Giải mã loài rắn có tập tính ghê sợ: Chỉ thích chui đầu vào cơ thể con mồi để ăn nội tạng

Khác với tập tính ăn thịt của nhiều loài rắn khác, rắn Kukri lại ăn nội tạng của cóc thay vì nuốt trọn con mồi, tại sao vậy?

Cóc là thức ăn yêu thích của rất nhiều loài rắn và rắn Kukri (Rắn khiếm, tên khoa học là (Oligodon fasciolatus) cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên chúng lại có một sở thích đặc biệt khác lạ so với các loài rắn khác: Chỉ thích ăn nội tạng của cóc!

Loại rắn có tập tính kỳ lạ: Moi ruột cóc để ăn thịt thay vì nuốt toàn bộ con mồi

Trái với tập tính của nhiều loài rắn khác khi nuốt trọn con mồi, rắn Kukri lại thích ăn nội tạng trong khi nạn nhân vẫn còn sống. Sau đó chúng sẽ bỏ đi mà không hề đụng đến phần còn lại của con cóc.

*Chú thíchTên 'Kukri' của chúng xuất phát từ hình dáng của răng lớn thuộc hàm trên trông giống như một chiếc dao cong về phía trước của người Nepal có tên 'kukri'.

Loài rắn kỳ lạ này sử dụng những chiếc răng lớn, sắc như dao ở hàm trên để rạch một lỗ nhỏ, sau đó mổ bụng con cóc và chui đầu vào đó để ăn nội tạng con mồi mặc cho con cóc vẫn còn sống.

Giải mã loài rắn có tập tính ghê sợ: Chỉ thích chui đầu vào cơ thể con mồi để ăn nội tạng-1

Mặc dù có sở thích ăn uống khá kỳ dị nhưng loài rắn Kukri lại hoàn toàn vô hại với con người, nhà nghiên cứu bò sát và nhà tự nhiên học Henrik Bringsøe - dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Mặc dù vậy thì chúng ta vẫn cần phải cẩn thận khi bắt gặp loài rắn này vì những vết cắn của chúng có thể gây đau đớn và làm mất nhiều máu do vết rách lớn. Hơn nữa, dù không có tuyến nọc độc nhưng chúng có một tuyến khác nằm ở miệng có thể tiết ra chất kháng đông.

"Sự tiết này sẽ được sản xuất ra bởi hai tuyến độc lập gọi là tuyến Duvernoy có vị trí nằm ở phía sau mắt của con rắn. Điều này rất có lợi cho việc rắn phải mất hàng tiếng đồng hồ để ăn nội tạng con mồi" - Bringsøe giải thích.

Giải mã loài rắn có tập tính ghê sợ: Chỉ thích chui đầu vào cơ thể con mồi để ăn nội tạng-2
Rắn Kukri chui đầu vào bụng cóc để ăn nội tạng. Ảnh: Herpetozoa - Pensoft Publishers

Thói quen ăn uống khá ghê sợ của chúng là điều hoàn toàn chưa được khám phá ra trước đó và Henrik Bringsøe chính là nhà nghiên cứu đầu tiên công bố phát hiện của mình trên tạp chí Herpetozoa. .

"Các nhà khoa học chưa từng quan sát thấy một con rắn chui đầu vào bên trong cơ thể nạn nhân của mình để ăn nội tạng - điều này đôi khi mất nhiều tiếng để thực hiện", Bringsøe và cộng sự của mình cho hay.

Nạn nhân của chúng thường là loài cóc độc có tên cóc châu Á hay cóc đốm đen châu Á (Tên khoa học: Duttaphrynus melanostictus).

Đây là một loài cóc có lớp da dày và chắc, chiều dài của cóc châu Á là từ 57 đến 85 mm (theo dữ liệu của Animal Diversity Web (ADW), thuộc Bảo tàng Động vật học của Đại học Michigan, Mỹ).

Giải mã loài rắn có tập tính ghê sợ: Chỉ thích chui đầu vào cơ thể con mồi để ăn nội tạng-3
Nhà nghiên cứu bò sát và nhà tự nhiên học Henrik Bringsøe. Ảnh: ResearchGate

Kết quả nghiên cứu cũng cho hay, trong cuộc chiến sinh tử này, những con cóc vẫn kiên cường chiến đấu với con rắn bằng cách tiết ra một chất độc bí ẩn màu trắng trên da và việc con rắn chỉ ăn nội tạng có thể là chiến thuật để tránh nọc độc bí ẩn này của con mồi.

Những trường hợp rắn ăn nội tạng cóc đã được quan sát

Các nhà nghiên cứu đã mô tả về 4 trường hợp quan sát được ở Thái Lan khi rắn Kukri săn cóc đốm đen châu Á:

Trường hợp đầu tiên diễn ra vào năm 2016, con cóc đã chết khi những người chứng kiến phát hiện ra sự việc, "nhưng đất sỏi xung quanh chúng lại nhuốm đầy máu, điều này chứng tỏ đã có một trận chiến dữ dội khiến con cóc bị giết chết", các nhà khoa học viết.

Con rắn sau đó đã chui đầu vào bụng con cóc để kéo nội tạng của nạn nhân như gan, tim, phổi và một phần ruột ra để ăn. Trường hợp thứ 2 diễn ra vào ngày 22/4/2020 khi rắn Kukri vật lộn gần 3 tiếng đồng hồ với cóc, sau đó moi nội tạng của nạn nhân (vẫn còn sống) để ăn.

Giải mã loài rắn có tập tính ghê sợ: Chỉ thích chui đầu vào cơ thể con mồi để ăn nội tạng-4
Rắn Kukri nuốt trọn một con cóc nhỏ. Ảnh: Kanjana Nimnuam

Trường hợp thứ 3 diễn ra vào 5/6/2020, khi đó có một sự khác biệt nhỏ so với hai trường hợp trước khi con rắn không moi ruột nạn nhân mà nuốt trọn con cóc nhưng đến trường hợp thứ 4 vào 19/6/2020 thì con rắn lại tiếp tục moi ruột nạn nhân để ăn nội tạng.

Để lý giải trường hợp thứ 3, các nhà nghiên cứu cho rằng cóc con sản xuất ra ít chất độc hơn những con trưởng thành nên con rắn có thể nuốt toàn bộ cơ thể nạn nhân vào bụng. Nhưng các nhà khoa học cũng không loại trừ một giả thuyết khác.

Họ cho rằng sở dĩ con rắn không nuốt toàn bộ con cóc trưởng thành là do con mồi quá to (và con rắn thì có khả năng miễn dịch với nọc độc của cóc). Mặc dù vậy, vẫn chưa có đủ dữ liệu để đi đến một kết luận cụ thể cuối cùng, Bringsøe cho hay.

"Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục quan sát và báo cáo lại về những trường hợp kỳ lạ của loài rắn này nhằm khám phá ra những khía cạnh thú vị khác trong tập tính của chúng", Bringsøe nói.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/giai-ma-loai-ran-co-tap-tinh-ghe-so-chi-thich-chui-dau-vao-co-the-con-moi-de-an-noi-tang-162201110102732027.htm

chuyện lạ thế giới khám phá

Tin tức mới nhất