Ngày xá tội vong nhân hay còn gọi là ngày cúng cô hồn, cúng chúng sinh hay cúng thí thực, rơi vào tháng 7 âm lịch. Theo phong tục ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Á Đông, xá tội vong nhân liên quan tới sự kiện đóng mở cửa Quỷ môn quan.
Diêm Vương cho phép các cô hồn bị chết oan, chết mà không có người thân thờ cúng… sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế. Theo quan niệm dân gian, thời gian mở cửa ngục là 15 ngày đầu tháng 7 âm lịch.
Về mặt tâm linh, để tránh bị các linh hồn lang bạt này quấy nhiễu dương gian nên người ta thường làm mâm cỗ cúng chúng sinh để dâng cúng vào tháng 7.
Năm 2024, tháng 7 âm lịch kéo dài từ 4/8 (Mùng 1) đến hết 2/9 (30 tháng 7 âm lịch). Nghi thức cúng Rằm tháng 7 gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn). Mỗi lễ cúng có thời gian và cách thức khác nhau.
Cúng thần linh là cúng Phật, các vị thánh thần, có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, nhưng thường được chọn vào Rằm. Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc 10-12h.
Cúng gia tiên (tổ tiên, cha mẹ và các bậc sinh thành) nên được làm vào ngày 13 tháng 7 âm lịch, tốt nhất là thực hiện vào ban ngày, khung 10-12h.
Lễ cúng xá tội vong nhân (cúng chúng sinh, cô hồn) dành cho những vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng.
Nghi thức cúng chúng sinh nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Dân gian quan niệm các cô hồn thường sợ ánh sáng, bắt đầu cúng khi tắt nắng thì họ dễ nhận được đồ cúng.
Khi cúng chúng sinh, các gia đình phải đặt mâm cỗ ở ngoài sân, ngoài đường, tuyệt đối không đặt ở bậu cửa.
Dù chọn giờ nào thì việc cúng chúng sinh phải được thực hiện trước 12h Rằm tháng 7, vì dân gian quan niệm sau thời gian đó cửa địa ngục đóng lại.
Đồ đã cúng cô hồn không nên mang vào nhà để sử dụng. Những thứ khó dùng như muối, gạo, bỏng có thể rắc ra ngoài đường hoặc hóa kèm với vàng mã cho các cô hồn thụ hưởng.
Theo Tiền Phong