Những tưởng đây là câu chuyện vui mà họ nghĩ ra để “làm quà” trong những giờ rỗi rãi, nhưng đến khi gặp người trong cuộc thì tôi mới thực sự bất ngờ vì nó là chuyện thật một trăm phần trăm.
Ảnh minh họa
Chồng hiền, vợ đảm
Tiếp tôi trong căn nhà mái bằng khang trang rộng rãi, chị H, người phụ nữ gầy gò với khuôn mặt buồn buồn khắc khổ thừa nhận những điều đang làm tôi ngạc nhiên: “Nói “bán chồng” thì oan cho chị quá nhưng sự thật cũng vì một số tiền không đáng là bao mà chị đã mất chồng cho người đàn bà khác”. Nhìn mấy đứa con của chị cứ ra vào lặng lẽ, tôi cảm nhận được chị đang gồng lên để chịu đựng một nỗi đau rất lớn: Nỗi đau gia đình tan vỡ.
Một ngày đẹp trời của hơn 15 năm về trước, chị H và anh S làm lễ thành hôn trong sự tán thành của hai họ. Ai ai khi đến dự lễ thành hôn cũng đều mừng cho sự kết hợp đẹp đôi của trai hiền – gái đảm và đều tin cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này sẽ rất hạnh phúc. Và quả là họ sống hạnh phúc thật. Suốt 15 năm qua hai vợ chồng chưa một lần to tiếng cãi vã nhau. Thậm chí bà con lối xóm còn thừa nhận họ là một trong những cặp hạnh phúc nhất làng. Minh chứng cho tình yêu của họ là 3 đứa con (2 trai, 1 gái) ngoan hiền, khoẻ mạnh, xinh xắn… lần lượt ra đời. Cuộc sống nhà nông tuy vất vả nhưng được cái hai vợ chồng đều siêng năng chịu khó. Chị H vốn là một phụ nữ đảm đang nên mọi việc trong nhà từ con cái, nội trợ, ruộng vườn, đều một tay chị thu vén lo toan. Còn anh S chỉ phụ vợ trong những lúc chị quá bận rộn, công việc chính của anh là phụ hồ.
Ngày ngày anh đạp xe sang thành phố Vinh làm chân phụ hồ cho cánh thợ xây trong làng đến tối mịt mới về nhà. Tuy không nhàn hạ gì nhưng công việc của anh không lúc nào thiếu. Vì vậy anh luôn có đồng ra đồng vào để phụ giúp vợ. Chị H không chỉ là một người vợ đảm mà còn rất biết ki cóp tằn tiện. Vì thế đầu năm 2004, hai vợ chồng họ đã cất được một căn nhà mái bằng rộng rãi. Nhìn ngôi nhà mới xây khang trang thuộc diện “oách” trong làng, hai vợ chồng đều rất đỗi vui mừng và tin rằng từ đây cuộc sống vợ chồng trong ngôi nhà mới sẽ càng hạnh phúc hơn.
Nỗi đau bội phản
Suốt một thời gian dài làm nhà, anh S nghỉ việc để phụ giúp vợ, vì thế khi vừa khánh thành nhà xong là anh lại tiếp tục công việc cũ. Ngày ngày, anh S vẫn sang thành phố làm việc như trước. Và cũng chẳng bao lâu hai vợ chồng đã góp đủ tiền để trả hết nợ nần mà họ vay thêm để làm nhà. Nhưng cũng từ đó thỉnh thoảng anh S ở lại Thành phố mà không về nhà ngủ. Lẽ ra có nhà mới, chồng càng thích về nhà hơn thì ngược lại việc ở lại qua đêm của anh S ngày càng tăng khiến chị H hết sức băn khoăn. Để giải toả nỗi băn khoăn của vợ, anh S luôn đưa ra lí do: “Anh nào có sung sướng gì khi ở lại, nhưng dạo này sức khoẻ yếu đi, mà trời thì nắng nóng nên đạp xe về rất mệt”. Thấy lí do mà chồng đưa ra rất thuyết phục nên chị cũng hoàn toàn yên tâm. Do đó thay vì băn khoăn lo lắng, chị lại càng thương chồng hơn. Chị H luôn tự hứa với mình sẽ cố gắng tằn tiện để mua cho chồng một chiếc xe máy đi làm đỡ vất vả. Được vợ tin yêu và thông cảm, nên từ đó việc ngủ lại qua đêm ở chỗ làm, anh S xem như là một lẽ đương nhiên. Rồi một buổi chiều muộn, anh S về nhà với nụ cười hớn hở trên môi cùng lỉnh kỉnh những quà cáp cho mấy mẹ con.
Vừa nhìn thấy vợ, anh vội thông báo ngay là mình được chủ nhà thuê trông coi vật liệu và giám sát việc xây nhà với một mức lương hấp dẫn, nên anh phải ở lại hẳn bên đó cho đến khi công trình hoàn thành. Chị H vội sắm sửa những thứ cần thiết cho chồng thì anh S bảo không cần vì bên đó có đầy đủ các vật dụng. Chị hơi ngạc nhiên nhưng không mảy may nghi ngờ. Anh S chọn vội một ít quần áo của mình rồi tất tả ra đi. Dù không cách nhau bao xa nhưng khi tiễn chồng ra cổng, chị H vẫn lo lắng và căn dặn anh đủ điều. Nhìn dáng chồng xa dần, một tình yêu thương mãnh liệt cứ trào dâng trong chị.
Rồi một thời gian không lâu sau, cái tin anh S có “bồ” bán bia ở trong Thành phố được cánh thợ xây trong làng truyền nhau cũng đến tai chị. Chị không tin và luôn cho rằng họ muốn trêu đùa mình. Chị còn lạ gì cánh thợ xây. Họ vốn là chúa bịa chuyện để tếu táo. Thành ra khi nghe họ nói: “Cái lão S thế mà đào hoa, sắp lên chức ông thế mà vẫn kiếm được con “bồ” bán bia cơ đấy” thì chị tươi cười tếu táo với họ “Chuyện! Gừng càng già càng cay mà lại”. Tuy là đùa vui thế nhưng khi đêm về ngồi nghĩ, chị H cứ thấy những lời nói của bọn họ rất có lý. Được chủ nhà thuê với mức lương cao nhưng đã mấy tháng rồi mà anh chưa hề gửi về cho chị một đồng nào. Bán tín bán nghi rồi cuối cùng chị cũng quyết định vào thành phố dò la. Lần theo địa chỉ làm việc mà trước đây chị được chồng cho biết và tìm đến quán bia mà cánh thợ nề “bật mí” cho chị thì sự thật đã làm chị té ngửa. Anh S đang sống với “bồ” thật chứ không phải là đi trông coi vật liệu và giám sát công trình như lời anh nói. Đau khổ chị trở về như kẻ mất hồn. Giấu biệt mọi chuyện không để một ai biết. Đêm đêm chị tự gặm nhấm nỗi đau rồi khóc một mình và cuối cùng chị quyết định lập một kế hoạch: Giáp mặt tình địch.
Đến chuyện…“bán chồng”!
Sau ba ngày đau khổ và suy nghĩ, buổi sáng ngày thứ tư chị dậy sớm cơm nước cho các con đến trường rồi chọn bộ quần áo đẹp nhất, trau chuốt hơn thường ngày và đạp xe vào Thành phố. Đến nơi, chị không vội bước vào quán bia nơi chồng mình đang sống mà chọn một chỗ râm mát phía đối diện để quan sát. Ngồi bên này quan sát, chị thấy một phụ nữ dáng thấp béo ngoài 30 tuổi đang đon đả nói cười với khách. Quan sát chán chê, chị tin chắc đây là tình địch nên quyết định bước vào. Không vòng vo tam quốc, chị hỏi ngay người phụ nữ có phải là chủ quán. Được cô ta xác nhận, chị giới thiệu luôn mình là vợ anh S. Nụ cười trên môi người chủ quán biến mất thay vào đó là một khuôn mặt nhợt nhạt.
Nhưng chỉ thoáng chốc cô ta đã lấy lại được bình tĩnh “Anh S đang đi vắng. Em cũng định mấy hôm nữa sang gặp chị” rồi đon đả mời chị vào nhà. “Trơ trẽn đến thế là cùng” chị thoáng nghĩ nhưng vẫn theo cô ta vào nhà. Biết tình địch không phải là tay vừa, chị H vội áp dụng phương pháp cứng rắn để đối phó. Ban đầu hai người phụ nữ còn trò chuyện, rồi cuộc trò chuyện cứ to dần… to dần và cuối cùng là cãi vã. Đến nước đó, người phụ nữ kia mới trâng tráo đuổi chị ra khỏi nhà “Chị về đi. Anh S sẽ không về với mẹ con chị nữa đâu” Biết mình đang mất dần thế chủ động, chị H quyết định ngã ngũ: “Tôi không thèm giữ anh ta làm gì. Tôi chỉ cần anh ta về trả nợ rồi đi đâu thì đi” -“Anh S còn nợ bao nhiêu” Chị không đắn đo nói đại rằng “12 triệu!”. “Được rồi! Chờ anh ấy về, tôi sẽ nói lại”.
Chị H ra về với một sự đắc thắng trong lòng. Thực tâm, chị nghĩ chính điều đó sẽ làm cho tình địch buông tha ngay chồng chị. Chị tin anh sẽ trở về. Về nhà chị lại phấp phỏng chờ đợi. Chỉ mấy ngày sau quả là anh S trở về thật. Nhưng anh ta không trở về một mình mà trở về cùng cô chủ quán bia. Chị chết lặng người, còn ba đứa con thì tròn xoe mắt ngạc nhiên. Được tin anh S trở về cùng với một người phụ nữ, họ hàng chòm xóm đều tò mò chạy sang. Trước đông đủ mọi người, tình địch của chị móc ra một bọc tiền với một câu gọn lỏn: “Đây là 12 triệu như chị nói” Chị nhìn chồng mà không thốt lên một lời nào. Mọi người chứng kiến đã phần nào hiểu được sự thể nên đều xui chị “nâng giá” lên mới cho anh S đi. Dân trong làng biết chuyện kéo nhau đến mỗi lúc một đông. Thấy tình hình bất lợi cho mình, người đàn bà kia lấy lí do là không mang theo và sẽ hoàn đủ rồi kéo anh S lên xe chuồn thẳng.
Nhìn chồng ra đi, lại nhìn bọc tiền rồi nghe chòm xóm bàn tán, chị ngồi lặng như hoá đá. Trái tim trong lồng ngực chị như có ai bóp nghẹt. Thật mỉa mai thay, chính chị đã đi “bán chồng” cho tình địch. Chị muốn cười mà không cười nổi, chị muốn khóc cũng chẳng khóc được. Mọi người đều cười chê anh S. Còn chị, chị biết lắm chứ! Chuyện “bán chồng”của chị sẽ thành đề tài đàm tiếu ở cái làng quê vốn nhỏ bé và yên tĩnh này. Chị còn biết trách ai nữa. Trách mình hay trách người chồng phụ bạc đây?
Biết rõ ngọn ngành câu chuyện, tôi lấy làm cảm thông cho chị. Quả là một câu chuyện hy hữu. Chị đáng thương chứ nào đáng trách gì đâu! Cái tiếng “bán chồng” vẫn là nỗi đau cho chị bởi tôi biết không gì ngăn cản nổi sự đàm tiếu cười chê của người đời. Anh S mới là người đáng lên án vì sự vô trách nhiệm đến khó tin của một người chồng, người cha. Vì “ham của lạ” mà anh đã tước mất nụ cười trên khuôn mặt của những đứa con mình và phá vỡ đi một gia đình đang rất hạnh phúc. “Chỉ thương cho các cháu thôi!” Chị nói nhỏ như để tự an ủi mình. Âu rằng đây cũng là một bài học cho những người đang làm vợ! Cuộc sống gia đình vốn dĩ rất phức tạp và lòng người cũng phức tạp không kém. Mỗi chị em phụ nữ chúng ta hãy tỉnh táo nhìn nhận sự việc và giải quyết vấn đề cho sáng suốt để không phải dày vò, hối tiếc về sau...
Theo GĐ&XH