Hàng loạt những tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng về vắc-xin Quinvaxem (5 in 1) được các bà mẹ lan truyền, rỉ tai nhau trên mạng. Nhưng thực tế, những tin đồn đó lại hoàn toàn không có căn cứ.
Hàng loạt tin đồn nghe "sởn da gà"
Thời gian gần đây, trên hầu hết các diễn đàn mạng được nhiều bậc cha mẹ theo dõi cũng như trên các trang cá nhân của các bậc cha mẹ đang có con nhỏ, từ khóa "vaccine Quinvaxem" đang trở thành điểm nóng. Những thông tin về các ca tai biến, trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 in 1 (được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia) càng khiến các bậc cha mẹ hoang mang.
Lo lắng vắc xin "có vấn đề", những người có điều kiện đổ xô sang Singapore, Thái Lan để săn vắc xin dịch vụ tiêm cho con mình, tốn hàng chục triệu một chuyến đi. Những người không có điều kiện thì hằng ngày nghe ngóng thông tin về vắc xin dịch vụ trong nước hoặc thấp thỏm theo dõi tin về vắc xin Quinvaxem; thậm chí, còn có hẳn trào lưu các bà mẹ từ chối tất cả các loại vắc xin, vì cho rằng, thà họ để con mình tự chiến đấu với bệnh tật, tự hoàn thiện hệ miễn dịch còn hơn tiêm vào người rồi nơm nớp lo lắng vì không chắc nó thực sự an toàn hay không.
Những hoang mang, lo lắng này càng được đẩy lên cao khi những tin đồn "rợn tóc gáy" về vắc xin được các bà mẹ thi nhau chia sẻ, bất chấp nó có phải sự thật hay không. Mới đây, một bà mẹ có tài khoản Facebook là N.Tran đã đăng tải những hình ảnh "tố cáo" tác hại khôn lường của vắc xin Quinvaxem. Theo chị, suốt 3 tháng sau khi tiêm vắc xin này, con của chị quấy khóc, sốt và sụt cân, thậm chí nôn ra máu. Khi đem con đi khám, bác sĩ không rõ nguyên nhân, nhưng người mẹ này quả quyết, nguyên nhân là do chị đã tiêm vắc xin 5 in 1 loại miễn phí cho con. Bức ảnh em bé nôn ra máu khiến bất cứ bà mẹ nào cũng phải rùng mình xót xa.
Những hình ảnh và status gây sốc được một bà mẹ đăng tải để "kết tội" vắc xin Quinvaxem.
Status này sau đó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi hình ảnh em bé nôn ra máu và thông tin được người mẹ này đưa ra từ đầu status: mỗi ngày có 70 trẻ chết sau khi tiêm vắc xin. Những hình ảnh này sau đó được chia sẻ liên tục trên hầu khắp các diễn đàn mạng và trang cá nhân của các bà mẹ với nội dung nói không với vắc xin vì quá nguy hiểm. Nhiều người mẹ trong phần bình luận tiếp tục thông tin rằng: không nên tin vào vắc xin Quinvaxem vì nó là vắc xin được tài trợ, "thấp cấp" hơn, dành cho người nghèo hoặc dùng để thí nghiệm. Thông tin Hàn Quốc - nơi sản xuất vắc xin Quinvaxem cũng không tiêm cho trẻ tại nước này lại càng khiến các bà mẹ củng cố niềm tin của mình. Người đăng tải status gây bão này sau đó đã gỡ bỏ status trên trang cá nhân, nhưng ảnh chụp màn hình thì vẫn lan truyền đến chóng mặt.
Tuy nhiên, nhiều người tỉnh táo đã nghi ngờ về độ xác thực của thông tin trên. Một số người theo dõi Facebook cá nhân của người mẹ này cho biết, trước khi xóa status, chị có bình luận rằng, bác sĩ chẩn đoán có thể em bé bị dị ứng đạm bò, vì thời điểm đó cùng lúc với việc chị bắt đầu cho con ăn sữa công thức (thay vì sữa mẹ hoàn toàn như trước kia). Còn theo các bác sĩ chuyên khoa, chuyện trẻ bị nôn ra máu không thể là do hậu quả của tiêm vắc xin, mà có thể do nguyên nhân khác. Trên trang "Hỏi bác sĩ nhi đồng" (một fanpage về bệnh nhi được nhiều người tin tưởng), bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, cũng khẳng định: "Lời đồn có trẻ chích vào ói ra máu xong bệnh vặt hoài là không đúng: trên thế giới không có vaccin nào có tác dụng phụ là ói ra máu cả, vaccin chỉ hành 48 giờ sau tiêm thôi, nếu còn là lo đi khám vì bệnh khác".
Cùng với tin đồn bé nôn ra máu vì tiêm Quinvaxem, một tin đồn khác cũng được share đến chóng mặt trên Facebook là con số 70 em bé tử vong trong 1 ngày sau khi tiêm vắc xin. Tin đồn này cũng khiến hàng nghìn bà mẹ mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chuyện hiểu lầm, do các bà mẹ bỉm sữa không đọc kỹ thông tin được đăng tải trên báo chí.
Mẩu tin được các bà mẹ chia sẻ chóng mặt vì cho rằng đó là "bằng chứng" về sự nguy hiểm của vắc xin Quinvaxem.
Trên thực tế, con số này là số liệu có thật, được PGS TS Trần Như Dương – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế cung cấp, nhưng 70 trẻ/ngày là con số trẻ tử vong không rõ nguyên nhân, gồm tiêm chủng, nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, đột tử, sặc sữa... chứ không phải do vắc xin, lại càng không phải do tiêm vắc xin Quinvaxem. Sự hiểu lầm của các bà mẹ đã khiến chính họ và những phụ huynh khác rơi vào hoang mang.
Một tin đồn khác cũng gây sốc không kém, đó là vắc xin Quinvaxem được tiêm ở Việt Nam để làm... thí nghiệm. Một ảnh chụp tin nhắn không rõ số điện thoại nhắn tin và nhận tin, trong đó cho rằng việc tiêm vắc xin Quinvaxem ở Việt Nam là để thử nghiệm, sau đó trả kết quả cho Hàn Quốc, còn khuyên người nhận tin nên cho con trai sang Singapore để tiêm chủng. Thông tin này đã gây hoang mang dư luận, thậm chí, không ít người còn tin rằng, đó là tin "tuyệt mật" được người "trong giới" cung cấp với độ chính xác cao.
Tin đồn về việc vắc xin Quinvaxem là vắc xin thử nghiệm gây sốc.
Thông tin này cũng gây hoảng loạn dư luận và nó lại càng có vẻ "có lý" hơn khi trước đó, hai thông tin khác về vắc xin Quinvaxem được công bố: vắc xin này được đưa sang Việt Nam bằng tiền tài trợ và tại nước sở tại, nó không được dùng để tiêm cho trẻ em.
Tuy nhiên, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vắc xin và tiêm chủng tại Việt Nam, ông Kohei Toda đã khẳng định: Vắc xin Quinvaxem là vắc xin an toàn, hiệu quả có chất lượng tốt và chi phí hợp lý theo kết quả tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới. Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới, và ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Lào cũng sử dụng loại vắc xin này.
Bên cạnh những tin đồn "có hệ thống" như trên, những thông tin nghe hóng được từ "nhà hàng xóm", "gần nhà mình", "nghe chị cùng cơ quan nói"... thậm chí là "con nhà mình" cũng được các bà mẹ chia sẻ liên tục trên các diễn đàn, nhưng sự thật của nó thì chẳng ai kiểm chứng được. Vắc xin Quinvaxem bị đổ tội làm cho em bé bị đủ thứ bệnh như sốc thuốc đến cứng đơ người, co giật chân tay, xuất huyết nội tạng, động kinh, lười ăn, đề kháng kém... Không ai dám chắc trong số những status được các bà mẹ hết sức quan tâm này không có những nội dung giật gân với mục đích... câu like.
Những tin đồn đáng sợ về vắc xin Quinvaxem liên tục được tung ra và chia sẻ trên các diễn đàn.
Những câu chuyện như thế này chưa rõ thực hư, nhưng luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bà mẹ.
Chia sẻ về tai biến sau tiêm vắc xin của một phụ huynh trên diễn đàn chia sẻ cách nuôi con khiến nhiều người thót tim.
Bộ Y Tế khẳng định Quinvaxem an toàn
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khi trao đổi với báo chí về tình hình vắc xin hiện nay cho biết Quinvaxem với thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau thậm chí tím tái nhiều hơn vaccine vô bào. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong của 2 loại này là tương đương. Cơ quan này cũng đánh giá vắc xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn loại vô bào.
Ước tính mỗi năm có khoảng 5,5 triệu liều Quinvaxem được tiêm cho trẻ. Từ đầu đến nay, cả nước ghi nhận 16 ca phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem, 8 ca tử vong. Theo kết quả đánh giá của Hội đồng chuyên môn, 7 trường hợp tử vong là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý trẻ mắc, một trường hợp sốc phản vệ (Nghệ An).
Theo tiến sĩ Phu, tử vong sau tiêm ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân: thứ nhất là tử vong do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem là 4,5/1 triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 1 - 20 ca phản ứng/1 triệu liều sử dụng.
Nguyên nhân thứ hai có thể do vắc xin gây nên; thứ ba là có thể do thực hành tiêm chủng và thứ tư là do chính cơ địa của trẻ. Cùng lô vắc xin, loại vắc xin có trường hợp tiêm 10 cháu khác không sao, một cháu bị phản ứng.
"Để đảm bảo an toàn tiêm chủng hơn nữa cho trẻ, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ hơn nữa. Kể cả là do vắc xin hay do bệnh của trẻ thì cũng phải tăng cường hoạt động khám, sàng lọc, cấp cứu sau tiêm. Những trường hợp phản ứng nặng không phải là không thể cứu được nếu làm tốt công tác cấp cứu. Điều này không phải là dễ, nhất là khi việc chăm sóc ở tuyến xã còn nhiều khó khăn, thời kỳ bệnh đang ủ cũng không dễ phát hiện" - ông Phu nói.
Ông Kohei Toda, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vắc xin và tiêm chủng tại Việt Nam, cũng khuyến cáo: "Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo sử dụng vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào để tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn. Tất cả các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng vaccine an toàn”.
Như vậy, đến thời điểm này đã có khá nhiều những thông tin chính thống liên quan đến vấn đề tai biến do vắc xin Quinvaxem. Phụ huynh có nhiều lựa chọn trong việc tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ, tuy nhiên, cần thực hiện đúng những khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới đồng thời trang bị cho mình một màng lọc thông tin để bình tĩnh trước hàng loạt những tin đồn thất thiệt liên quan đến sức khỏe trẻ em gây chấn động, hoang mang trong thời gian vừa qua.