố, dạng đột biến này xuất hiện trên 50% số ca nhiễm ở bang California kể từ đầu năm nay. Chúng khiến khả năng lây lan của virus tăng 20%, trong khi có độc lực cao hơn chủng virus thông thường.

Trong khi đó, đột biến E484Q có mối liên hệ với các dạng đột biến trong các biến chủng được phát hiện ở Nam Phi và Brazil. Dạng đột biến này cũng làm tăng độc lực và khả năng lan truyền của virus.

Tuy vậy, cụm từ “đột biến kép” ít có ý nghĩa về mặt khoa học. “Virus SARS-CoV-2 luôn đột biến. Có vô số dạng đột biến kép đã được sinh ra. Do đó, chủng virus tại Ấn Độ không nên được gọi bằng thuật ngữ này”, ông Andersen phân tích.

Giống như các biến chủng khác, B.1.167 không chỉ chứa hai dạng đột biến. Theo cách miêu tả của NPR, B.1.617 có hai đột biến "nổi tiếng"- L452R và E484Q. Ngoài ra thì nó còn 11 đột biến khác.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của GISAID, có tới 43 chủng virus tại Ấn Độ chứa cả hai dạng đột biến L452R và E484Q.

Đột biến nguy hiểm thế nào?

Nhiều nghiên cứu cho thấy hai dạng đột biến nguy hiểm trong biến chủng B.1.167 có thể khiến virus tấn công hệ miễn dịch dễ dàng hơn. Do đó, nhiều khả năng vaccine Covid-19 vẫn có tác dụng đối với biến chủng này, tuy kém hiệu quả hơn chút ít.

“Đối với những người có phản ứng miễn dịch kém, nhiều khả năng vaccine chỉ giúp họ tránh bị diễn biến nặng và tử vong, chứ không tránh khỏi bị lây nhiễm”, giáo sư Ravi Gupta của Đại học Cambridge viết trên Twitter.

Giải mã chủng virus đột biến kép đang càn quét Ấn Độ-2
Làn sóng dịch thứ hai đã khiến Ấn Độ trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ông cũng cho rằng những người đã từng mắc Covid-19 vẫn có thể nhiễm các biến chủng mới. Khả năng này gia tăng qua thời gian, khi khả năng miễn dịch của họ suy giảm. Việc tái lây nhiễm có thể là nguyên nhân gây nên làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ.

“Số ca nhiễm ở Ấn Độ suy giảm trong năm 2020 dù các biện pháp giãn cách xã hội khá hạn chế. Tôi lo ngại rằng điều này đến từ việc số người có nguy cơ mắc bệnh cao đã suy giảm. Từ sự hoành hành của biến chủng B.1.1.7 và B.1.617, có thể thấy đợt dịch này đến từ sự suy yếu trong hệ thống miễn dịch”, giáo sư Gupta khẳng định.

Kết luận của các nhà khoa học đặt ra một mối lo ngại khác. Nếu biến chủng B.1.617 làm tăng khả năng tái lây nhiễm, hoặc có khả năng lây nhiễm trong những người đã được tiêm vaccine, nó có thể gây bùng phát dịch ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào trực tiếp kết luận mối liên hệ giữa B.1.167 và đợt bùng phát dịch thứ hai của Ấn Độ, hay việc nó có khả năng lan truyền cao hơn các biến chủng khác.

“B.1.1.7 (biến chủng xuất hiện ở Anh) đang lây nhiễm, P.1 (biến chủng xuất hiện ở Brazil) cũng đang lây nhiễm. Chúng có thể góp phần gây nên đợt bùng phát này. Chúng ta chưa có dữ liệu để khẳng định”, ông Andersen nói.

Tiến sĩ Jeremy Kamil từ Đại học Louisiana cho rằng B.1.1.7 mới là chủng virus đóng góp nhiều nhất đến đợt tái bùng phát dịch tại Ấn Độ. Biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% và gây nên tỷ lệ tử vong cao hơn 60% chủng virus thông thường.

“Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu của làn sáng dịch thứ hai là hành vi của con người”, ông nói.

Theo Zing