Phim "Người mặt trời" do đạo diễn Timothy Linh Bùi thực hiện, sẽ ra rạp vào ngày 8-12, là tác phẩm khai thác về ma cà rồng bối cảnh Việt Nam.
Ám ảnh thất thu phòng vé
"Người mặt trời" thuộc thể loại phim tâm lý, giật gân, hành động. Nội dung phim xoay quanh hai anh em ma cà rồng là Marco (Thuận Nguyễn đóng) và Nhật (Trần Ngọc Vàng), sống ẩn dật suốt 400 năm qua, tồn tại song song trong thế giới loài người. Phim còn có sự tham gia của Chi Pu và Thạch Kim Long.
Theo đạo diễn Timothy Linh Bùi, ngoài việc sử dụng những công nghệ quay phim tiên tiến và đội ngũ hiệu ứng - hậu kỳ hùng hậu, ê-kíp sản xuất còn phải tìm kiếm các địa điểm quay phù hợp để tạo nên một thế giới ma cà rồng giả tưởng nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của Việt Nam.
Hình tượng ma cà rồng đã được khai thác rất nhiều trong điện ảnh thế giới nhưng với điện ảnh Việt, đến nay chỉ có "Cậu chủ ma cà rồng" của đạo diễn Trần Nhân Kiên. Với kịch bản không hấp dẫn, cách thể hiện xa lạ, thiếu sự đầu tư từ bối cảnh đến phục trang..., phim này được xem là "thảm họa điện ảnh" và thất thu phòng vé.
Vì thế, "Người mặt trời" ngay từ khi công bố dự án đã dẫn đến tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng ma cà rồng vốn xa lạ với văn hóa Việt, rất khó thuyết phục được khán giả tin rằng có ma cà rồng tại nước ta nếu không tạo nên bối cảnh hợp lý về nguồn gốc của chúng.
"Tôi biết ma cà rồng không có trong văn hóa Việt nhưng khi nói chuyện với người Việt thì rất nhiều người biết đến ma cà rồng. Nó không quá xa lạ nhưng tôi phải tìm cách để kể câu chuyện sao cho nhiều người tin rằng có ma cà rồng ở Việt Nam và họ thấy hợp lý" - đạo diễn Timothy Linh Bùi bày tỏ.
Theo Timothy Linh Bùi, "Người mặt trời" khai thác hình tượng ma cà rồng nhưng đó chỉ là bề nổi. Ẩn bên trong là câu chuyện về tình cảm gia đình, tình anh em, tình yêu... vốn gần gũi, quen thuộc với khán giả Việt.
Nhiều phim Việt khác cũng nỗ lực khai thác đề tài mới lạ, như: "Lôi báo", "Cù lao xác sống", "Bến phà xác sống", "Fanti", "Live - Phát trực tiếp"... Tất cả đều thất bại do nội dung không hấp dẫn, chưa bảo đảm chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức. Việc chưa có tác phẩm nào tạo được thành công doanh thu, mang đến ấn tượng tích cực là nguyên nhân khiến nhiều người thiếu niềm tin với các phim Việt khai thác đề tài mới lạ.
Phim “Người mặt trời” sắp ra rạp.
Nhà làm phim Việt tiếp cận và khai thác các đề tài mới lạ, những hình tượng phổ biến của điện ảnh thế giới là điều hiển nhiên khi thị trường phim phát triển. Tuy nhiên, việc khai thác thế nào để thành công, tránh thất bại là điều không dễ dàng mà trong tiến trình chinh phục khán giả, nhà làm phim phải vượt qua.
Nguyên nhân thất bại của các phim Việt đề tài mới lạ thời gian qua được người trong giới nhận định là do thiếu câu chuyện hay. Trong khi đó, việc đầu tư về bối cảnh, kỹ xảo... đều chưa thể sánh với điện ảnh trong khu vực.
Phim "Lôi báo" - do Victor Vũ đạo diễn - kể về chàng họa sĩ Tâm (Cường Seven thủ vai) có vợ con hạnh phúc thì nhận được hung tin bị ung thư phổi. Tâm được ông Mã (Hoàng Sơn đóng) thực hiện ca phẫu thuật đổi đầu với thân xác của một thanh niên bí ẩn vừa thiệt mạng sau vụ thanh toán băng đảng. Phim mạnh về hành động nhưng lại dàn trải nội dung, không đẩy được cảm xúc cao trào, dẫn đến lưng chừng và gãy vụn. Tác phẩm thiếu chiều sâu và là nguyên nhân dẫn đến thất bại doanh thu dù kinh phí thực hiện lên đến 30 tỉ đồng.
"Cù lao xác sống" của đạo diễn Nguyễn Thành Nam thu hút sự chú ý vì là phim kinh dị đề tài xác sống đầu tiên của Việt Nam ra rạp. Tuy nhiên, phim này cũng thất thu phòng vé bởi kịch bản rối rắm, phi lý, nhiều chi tiết thừa, không mang đến sự hấp dẫn; các phần hóa trang, kỹ xảo cũng không thuyết phục.
Phim "Fanti" của đạo diễn Andy Nguyễn và phim "Live - Phát trực tiếp" của đạo diễn Khương Ngọc khai thác về thế giới ảo, mặt trái của mạng xã hội. Tuy nhiên, cả 2 phim này cùng gặp phải vấn đề về kịch bản khi ôm đồm tình tiết dẫn đến thiếu sự tập trung, không đủ sức thuyết phục.
Theo nhiều nhà chuyên môn, các phim Việt đề tài mới lạ trước đây thất bại là do kịch bản chưa đủ hay, câu chuyện chưa đủ thuyết phục chứ không liên quan gì đến đề tài quá mới mẻ với khán giả. Bởi lẽ, chuyện "cũ người mới ta" là bình thường ở thị trường phim. Nhiều nước, như Hàn Quốc, cũng có những tác phẩm khai thác các hình tượng xác sống và rất thành công, chẳng hạn phim "Train to Busan".
Theo Người lao động