Trên thế giới này, có một kiểu người thường cảm thấy mình không cần thiết, bởi vậy mà lúc nào họ cũng thấy cô đơn. Họ đã mất đi sức trẻ, mất đi kỹ năng mưu sinh, xã hội không còn cần đến họ và con cái họ đôi khi cũng vậy.

Đối với họ, cuộc sống đầy bất lực. Họ là cha mẹ già.

Chúng ta luôn nghĩ rằng không để cha mẹ phải lo cơm ăn áo mặc, không phải lao động vất vả là lòng hiếu thảo lớn nhất đối với họ. Chúng ta quên mất rằng, ngoài vai trò là cha mẹ của chúng ta, họ cũng là những người có nhu cầu tình cảm bình thường.

Những người càng cảm thấy bất lực về cuộc sống, họ càng muốn được cần đến và khẳng định. Chúng ta có thể cung cấp cho họ những gì? Đối với họ, thế nào là lòng hiếu thảo đích thực?

Có một câu chuyện từng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Khi còn học đại học, một lần đi thực tập trở về, cả nhóm học viên về nhà giáo sư liên hoan …

Sau khi buổi tối vui vẻ kết thúc, trên bàn mâm chén bày la liệt. Mấy bạn học muốn mang đi rửa, giáo sư vẻ mặt tươi cười ngăn lại nói: “Đừng vội, có người rửa đây này!”.

Giáo sư đem chén đũa bỏ vào bồn nước, trước tiên lau sạch hết vết dầu mỡ, sau đó nhẹ nhàng đến bên người mẹ già 70 tuổi nói: “Mẹ, mẹ rửa bát đi nhé…”.

Giáo sư ĐH gọi mẹ già 70 tuổi đi rửa bát và bài học hiếu thảo không mấy ai làm được-1
Ảnh minh họa.

Các học viên bỗng dưng thấy quá đỗi bất ngờ. Bình thường ông là một giáo sư thanh tao, nho nhã, sao lại có thể đối đãi với người mẹ đã cao tuổi như vậy?

Chỉ thấy bà cụ thay đổi hẳn nét ủ rũ nãy giờ trên bàn ăn. Khuôn mặt rạng rỡ, bà đi đến bên cạnh bồn rửa bát, chậm rãi rửa mất khoảng nửa giờ mới xong.

Giáo sư vui vẻ nói với bà cụ: “Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!”

Ông cầm khăn mặt, lau tay cho mẹ. Sau khi giáo sư đưa mẹ về phòng, ông lại quay vào bếp, đem bát đĩa ra rửa một lần nữa.

Giáo sư nói với các học viên: "Không có người mẹ nào không muốn làm điều gì đó cho con mình. Dù đã già nhưng trong mắt bà, con trai bà luôn cần sự giúp đỡ của bà.

Hãy để mẹ rửa bát đĩa, mẹ sẽ cảm thấy được con trai mình cần đến, và một ngày của mẹ sẽ trọn vẹn. Hiếu kính cha mẹ không chỉ có nghĩa là giúp đỡ họ mà còn cho họ cơ hội để yêu thương chúng ta”.

Hóa ra tình yêu cũng cần sự khôn ngoan. Cũng giống như khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ sẽ nghĩ cách yêu thương chúng ta như thế nào để chúng ta lớn lên khỏe mạnh.

Chúng ta cũng cần phải nghĩ đến việc thương yêu cha mẹ như thế nào để họ yên tâm già yếu. Hiếu thảo đích thực không phải là hiếu về vật chất, mà là thỏa mãn về tinh thần.

Tôn trọng cha mẹ của bạn và để họ cảm thấy rằng họ cần thiết.

Có lẽ chúng ta có thể nói: “Mẹ ơi, đến giờ rửa bát rồi!”, “Bố ơi, bố giúp con phơi quần áo nhé” hay “Bố mẹ à, ngày mai con phải dậy sớm đi làm, bố mẹ gọi con dậy nhé”.

Lúc đó, cha mẹ sẽ cảm thấy: “Hóa ra mình cũng quan trọng”. Đây là tình yêu đơn giản và hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể dành cho cha mẹ của mình.

Đơn giản không có nghĩa là cẩu thả. Một tình yêu từ trái tim đến trái tim sẽ dễ cảm nhận hơn.

Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình sống vui vẻ, hạnh phúc, vạn sự thuận lợi. Tuy nhiên, cuộc đời này ít khi mọi thứ được suôn sẻ như thế.

Khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ chỉ có thể ở bên dặn dò, lo lắng và hỏi thăm tình hình của bạn. Họ không thể thay bạn gánh vác cuộc sống được nữa. Đó cũng chính là nỗi buồn phiền của cha mẹ, đến tuổi xế chiều vẫn không thôi lo cho các con của mình.

Bởi vậy phận làm con nên yêu thương bố mẹ nhiều hơn, hãy cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày để bố mẹ yên lòng.

Theo Gia đình Việt Nam