Cho đến thời điểm này, vụ giết người dã man trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (Chơn Thành - Bình Phước), gây chấn động dư luận, diễn ra hôm 7/7 đã đi đến hồi sáng tỏ. Toàn bộ các tình tiết trong vụ án đã được cơ quan điều tra công bố. Chiều nay (13/7), Cơ quan CSĐT Công an Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can đồng thời chính thức ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng hai nghi can gây ra vụ thảm sát là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến với tội danh giết người, cướp tài sản.
Xung quanh vụ việc này, ngay từ khi thảm án xảy ra, dư luận đã đặt ra khá nhiều câu hỏi. Dưới đây là tổng hợp phần giải đáp của cơ quan chức năng về những thắc mắc này.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát gây rúng động dư luận tại Bình Phước - Ảnh: V.Lam
Bé Na có phải con gái ruột của nghi can Dương?
Ngày 7/7, người dân địa phương vô cùng bàng hoàng khi phát hiện vụ trọng án 6 người trong gia đình ông Mỹ đều bị sát hại, chỉ riêng bé Na (18 tháng tuổi, con gái út của vợ chồng ông Mỹ) sống sót. Chi tiết bé Na còn sống (dù cũng có mặt tại hiện trường) khiến nhiều người đặt ra một dấu hỏi chấm lớn rằng vì sao hung thủ lại tha cho đứa bé, hắn làm như vậy nhằm mục đích gì? Cá biệt, nhiều người còn lan truyền tin đồn bé Na là con ruột của nghi can Nguyễn Hải Dương (SN 1991, người được cho là chủ mưu vụ án) và Lê Thị Ánh Linh (SN 1993, nạn nhân, con ông Mỹ). Họ khẳng định, vì là con ruột nên nghi can Dương mới không ra tay tàn độc và đó là lý do bé Na sống sót, trong khi những người khác trong gia đình đều thiệt mạng.
Nghi can Dương không giết bé Na vì động lòng thương xót, không phải vì Na là con của nghi can.
Để giải đáp những thắc mắc này, ngày 12/7, trong một cuộc trao đổi với báo Người Lao Động, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – C45, Bộ Công an) đã chính thức lên tiếng bác bỏ tin đồn đó. Ông Tiến khẳng định, bé Na là con của ông Mỹ và bà Nga. Sở dĩ, Dương không giết bé Na vì lúc đó bé ngủ say và chỉ khóc lên vào phút cuối. Dù man rợ đến đâu, Dương cũng có lúc trắc ẩn, thông qua hành động ôm ấp Na ru ngủ trước khi rời hiện trường.
Trước đó, trong buổi họp báo, cơ quan điều tra cũng khẳng định, khi xảy ra vụ án, bé Na đang ngủ chung phòng với vợ chồng ông Mỹ. Dương không giết bé vì đã từng có thời gian gần gũi, tiếp xúc với bé và thật sự có tình cảm.
Lý giải 2 cuộc điện thoại ngay trong đêm diễn ra vụ thảm sát kinh hoàng
Trong suốt thời gian vụ thảm án xảy ra đến nay, nghi vấn về cuộc gọi cầu cứu trước khi bị sát hại của hai nạn nhân Dư Thị Tố Như (cháu gái ông Mỹ) và câu trả lời “không có gì đâu, cứ ngủ đi” của bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (vợ ông Mỹ) cho em trai là Nguyễn Lê Hưng (33 tuổi) khiến dư luận đặt ra nhiều tình huống về việc các nạn nhân có bị khống chế hay ép buộc không?
Trả lời về vấn đề này, theo thông tin từ báo Tiền Phong, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an xác nhận, các nạn nhân có gọi điện thoại cầu cứu trước khi bị sát hại.
Cơ quan điều tra chính thức trả lời về hai cuộc điện thoại lúc nửa đêm
Theo đó, cuộc gọi đầu tiên của nạn nhân Dư Ngọc Tố Như, cháu ông Mỹ. Tố Như có gọi được một cuộc điện thoại cầu cứu, tuy nhiên do đang bị nhóm sát thủ bịt miệng bằng băng keo nên Tố Như chỉ nói được câu “Cậu Hùng ơi”.
Còn tài xế của Cty Quốc Anh cũng gọi điện thoại đến để chở hàng. Lúc này, bà Nga vợ ông Mỹ cảnh báo hai đối tượng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến nên rời khỏi hiện trường trước khi tài xế đến. Nghe vậy, Dương bắt bà Nga gọi điện lại, yêu cầu tài xế kia không đến nữa
Vì sao hệ thống camera không hoạt động?
Liên quan đến câu hỏi vì sao lúc xảy ra án mạng, hệ thống camera an ninh trong biệt thự của gia đình nạn nhân lại không hoạt động, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, hệ thống camera an ninh của nhà ông Mỹ đã ngưng hoạt động từ nhiều ngày trước do ông Mỹ sửa nhà và hệ thống điều khiển cũng nằm bên văn phòng của bà Nga chứ không nằm tại nhà, nên khi hung thủ đột nhập vào nhà hệ thống camera này đã không ghi lại được gì.
1,7 tỷ đồng đặt trong tủ âm tường vì sao không bị mất?
Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, khi trao đổi với nhóm phóng viên, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, sau khi khống chế các nạn nhân, bọn chúng đã tra khảo 6 người trong nhà ông Mỹ hòng tìm ra chỗ cất giấu tài sản. Khi không khai thác được, Dương và Tiến đã sát hại các nạn nhân. Về số tiền 1,7 tỷ đồng không bị lấy đi là do nhà bà Nga đi rút về từ ngày 4/7 để trả lương cho công nhân, sau đó cất vào một chiếc tủ âm tường, được che bằng quần áo nên bọn chúng không phát hiện ra.
"Số tiền 1,7 tỷ đồng cơ quan điều tra tìm thấy ở tủ âm tường không bị nhóm này lấy đi vì các nạn nhân không khai ra. Cửa tủ bị quần áo che khuất nên hung thủ không phát hiện", thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến giải thích về việc cơ quan điều tra thu giữ tiền ở hiện trường.
Ông Tiến cho biết, bà Nga chỉ mở két sắt cho chúng nên Tiến và Dương chỉ lấy được hơn 4 triệu đồng và một số đô la, đồng thời lấy đi 5 điện thoại, 1 Ipad của các nạn nhân.
5 dấu vân tay trên tường là của ai?
Trả lời báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định: “Nhiều dấu vân tay trên tường không phải của hung thủ mà của người sửa điện, người sơn tường. Tuy nhiên, quá trình điều tra không thể bỏ qua những tình tiết đó”.
Không thể suy diễn về việc có thế lực giật dây
Xung quanh vụ án, dư luận đặt ra nghi vấn liệu có thêm đồng phạm nào khác trong vụ án này. Đằng sau các nghi can, còn có thế lực nào khác giật dây?
Trả lời những thắc mắc này, tại buổi họp báo ngày 11/7, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, đến giờ phút này cơ quan điều tra xác nhận chỉ có 2 đối tượng duy nhất gây án, chưa xuất hiện người thứ 3. Theo kết quả điều tra, chứng cứ thu được thì xác định chỉ có 2 hung thủ bởi toàn bộ lời khai của đối tượng phù hợp với diễn biến, thời gian xảy ra vụ án, đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của hai nghi can.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Qúy Vương khẳng định: "Đến giờ phút này, chỉ có 2 đối tượng duy nhất gây án, chưa xuất hiện người thứ 3 và hung thủ không sử dụng chất kích thích trước khi gây án".
CQĐT khẳng định, vụ án này chỉ có hai nghi can Dương và Tiến là thủ phạm đồng thời, Dương là kẻ chủ mưu. Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, hai đối tượng không hề sử dụng chất kích thích, thần kinh bình thường. Trước khi gây án có uống chút rượu nhưng loại trừ khả năng ảnh hưởng thần kinh khi gây án. Trước khi gây ra vụ án này, hai nghi can chưa có tiền án, tiền sự.
Tiến chỉ tiếp tay hay trực tiếp giết người?
Nhiều người thắc mắc, chỉ mình nghi can Nguyễn Hải Dương ra tay sát hại 6 mạng người hay cả Tiến cũng trực tiếp ra tay sát hại. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Tuổi trẻ, Tiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đáp: "Căn cứ hiện trường để lại, khẳng định 5 người bị chết do Dương dùng vật sắc nhọn đâm. Riêng bà Nga là Tiến dùng dao Thái Lan đâm.
Ông Tiến cũng khẳng định, Dương dùng vật sắc nhọn đâm vào cổ các nạn nhân, chứ không cắt cổ. Tiến dùng dây siết cổ nạn nhân trước.
Nạn nhân Dư Mĩnh Vỹ, Dư Ngọc Tố Như (cháu ông Mỹ) có tiếp tay cho nghi can?
Cũng trong cuộc trao đổi với các phóng viên, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định, bé Vỹ và Tố Như không liên quan đến việc tiếp tay cho hung thủ, đặc biệt là Tố Như không hề hay biết chuyện này.
Riêng chuyện bé Vỹ ra mở cổng giữa đêm khuya cho nghi can vào nhà là do bị dụ dỗ. Dương biết Vỹ ham chơi game nên đã hứa sẽ đến mang tiền và gà để nuôi làm cảnh, hẹn lúc 1-2g sẽ đến đưa, nên Vỹ mở cửa.
Trước đó, 8g30 tối, Vỹ và Dương đã trao đổi và hẹn nhau để cho tiền. Khi Vỹ mở cổng Dương đã khống chế. Có thể khẳng định Dương đã dụ dỗ Vỹ. Vỹ là người chết đầu tiên. Bé Vỹ vì còn nhỏ tuổi, ham chơi và không nghĩ Dương tàn độc như vậy nên chuyện bé ra mở cửa, "tiếp tay" cho nghi can chỉ là việc vô tình, không hề có chủ đích sâu xa.
"Tôi khẳng định cháu Vỹ không liên quan. Tôi cũng đọc những bài báo nói cháu Như có liên quan. Tôi cũng khẳng định là Như cũng không liên quan" - ông Tiến nói.
Vì sao nghi can Dương lại đến khóc tang?
Nhận xét về diễn biến này, theo thông tin từ báo điện tử Tri thức trực tuyến, một điều tra viên Bộ Công an cho rằng: “Đây là tâm lý thông thường của tội phạm”. Có hai lý do hung thủ gây án trở lại hiện trường. Thứ nhất, hắn đến nghe ngóng tình hình xem cơ quan công an đang làm gì, điều tra đến đâu?. Thứ hai, nghi phạm Nguyễn Hải Dương từng có quan hệ thân thiết với 6 nạn nhân, nên sau khi gây án hắn buộc phải tỏ ra bình thường nếu không muốn bị phát hiện sớm.
Việc nghi can đến đám tang, chia buồn với gia đình nạn nhân nằm trong toan tính nhằm che giấu hoạt động phạm tội của mình.
Nghi can Nguyễn Hải Dương từng ngồi tù?
Xung quanh vụ thảm án xảy ra tại Bình Phước, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xuất hiện tin đồn nghi can Nguyễn Hải Dương trước đây từng lợi dụng bạn gái là Ánh Linh, "chôm" hơn tỷ đồng của gia đình nạn nhân. Vì lý do này, gia đình ông Mỹ đã kiên quyết cấm cản và thưa kiện, khiến Dương từng ngồi tù vì tội cưỡng đoạt tài sản. Vì lý do này mà Dương sinh ra thù hận và có ý định báo thù.
Trả lời về vấn đề này, cơ quan điều tra đã xác minh, Dương và Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Mỹ) có mối quan hệ tình cảm mật thiết. Gia đình ông Mỹ từng đối xử với Dương như con rể chứ không hề có chuyện cấm cản.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Dương cho rằng, Linh có người yêu mới, đồng thời bị gia đình Linh “tác động” dẫn đến việc Linh chia tay Dương nên nảy sinh ý định trả thù. Để thực hiện ý đồ, Dương đã nhờ Tiến giúp sức. Dương hứa khi vào trong nhà, trả thù được gia đình người yêu cũ thì Dương sẽ trộm tiền bạc và nhiều tài sản giá trị để trả công cho Tiến, thấy bạn năn nỉ và ham muốn có một khoản tiền lớn để ăn chơi nên Tiến đồng ý giúp đỡ.
Dương cũng là người được ông Mỹ tin tưởng, cho sử dụng cả chiếc ô tô "hạng sang" để đưa đón Linh dịp cuối tuần.
Cơ quan điều tra cũng các định, Dương và Tiến chưa từng có tiền án tiền sự. Cả hai đều được mọi người xung quanh nhận xét là người hiền lành, ít nói.
Trước đó,ngày 7/7, dư luận vô cùng hoang mang trước thông tin về vụ thảm sát kinh hoàng lấy đi 6 mạng người trong một gia đình nổi tiếng giàu có tại Bình Phước.
Nạn nhân bị sát hại bao gồm: ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, ngụ ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (45 tuổi, vợ ông Mỹ), hai con của ông Mỹ - bà Nga là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi) và Lê Quốc Anh (15 tuổi), hai cháu là Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi). Các nạn nhân đều chết trong tư thế bị trói chặt chân tay, miệng bịt khăn và cổ bị cắt.
Qua quá trình điều tra, ngày 10/7, cơ quan công an chính thức bắt giữ hai nghi can liên quan đến vụ việc là:
- Nguyễn Hải Dương, SN 1-2-1991 tại An Giang, HKTT: ấp Long Hạ, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang; Nơi ở: 290/10 ấp 2, tổ 2 xã Nhị Bình, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh
- Vũ Văn Tiến, SN 21-10-1991, HKTT: Phú Nguyên, Phú Riềng, Bình Phước, Nơi ở: Nhị Bình, Hóc Môn, TP. HCM.
Ngày 11/7, tại cuộc họp báo thông tin chính thức về kết quả điều tra, cơ quan chức năng khăng định vụ án đã được điều tra kỹ lưỡng, toàn bộ chứng cứ là các vật chất đáng tin cẩn. Vụ án đã khép lại giai đoạn điều tra và chuyển sang giai đoạn tố tụng.
Ngày 13/7, CQĐT nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ kết luận vụ án đưa và chính thức khởi tố, đưa vụ án ra truy tố trước pháp luật đồng thời ra lệnh bắt tạm giam hai nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong thời gian 4 tháng với tội danh giết người, cướp tài sản.
Theo Trí Thức Trẻ