Người phụ nữ đó là Phùng Thị Thân, có nước da ngăm đen. Chị ít nói, sống lặng lẽ ở khu chung cư cũ trong con hẻm nhỏ ở Hà Nội. Với tôi, phải rất lâu chị mới thổ lộ tâm sự sâu kín trong lòng mình.
Chị bảo, quê chị ở một làng nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ, cha mẹ già sống ở quê với anh chị ruột, chỉ thi thoảng chị mới về thăm quê khi gia đình có việc hoặc dịp lễ, Tết.
Từ sau khi cưới, anh không về nhiều như trước, mỗi năm chỉ về thăm vợ 1 lần (Ảnh minh hoạ)
Chị thở dài: "Cách đây 10 năm, tôi từng mở công ty kinh doanh, làm được 6 năm thì công ty bị phá sản, tôi mang nợ gần 2 tỷ đồng và hiện vẫn đang còng lưng trả nợ. Sau khi thất bại năm 2015, tôi xin đi làm lại và tháng nào cũng dành 1 khoản để trả nợ, nhưng đến giờ vẫn chưa trả hết".
Chị Thân kể, hồi mới vỡ nợ, thấy chị buồn chán, nên một người đã giới thiệu cho chị quen anh. Sau vài lần anh về Việt Nam vì công việc và thăm chị, cuối năm 2016, anh về lần nữa rồi giục chị làm đám cưới luôn, vì cả 2 đều đã lớn tuổi. Thế nhưng, từ sau khi cưới, anh không về nhiều như trước, mỗi năm chỉ về thăm vợ 1 lần.
"Nhiều lần 2 vợ chồng nói chuyện qua facetime, tôi nói nếu anh không về được nhiều, thì bảo lãnh cho tôi sang bên đó cùng anh xây dựng gia đình, còn lo sinh con cái, vì tuổi sinh đẻ của tôi có hạn.
Nếu tôi sang được với chồng, tôi cũng sẽ kiếm công việc phù hợp và trả nợ nhanh hơn, vợ chồng gần nhau để cùng xây dựng hạnh phúc. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến chuyện bảo lãnh cho vợ theo, anh đều lảng tránh hoặc im lặng", chị Thân buồn bực kể.
Có lần, chị gặng hỏi, anh nói không muốn đưa vợ sang sẽ vất vả, anh muốn vợ ở Việt Nam để năm nào anh cũng có lý do về quê hương. Sau này, anh già không đi làm được nữa cũng sẽ về Việt Nam sống, chứ không thích ở nơi đất khách quê người.
Vì vấn đề hợp nhất của vợ chồng chị không tìm được tiếng nói chung, nên thời gian gần đây rất hay cãi nhau. Chị Thân cho biết: "Nếu tôi cứ ở Việt Nam sống bơ vơ một mình cho tới già, chưa chắc sau này anh có về nước hay không? Bởi anh em, họ hàng nhà chồng đều đã sang đó gần hết.
Thậm chí, anh chưa một lần bàn bạc với vợ về tương lai sau này, con cái ra sao, nhà cửa thế nào. Ngay hồi cưới, gia đình nhà chồng không ai về dự, chỉ có mình anh, nên tôi luôn thấy bất an, băn khoăn về tình cảm vợ chồng".
Theo chị Thân, từ lúc quen nhau cho tới bây giờ, chị và chồng vẫn ở 2 nước, vẫn tiền ai làm người ấy tiêu. Chị cũng chưa bao giờ có dịp để nói cho anh biết về khoản nợ chị đang phải trả từng tháng. Anh cũng chưa khi nào đưa thêm tiền cho vợ, ngoài những món quà nhỏ anh mua tặng chị mỗi lần về nước.
Chị Thân cho biết: "Ở bên ấy, anh cũng là công nhân phải đi làm ca, không dư giả gì, nên tôi cũng không đòi hỏi gì. Thậm chí nhiều lần anh về Việt Nam, tôi cũng mua vé máy bay giúp anh luôn.
Nhiều người bảo tôi bị anh lừa, có khi anh có vợ con bên đó rồi, nên không muốn đưa tôi sang sống cùng. Nhưng tôi biết, ngoài thời gian đi làm công ty, anh dành hầu hết thời gian nói chuyện với tôi ở nhà, nên không thể lừa tôi suốt 5 năm qua được".
"Tôi có chồng mà như không, chả khác gì chồng hờ, vợ tạm" (Ảnh minh hoạ)
"Trước khi đến với tôi, anh có một đời vợ và một con trai là người ở bên ấy. Hiện con anh vẫn sống với mẹ, và vợ cũ của anh đã có một gia đình hạnh phúc. Trong thời gian sống chung và trò chuyện mỗi ngày với anh, tôi cảm nhận anh vẫn còn tình cảm với vợ cũ.
Dường như anh không muốn đưa tôi sang đó, hoặc cũng không muốn về Việt Nam, có lẽ vì anh không muốn làm tổn thương đến người vợ cũ và con trai, vẫn muốn ở gần đó để nhìn thấy vợ con cũ.
Tôi nhiều lần động viên, giải thích để anh cởi mở lòng hơn, nhưng anh lại tức giận nếu tôi nhắc đến vợ cũ của anh đã có gia đình hạnh phúc và con anh đang có cuộc sống yên ổn", chị Thân tự lý giải.
Chị cho biết, mỗi lần về Việt Nam, anh cũng chỉ biếu bố mẹ chị 100 - 200 USD làm quà, cùng vài thứ đặc sản anh mang về từ bên đó. Về nước, chị cũng lo đủ thứ cho anh sang bên ấy làm quà cho gia đình.
Ngay cả chuyện anh phải vào viện mổ 2 lần ở Việt Nam, chị cũng lo hết. Chị Thân bộc bạch: "Đổi lại, suốt 5 năm qua, tôi vẫn chẳng có gì trong tay, chồng vẫn xa vời, vô tâm như thế. Chuyện con cái càng khó khăn khi tuổi của tôi ngày càng lớn.
Tôi có chồng mà như không, chả khác gì chồng hờ, vợ tạm. Chúng tôi không có cái gì chung, ngoài tờ giấy đăng ký kết hôn - thứ duy nhất là sợi dây liên kết vợ chồng".
Chị Thân thừa nhận, vợ chồng cách nhau nửa vòng trái đất, xa biền biệt nên chị cũng chưa có điều kiện làm tròn bổn phận của người vợ, còn anh cũng không có trách nhiệm của người chồng.
Chị bảo: "Tôi thực sự quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân này. Tôi buồn vì chồng, buồn vì cuộc đời đã 39 tuổi nhưng nghề nghiệp bấp bênh, nợ nần chồng chất, chưa ổn định nơi ăn chốn ở".
"Không phải vì tôi không còn thương anh, nhưng tôi không mang được hạnh phúc cho anh và tình cảm của anh dành cho tôi chưa đủ lớn. Trong trái tim anh vẫn không thể xoá mờ được hình bóng vợ cũ, nên anh không thể sẻ chia với vợ mới để cùng nhau vượt qua khó khăn. Vì vậy, tôi phải dừng lại cuộc hôn nhân này, để giải thoát nỗi ám ảnh cô đơn của mình suốt 5 năm qua" – chị Thân quả quyết nói.
Chị tự lý giải để trấn an mình: "Thời gian không chờ đợi ai cả, tôi cần phải mạnh mẽ hơn để đứng vững trên đôi chân của mình. Tình cảm vợ chồng vương vất kia kéo dài 5 năm qua, chỉ làm trái tim tôi héo úa hơn, còn hạnh phúc chỉ như gió thoảng.
Lúc này tôi cần một điểm tựa vững vàng bằng chính tâm hồn mình lành lặn, êm ái hơn. Chỉ như thế, tôi mới cảm nhận được những điều mới mẻ, những thứ đẹp đẽ thực sự dành cho tôi trong cuộc sống này".
Theo Phụ nữ Việt Nam