Cô liên đội trưởng "nổi giận"

Những ngày qua, sự việc nữ sinh lớp 10 Trường chuyên ĐH Vinh tự vẫn nghi do bị bạn bè bạo hành, cô lập gây ám ảnh với nhiều người. 

Cái chết của em đã khơi lên vấn đề thời sự với xã hội, cũng làm sống lại quá khứ và cả hiện tại của nhiều người là nạn nhân của bạo lực học đường.

Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người kể lại quá khứ thời đi học từng là nạn nhân của bạo lực học đường hay nhiều đứa trẻ tiết lộ đang trong tình cảnh bị bạo lực... 

Giám đốc U40 thú nhận quá khứ xuống tay kinh hoàng với bạn học-1
Nữ giám đốc mang nỗi ám ảnh vì quá khứ bắt nạt bạn bè (Ảnh minh họa: Internet).

Hiếm hoi trong những chia sẻ này, chị Tr.N.H. vừa qua tuổi 40, Giám đốc bộ phận một công ty về lĩnh vực quảng cáo tại TPHCM thú nhận bản thân từng là thủ phạm gây ra bạo lực học đường kinh hoàng thời cấp 2.

Nạn nhân của chị là người bạn cùng xóm, học sau chị một lớp thường chơi trong nhóm. 

Sự khó chịu, ghen ghét của chị H. phát sinh vào năm học lớp 7.  Là học sinh ưu tú, nổi bật, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, năm đó, H. được bầu làm liên đội trưởng.

Lần đó, trường có giờ tập thể dục giữa giờ mới, H. là người tập mẫu, hướng dẫn cho học sinh toàn trường. Tuy nhiên, Vy, người bạn dưới lớp nói trên, tập bài thể dục này rất nhuần nhuyễn nên được thầy phụ trách chọn lên tập mẫu trước trường cùng H. 

"Tao ghét mày!", chị H. nhớ cảm giác của mình lúc đó. Tuổi 13, cô bé H. cho rằng Vy tỏ vẻ kênh kiệu, hay chê bai sau lưng mình. Thế là những trò ganh ghét, bạo hành bắt đầu... 

Đầu tiên là nói xấu, cô lập không cho những người bạn khác chơi với Vy. Rồi đến những trò hành hạ tinh thần như dọa nạt, chặn ở lối đi khiêu khích, cười nhạo, gắn biệt danh, vẽ hình chế nhạo và các dòng nói xấu lên bảng giữa bảng ở lớp trước giờ vào học, tung tin đồn Vy thích thầy phụ trách... H. thích thú nhìn vẻ sợ hãi, hoảng loạn của cô bạn. 

"Nếu không ai ngăn lại hoặc bên kia không có phản ứng, bạo lực sẽ leo thang. Tôi còi cọc, nhỏ con, loắt choắt nhưng khi bắt nạt bạn, tôi thấy mình thật oai hùng", chị H. nói. 

Thỏa thuê với những trò cô lập, bạo hành tinh thần, chị H. bắt đầu ra đòn... Mỗi sáng, khi đi kiểm tra 15 phút đầu giờ trước khi vào học chính thức, cô liên đội trưởng đều "ghé thăm" lớp 6B của Vy, kiểu soi mói.

Tại đó, giữa gần 40 học sinh trong lớp, H. dùng sách, thước, bút... đánh thắng vào mặt Vy, cứ một lời "chừa chưa" lại là một cú đánh.

Chưa kể, nhiều lần cô liên đội trưởng "hét ra lửa" lại vò giấy bắt Vy ngậm, bắt khoanh tay đứng cho đến khi giáo viên đến mới được ngồi xuống. 

Cứ vậy, ngày này qua ngày khác... Rồi một ngày, H. đến lớp nhưng không thấy Vy, cứ nghĩ cô bạn nghỉ học. Sau này, H. mới biết, Vy vì sợ hãi nên ngày nào cũng trốn vào nhà vệ sinh cho hết 15 phút đầu giờ. 

Không chỉ ở trường, cùng xóm nên H. có nhiều cơ hội để tấn công bạn. Chị nhớ có lần đã cùng một người bạn trên đường đi hái rau cho lợn về thì... gặp Vy. Vy chạy một mạch ra đồng, gọi lớn tên em trai: "Mạnh ơi Mạnh, tối rồi, về thôi!". 

Người bạn đi cùng H., học cùng lớp với Vy, nói: "Nó giả vờ tránh bà đấy!". Thế là H. vẫy tay gọi Vy ra, cô bạn cúi đầu lê bước nặng trĩu đến chỗ kẻ bắt nạt. H. chửi bới, đe dọa, tát 2 - 3 cái vào mặt Vy rồi mới cắp rổ rau về... 

Con không dám kể hay bố mẹ nghe chưa đủ?

Sự việc kéo dài trong khoảng một học kỳ, H. cũng không nhớ vì sao mình ngưng việc bạo hành Vy nhưng cô nhớ, cho dù việc bạo hành công khai, thầy cô không mấy ai để ý, bạn bè không ai lên tiếng.

Có lần, mẹ Vy gặp H. trên đường, nói: "H. Tịnh (tên chị H. kèm tên bố mà ở quê thường gọi), mi là hay bắt nạt Vy lắm đó nha!". Những can thiệp từ người mẹ chỉ có vậy, chỉ một lời bâng quơ.

Giám đốc U40 thú nhận quá khứ xuống tay kinh hoàng với bạn học-2
Những vụ bắt nạt, bạo hành thực tế từng gây rúng động đã được khai thác, tái hiện trên phim ảnh như lời cảnh báo với xã hội (Ảnh minh họa: Netflix)

Chị H. nghĩ rằng có thể khi đó, Vy đã che giấu bố mẹ về việc mình bị bắt nạt hoặc không nói rõ về những màn tra tấn cô bạn phải chịu đựng. Hoặc bố mẹ Vy nghe nhưng không nhận định đủ mức độ nghiêm trọng, xem nhẹ đó là chuyện trẻ con... 

Lên cấp 3, vào đại học, ra trường đi làm, chị H. là một trong số hiếm ở quê rất thành công về con đường học hành, sự nghiệp. Chị là một nữ quản lý lạc quan, vui tính, nhã nhặn, lởi xởi với đồng nghiệp, tốt bụng với người xung quanh. 

Đã thời gian dài chị quên đi quá khứ mình là người từng gây chuyện bạo hành kinh khủng với bạn nhưng càng có tuổi, các ký ức càng trở về hành hạ chị. Nhớ đến chuyện cũ, nhớ đến người bạn cũ, chị bật khóc đau đớn, căm ghét chính mình... 

Chị nói: "Đã rất nhiều lần tôi muốn nhắn tin cho cô bạn hoặc đăng công khai để nói lời xin lỗi. Nhưng tôi chưa đủ dũng khí, cũng như tôi không biết liệu bạn có muốn nhắc lại ký ức đau lòng như vậy không". 

Chị cũng đã nhiều lần kể với hai con về việc mẹ từng là kẻ bắt nạt, giờ rất giày vò, hối hận, mang mặc cảm tội lỗi... 

Ai cũng nói mình là nạn nhân, vậy ai là thủ phạm?

Nữ Giám đốc trải lòng, quanh vấn đề bắt nạt học đường, ai ai cũng nói "tôi là nạn nhân". Vậy ai là thủ phạm? Trong khi, một vụ bạo lực, thường người bắt nạt sẽ đông hơn người bị bắt nạt. 

Thủ phạm có thể là chính là mỗi người, là bố mẹ, con cái của chúng ta... 

Có người bị bắt nạt trong trường hợp này, với người này nhưng lại là thủ phạm trong bối cảnh khác, với người khác. 

Từ trải nghiệm đau đớn của mình, chị H. cho hay, vấn đề bạo lực học đường đang được nhìn một chiều. Bố mẹ chủ yếu tập trung vào khía cạnh "làm sao để con không bị bắt nạt" mà quên mất vế "dạy con không bắt nạt bạn".

H. lập luận, ở một góc độ nào đó, những đứa trẻ đi bắt nạt như chị cũng bị bỏ rơi, cũng có những bất ổn mà không được quan tâm, chỉ đến khi sự việc đã xảy ra, rồi bị phát hiện thì chịu những hình thức xử lý kiểu nhắc nhở, kỷ luật hoặc đuổi học. 

Giám đốc U40 thú nhận quá khứ xuống tay kinh hoàng với bạn học-3
Thủ phạm chính và nhóm bạn bắt nạt thường cũng gặp vấn đề, lệch lạc trong quá trình trưởng thành (Ảnh: Netflix).

Không bao biện cho mình nhưng chị H. nhấn mạnh, người gây bạo lực không chỉ là những học sinh đặc biệt, phá phách như trong hình dung của nhiều người. Các em cũng là những học sinh bình thường, thậm chí là con ngoan, trò giỏi. 

"Tôi không lý giải được vì sao mình, một học sinh giỏi, được xem là ngoan ngoãn lại có hành vi bắt nạt người khác tàn ác như vậy.

Tôi từng nghĩ, phải chẳng khi đó gia đình mình quá khó khăn, bố mẹ vướng vào nợ nần, thường xuyên la mắng, chửi bới con gái... đã phần nào tác động lên nổi loạn tuổi dậy thì của mình", chị Tr.N.H.

Theo phân tích của chuyên gia, trẻ mới lớn đều có những nhu cầu về khẳng định cái tôi, bản sắc cá nhân, chơi theo nhóm và có xu hướng tẩy chay những bạn không "hợp cạ" với mình theo cách này hay cách khác.

Ngoài giúp trẻ không bị bạo lực học đường, chị H. cho rằng cũng cần chú ý giúp trẻ không gây bạo lực với người khác bằng chính sự quan tâm, ghi nhận cảm xúc, khó khăn của trẻ. Từ đó, giúp đứa trẻ khẳng định bản sắc, nhu cầu cá nhân làm sao để không tổn hại đến người khác. 

Còn không, quá khứ sẽ không dễ buông tha cho bạn trong tương lai, như trải nghiệm hiện tại của chị H. 

Theo Dân Trí