Sau buổi họp báo ngày 8/9, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, chia sẻ về quá trình tiếp cận hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú.

"Hiện trường rất nóng. Ban đầu tôi không tin, mặc cả bộ đồ nóng như thế, rồi đeo bảo hộ, tôi vào 2 phút là phải bỏ ra, chịu không nổi. Nguồn nhiệt nóng, toàn bộ là mút xốp rồi cao su, gỗ cháy âm ỉ từ trên trần, vách cách âm… tạo nên nguồn nhiệt âm ỉ.

Chúng tôi phun nước vào nhưng không phải một lúc mà làm mát nhiệt được", ông Quyên cho hay.

Giám đốc Công an Bình Dương: Tôi vào hiện trường 2 phút phải trở ra-1

Theo ông Quyên, quá trình dập lửa, lực lượng PCCC đi trước, vòi nước phun đằng sau. Các chiến sĩ mặc đồ bảo hiểm, hỗ trợ làm mát để những cảnh sát cạy cửa các vách ra để tìm kiếm nạn nhân trong đó. Song, hầu như không giải quyết được trong buổi tối 6/9 - đêm xảy ra vụ cháy.

"Đến trưa 7/9, tôi và Cục trưởng C07 yêu cầu TP.HCM hỗ trợ, yêu cầu tăng cường bọt làm mát để phun. Tới chiều tối 7/9 mới tiếp cận được tất cả phòng. Khi đó mới cạy cửa được phòng hát, phòng vệ sinh trong phòng hát và tìm kiếm thi thể nạn nhân", ông Quyên kể.

Về mặt cơ chế chết ngạt khói khí độc, Giám đốc Công an Bình Dương cho biết chỉ 2-3 phút không có oxy kịp thời, kể cả có khăn ướt đắp mặt hay nguồn khí trời, nhưng trong điều kiện cháy như thế thì cũng không trụ được lâu.

"Rất khó khăn trong việc cấp cứu người bị kẹt trong đám cháy. Khi bị kẹt, lửa cháy nhanh thì nạn nhân lại tìm cách chạy vào nhà vệ sinh trú trong đó, hầu hết bị ngạt khói", ông Quyên cho biết.

Vị đại tá cho hay khu vực khó tiếp cận nhất là phòng ở tầng 3, nơi điểm xuất phát cháy. Lực lượng đã huy động tối đa nguồn nước để phun cho chiến sĩ PCCC tiếp cận. Nhưng lượng chất cháy trong phòng cháy lớn quá, không phải cháy bùng mà cháy âm ỉ bên trong.

Giám đốc Công an Bình Dương: Tôi vào hiện trường 2 phút phải trở ra-2
Cửa sổ quán karaoke An Phú bị bịt kín. 

"Khi phun nước vào khói cứ bay theo đường thoát lên cuộn vào, rồi lên trên, không dập tàn được ngay. Chỉ khi huy động tối đa lực lượng đục tường thông khói ra, dỡ mái nhà, bớt nhiệt thì mới dùng nước phun từ dưới lên, khói tỏa 2 bên và tiếp cận giải cứu được nạn nhân", đại tá Trịnh Ngọc Quyên nói.

Trước câu hỏi có hay không sự chủ quan trong việc đánh giá số nạn nhân mắc kẹt dẫn tới kéo dài thời gian ứng cứu, đại tá Quyên chưa hồi đáp.

Bên cạnh đó, thông tin về một nữ tiếp viên mới 16 tuổi tử vong trong vụ cháy, nhân viên ở quán sinh sống kiểu tập trung, nhiều người chưa có hợp đồng lao động vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời từ cơ quan chức năng.

Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh đang làm việc với chủ quán, quản lý, người thân nạn nhân để tiếp tục làm rõ danh tính, lai lịch, công việc của nạn nhân và thông tin sau.

Theo Zing