Muôn nỗi bi hài săn sale

Cần mua bình pha cà phê, anh C.T ở Hai Bà Trưng - Hà Nội quyết tâm săn Flash Sale. Vào lúc 8h45, anh khá hào hứng khi chốt được đơn hàng với giá 88.000 đồng, giảm khá nhiều so với mức 125.000 đồng mà người bán công bố là giá bán thông thường.

Thế nhưng tới 9h06, hết Flash Sale, anh ngỡ ngàng khi thấy giá bán chỉ còn 87.120 đồng. “Flash Sale kiểu con bìm bịp”, anh ngán ngẩm.

Giận sôi vì tranh mua sale sập sàn, hàng rớt giá sau 5 phút-1
Sản phẩm Flash Sale có giá cao hơn giá bán thông thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng cảm với anh C.T, một số bạn bè của anh cũng cho biết: “Tôi bỏ cả mớ vào giỏ hàng, tới Flash Sale, vào kiểm tra giá thì thấy toàn đội lên”; “Canh 11/11 coi có giảm không thì thấy giá tăng, sau sự kiện vào mua lại thấy giảm sâu”; “Em cũng mới mua mấy thứ kiểu Flash Sale lởm, click vào toàn ra giá khác”...

“Nửa đêm rạng sáng 11/11 vừa rồi, vợ tôi bật dậy để săn hàng siêu giảm giá. Ngày trước thi thoảng mới có một chương trình siêu khuyến mại trên sàn thương mại điện tử, giờ không chỉ lên sàn, vợ tôi còn là tín đồ của cả loạt chương trình livestream trên các mạng xã hội. Mua mớ đồ xong nhiều khi có dùng đến đâu. Can bao nhiêu lần mà không được”, anh D.K ở Linh Đàm – Hà Nội chia sẻ.

“Con gái tôi cũng là một tín đồ săn hàng 0 đồng. Chương trình học khá căng thẳng, thế mà nhiều hôm vẫn cố thức đến quá nửa đêm để canh khung giờ vàng. Có lần bạn ý mua áo thun mà phai màu lắm, có chỗ còn sứt chỉ, chất lượng quá kém”, chị H.T ở Cầu Giấy – Hà Nội kể.

“Học sinh ít tiền nên em thích săn quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm siêu rẻ. Đi chụp ảnh thì chỉ cần mặc 1 lần rồi bỏ cũng được nên cũng không cần phải chất bền đẹp. Nhưng có lần mua mỹ phẩm về bôi, em bị nổi mụn đầy mặt vì không hợp da”, em N.M ở Đống Đa – Hà Nội cho hay.

“Mình làm tạp vụ, thu nhập không cao. Giờ cần mua quần áo hay nước giặt, nước rửa bát…, mình hay tìm chương trình giảm giá trên sàn thương mại điện tử.

Tất nhiên, giá rẻ thì cũng không đòi hỏi chất lượng cao. Chỉ cần dùng được là mình thấy ổn. Người quen của mình cũng có lần mua phải hàng lởm, nhưng mình biết cách rồi, trước khi mua cứ phải xem phần đánh giá sản phẩm trước đã”, chị L.T ở Hoài Đức – Hà Nội tâm sự.

Mất khá nhiều thời gian dò lại mục “Đã giao hàng” trên ứng dụng Shopee để tìm sản phẩm dầu ủ tóc bởi danh sách sản phẩm khá dài, chị D.L ở Cầu Giấy – Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: “Cứ vào các gian hàng của chính thương hiệu sẽ mua được hàng giá rẻ hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo tốt.

Như bộ sản phẩm dầu ủ tóc này, tôi mua cùng một số sản phẩm khác, tổng đơn hơn 1 triệu đồng nhưng được giảm tới gần 400 nghìn đồng, đúng hàng chính hãng”.

Đừng mua hàng xong rồi... không nhớ mình mua gì!

Trao đổi với Báo VietNamNet, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: Câu chuyện tăng vọt giá trước khi “sale sập sàn” để người mua ôm về những món hàng tưởng rẻ hóa ra chẳng rẻ không phải chiêu thức mới.

Hình thức này vẫn tồn tại nhiều trong các phương thức thương mại truyền thống trước đây, nhiều người tiêu dùng đi chợ truyền thống hoặc mua hàng trong siêu thị cũng từng ngậm ngùi “tưởng bở” như vậy. 

Trong bối cảnh bùng nổ mua sắm online, đặc biệt xu hướng livestream bán hàng nở rộ gần đây, không ít doanh nghiệp, người bán còn coi đây là một mẹo trong chiến lược kinh doanh. 

Các kênh bán hàng online thu hút đa dạng phân khúc khách hàng, trong đó số lượng người tiêu dùng có mức thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình chiếm tỷ lệ không nhỏ. 

Ông Trọng lưu ý, bên cạnh những người bị lừa đảo, ấm ức khi bỏ tiền mua sản phẩm không dùng được, thì vẫn có những người chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để được tiêu dùng, sử dụng những món hàng thường được “định vị” dành cho người thu nhập cao.  

“Túi hàng hiệu có giá bán mấy chục triệu đồng, khi rao bán vài trăm nghìn đồng trên mạng, rất dễ để nhận biết đó là hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn nhiều người mua”, ông Trọng dẫn chứng. 

Với các deal siêu giảm giá, thường có 2 trường hợp: bán hàng giả, hàng chất lượng kém; hoặc đăng giá siêu rẻ để làm phễu quảng cáo hút khách hàng và thực tế phần lớn sẽ không được đúng như quảng cáo (tất nhiên cũng có những chương trình trợ giá của nhãn hàng thật sự chất lượng nhưng tỷ lệ đó không nhiều).

Nhìn sang một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, người tiêu dùng luôn ý thức nói không với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Còn tại Việt Nam, những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn nhiều “đất sống”.

Các đợt “sale sập sàn”, siêu giảm giá được tổ chức liên tiếp, đã tạo ra một tầng lớp nghiện mua sắm hàng giá rẻ, cứ thích thì mua.

Cá nhân ông Trọng từng thấy nhiều người thường xuyên mua sắm trong các đợt giảm giá hay trên các phiên livestream vì giá giảm sâu, nhưng cả tháng sau không bóc hàng, không nhớ mình đã mua gì. Rất lãng phí.

Giận sôi vì tranh mua sale sập sàn, hàng rớt giá sau 5 phút-2
Người tiêu dùng thông minh cần tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi chốt đơn tại các phiên livestream bán hàng. Ảnh: Bình Minh

Theo lãnh đạo VECOM, đối với việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng hay các hành vi kinh doanh không lành mạnh, một trong những phương pháp hiệu quả nhất là dựa vào cộng đồng người tiêu dùng.

Mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động mua sắm trực tuyến hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm chia sẻ, phán ánh những trường hợp lừa đảo để cảnh báo cho những người mua hàng sau.

Trước khi chốt đơn tại các phiên livestream bán hàng siêu giảm giá hoặc các đợt Flash Sale “sập sàn”, hãy tìm hiểu xem giá bán trung bình trên thị trường của món hàng mình định mua là bao nhiêu, giá sale có thực sự khuyến mại hay chưa.

Ngoài ra, hãy chọn những địa chỉ bán hàng đáng tin cậy thông qua các trang web chính thức của doanh nghiệp, hay các gian hàng đảm bảo và được đánh giá cao trên các sàn thương mại điện tử…

Theo VietNamnet