Chiều 4/10, bé M.K. (học sinh lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM) đi học về và kêu đau nhức ngón tay do bị cô giáo chủ nhiệm đánh bằng cây gõ nhạc cụ. Kết quả chụp X-Quang cho thấy K. bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4 xương bàn tay phải.
Trao đổi với PV báo Dân trí, chị V.T.T. (mẹ bé K.) phản ánh việc con trai bị cô S. (giáo viên chủ nhiệm) đánh gây thương tích. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà (Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) giải thích việc bé K. bị gãy tay là do cô giáo sơ ý, khi đang dạy cô "vô tình gõ thước trúng tay" học sinh.
Bé M.K. học sinh lớp 1 bị gãy ngón tay bên phải, đang phải cầm bút viết bằng tay trái (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Đánh gãy một ngón tay không phải dễ
Theo dõi sự việc, độc giả Nguyễn Văn Chính bình luận: "Hành động của cô giáo là không chấp nhận được, nhưng hành động cố tình bao che còn đáng trách hơn. Cần thẳng thắn nhận lỗi và chấp nhận xử lý theo quy định sẽ tốt hơn nhiều cho mọi người, nhất là cô giáo và nhà trường".
"Hiệu trưởng nên nhớ và biết rằng, xương có hai đặc tính cơ bản là mềm dẻo và bền chắc. Nhờ tính mềm dẻo, xương có thể chống lại tất cả các lực cơ học tác động vào cơ thể, nhờ tính bền chắc mà bộ xương có thể nâng đỡ cơ thể. Độ bền chắc của xương người trưởng thành có thể gấp 30 lần so với loại gạch tốt nhất. Đây là kiến thức trong sách giáo khoa, tôi nhớ không nhầm là sinh học lớp 9. Xương trẻ em chưa phát triển đầy đủ cũng có thể cứng gấp 3 lần loại gạch tốt.
Vậy để một "cái gõ thước vô tình" của giáo viên mà làm gãy xương học trò thì ắt hẳn cô giáo phải có công phu phi phàm, không kém các bậc cao thủ võ lâm thượng thừa! Nếu con tôi bị vậy, tôi sẽ làm đến cùng câu chuyện này và cho con chuyển trường vì không thể tin tưởng, giao con mình cho một ngôi trường có giáo viên và hiệu trưởng như vậy được!", độc giả Nguyễn Hà - Lãn Ông bức xúc.
Chung quan điểm, chủ tài khoản Viet tai bình luận: "Để đánh gãy một ngón tay không phải dễ".
"May quá cô giáo VÔ TÌNH nên chỉ bị gãy ngón tay chứ cố ý thì gãy cả cánh tay như chơi!", "Đúng là "vô tình" thật, cô giáo mà có "tình người" thì đâu mạnh tay đến thế", nhiều độc giả khác để lại bình luận châm biếm.
Trong khi đó, anh Thanh Tùng Vũ cho rằng có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc, khởi tố vụ án hình sự. Độc giả này viết: "Phụ huynh cần mang con đi giám định thương tật (nhớ làm ở bệnh viện công), nếu quá 11% thì cân nhắc làm đơn gửi cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự".
Cũng bình luận dưới góc độ pháp lý, anh Hoàng Linh viết: "Gãy ngón tay thì chắc chắn là có tỷ lệ tổn thương cơ thể rồi. Kết hợp với việc sử dụng hung khí (nhắc lại, cần phân biệt hung khí và vũ khí nha) và thực hiện hành vi với người dưới 16 tuổi thì hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự nếu cô giáo này cố ý. Đề nghị công an sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề".
Lãnh đạo nhà trường nhiều lần hứa sẽ tổ chức họp có sự tham dự của đông đảo các thành phần gồm phụ huynh, chính quyền, công an, báo chí hoặc sẽ thông tin buổi làm việc nhưng đã thất hứa (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Có căn cứ xử lý hình sự?
Trước yêu cầu của độc giả về việc xem xét trách nhiệm hình sự của cô giáo, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, từ những thông tin đăng tải trên báo chí, chưa thể khẳng định chính xác trách nhiệm của cô S. trong sự việc này. Do thông tin từ phía gia đình và nhà trường còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục lấy lời khai các bên và thu thập các dữ liệu, bằng chứng khác (nếu có) để sớm tìm ra chân tướng sự việc.
Trước 2 luồng ý kiến đối lập từ gia đình và nhà trường, luật sư Lực đánh giá có thể xảy ra các trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu nguyên nhân cháu bé bị thương do cô giáo "vô tình gõ thước" như trình bày của nhà trường, cần xem xét trách nhiệm pháp lý về hành vi vô ý gây thương tích.
"Theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015, người nào vô ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu đã xảy ra thương tích nhưng chưa tới mức xử lý hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000-500.000 đồng về hành vi này, căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Để có căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý của cô giáo, phụ huynh cần đưa bé K. đi giám định thương tật. Việc xác định chính xác tỷ lệ thương tật sẽ căn cứu Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế", luật sư Lực phân tích.
Thứ hai, nếu sự việc xảy ra do cô giáo cố tình dùng thước đánh học sinh, đây là hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích.
Khi đó, theo luật sư, vấn đề quan trọng cần đặt ra là xác định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể của bé K. là bao nhiêu. Nếu kết quả giám định cho thấy bé K. xuất hiện phần trăm thương tật, bất chấp việc có đủ 11% hay không, cô giáo vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Trích dẫn quy định tại Bộ luật này, ông Lực cho biết người nào cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các tình tiết định khung như dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm hay thực hiện hành vi đối với người dưới 16 tuổi, thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Khung hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Như vậy, nếu gia đình đưa bé K. đi giám định và kết quả cho thấy xuất hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể, kết hợp các tình tiết định khung là sử dụng hung khí và thực hiện hành vi với người dưới 16 tuổi, cô giáo có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự sẽ chỉ tiến hành khi có yêu cầu từ phía bị hại. Do đó, để công an có thể khởi tố vụ án hình sự, cần có đơn yêu cầu của gia đình.
Trường hợp hai bên hòa giải, gia đình không có đơn yêu cầu, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập tới", luật sư phân tích.
Trách nhiệm của nhà trường khi học sinh bị thương tích trong thời gian học trên lớp
Về trách nhiệm của nhà trường, luật sư Vũ Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH 1TV GLOLAW, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng giáo viên có hành vi gõ thước làm gãy ngón tay học sinh, xảy ra trong lúc giáo viên đang thực hiện công việc dạy học tại trường học thì căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/09/2020 của Bộ Giáo dục quy định về Điều lệ trường tiểu học.
Ngoài ra, Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại mà giáo viên của nhà trường đã gây ra cho học sinh, thiệt hại bao gồm: thiệt hại vật chất (các chi phí khám chữa bệnh, chi phí hợp lý khi người thân chăm bệnh,…) và cả thiệt hại về tinh thần.
Để hạn chế, ngăn ngừa các sự việc có tính chất tương tự, luật sư Đoàn cho rằng cần chú trọng đến một số vấn đề sau:
Đối với giáo viên, nhất là giáo viên phụ trách các em học sinh nhỏ tuổi cần có tấm lòng yêu thương trẻ nhỏ; hiểu rõ các quy định, điều lệ trong công tác dạy học để từ đó có cách ứng xử cho phù hợp;
Đối với nhà trường, khi tuyển dụng, lựa chọn giáo viên cần phải xem xét kỹ lưỡng. Ngoài các bằng cấp, chứng chỉ theo quy định thì nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến thường xuyên các quy định của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức khi thực hiện công tác dạy học để các thầy, cô giáo có phương thức giảng dạy và giao tiếp phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em học sinh;
Đối với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cần tích cực kiểm tra, rà soát các công tác trong nhà trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường học đường để tránh những hệ lụy đáng tiếc trong ngành Giáo dục.
Theo Dân Trí