Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) giống như món lẩu thập cẩm, mỗi nghệ sĩ đều mang đến “vị” riêng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khán giả. Chương trình này thành công trong 2 năm liên tiếp cũng nằm ở việc biết “chiều” theo thị hiếu của công chúng. Gió Mùa là lễ hội âm nhạc phản ánh được dòng chảy của âm nhạc Việt Nam đương đại trong một thập niên trở lại đây.

Gió Mùa 2015 phản ánh các dòng chảy nhạc Việt đương đại
Khán giả hào hứng với Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa 2015.

Những nghệ sĩ mainstream tạo nên thị trường âm nhạc sôi động, những nghệ sĩ underground hay indie mang đến những khoảng sáng tạo và thể nghiệm đáng được ghi nhận. Bên cạnh đó, với tỷ lệ gia tăng các nghệ sĩ quốc tế trong năm thứ 2 tổ chức còn cho thấy được mắt nhìn về giao thoa âm nhạc và cung cấp thêm những lựa chọn cho khán giả.

Nỗ lực đáng ghi nhận của Gió Mùa 2015 so với năm đầu tổ chức chính là việc trao quyền cho những nghệ sĩ trẻ, những người tạo nên đời sống âm nhạc sôi động nhất hiện nay. Một loạt tên tuổi nổi tiếng của nhạc pop đương đại cùng nhau tụ họp dưới cùng một sân khấu và hát những bài hit đang thịnh hành.

Khán giả được nghe những sáng tác mới từ các ngôi sao như Uyên Linh, Tóc Tiên, Tiên Tiên, Trung Quân Idol, Hoàng Thùy Linh… Giới làm nhạc mainstream vẫn đang quay cuồng trong dòng chảy của ballad hoặc pop pha trộn EDM nhưng không thể phủ nhận, họ làm hài lòng được đám đông khán giả.

Gió Mùa 2015 phản ánh các dòng chảy nhạc Việt đương đại
Tóc Tiên trình diễn tại Gió Mùa 2015.

Tuy nhiên, nếu chỉ có những nghệ sĩ trình diễn pop đơn thuần, Monsoon sẽ không thực sự hấp dẫn công chúng, lôi kéo hàng nghìn khán giả trở lại Hoàng thành Thăng Long trong 4 đêm liên tiếp từ 8-11/10/2015. Nền âm nhạc Việt Nam có nhiều dòng chảy khác ngoài pop. Đó là nhạc giao hưởng, âm nhạc ngầm (underground), hơi hướng indie….

Nhóm nghệ sĩ trẻ theo đuổi thể loại âm nhạc giao hưởng - Maius Philharmonic là những người chơi khúc dạo đầu của Monsoon. Những nhạc công 9X tự tin chơi nhạc giữa không gian ngoài trời và được khán giả nhiệt tình cổ vũ. Vốn là dòng nhạc hàn lâm nhưng họ đã mang đến hơi thở trẻ trung, giúp khán giả dễ dàng tiếp nhận. Nằm trong dự án bảo trợ của Monsoon Music Festival, Maius Philharmonic nói riêng và những nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc này đang trên con đường đi mở rộng thị phần khán giả.

Bên cạnh đó, Monsoon còn là chương trình kết nối giữa những nghệ sĩ chơi nhạc. Nhà sản xuất âm nhạc trẻ nổi tiếng Hoàng Touliver thẳng thắn chia sẻ anh không quan tâm anh thuộc dòng underground (nghệ sĩ hoạt động ngầm) hay mainstream. Anh và những thành viên của Space Speaker đến với lễ hội âm nhạc này với tư cách là những nghệ sĩ chơi nhạc. Mọi khoảng cách đều xóa nhòa nhằm mang đến cho khán giả sân khấu âm nhạc độc đáo, đáp ứng những nhu cầu âm nhạc của khán giả.

Space Speaker chiếm thời lượng khá lớn trong đêm thứ 2 của Gió Mùa 2015. Điều này phản ánh được sự lớn mạnh của những nghệ sĩ hoạt động ngầm trong những năm gần đây cũng như thị hiếu của công chúng trẻ.

Trước khi chương trình diễn ra, Lê Cát Trọng Lý đã không giấu được sự hứng thú đối với sự kiện âm nhạc này. Cô là một trong những nghệ sĩ trẻ độc đáo lựa chọn hướng đi khác biệt so với số đông đồng nghiệp cùng lứa với cô. Lê Cát Trọng Lý mang đến 30 phút của âm nhạc mộc mạc, tĩnh lặng sau những âm thanh pop, EDM ồn ã. Sự xuất hiện của cô trong chương trình, một cách gián tiếp phản ánh sự đa dạng của âm nhạc đương đại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Monsoon với số lượng khách mời quốc tế tăng lên khá nhiều so với năm ngoái cũng là điểm đáng thú vị. Công chúng Việt luôn “khát” được xem các nghệ sĩ quốc tế trình diễn. Trong điều kiện khó khăn về việc mời các nghệ sĩ ngoại biểu diễn, Monsoon tập hợp được khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và đa dạng của làng nhạc thế giới như Joss Stone, tứ tấu Bond, Catfish, WhoMadeWho…

Gió Mùa 2015 phản ánh các dòng chảy nhạc Việt đương đại
Ca/nhạc sĩ nổi tiếng Joss Stone biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa 2015.

Không ít khán giả nhận định, nghệ sĩ quốc tế đã làm lu mờ ca sĩ trong nước. Đây là một nhận định không sai hoàn toàn, nó phản ánh được thị hiếu thưởng thức âm nhạc của khán giả, tìm đến những điều mới lạ và độc đáo.

Gió Mùa đang được nhà tổ chức hướng tới là thương hiệu và diễn ra hằng năm. Công chúng sẽ được sống trong không khí đặc biệt, điểm gặp gỡ của những nghệ sĩ trình diễn. Tuy nhiên, để biến Gió Mùa trở thành “đặc sản” của Việt Nam còn cần phải một thời gian dài để chứng minh.

Gần đây, Hà Nội cũng xuất hiện sân khấu nghệ thuật tổng hợp xiếc, kịch, múa đương đại… có tên Ionah. Những người sáng tạo của chương trình ước mơ và kỳ vọng sẽ biến Ionah thành “đặc sản” của thủ đô; là nơi công chúng đến thưởng thức và nhớ đến. Tuy nhiên, dự án nghệ thuật đến từ những nghệ sĩ tâm huyết vẫn chưa tạo được sức hút đối với công chúng. Một phần bởi đây là hình thức nghệ thuật mới lạ và khó cảm nhận với số đông khán giả.

Chính vì thế, Gió Mùa rất có thể là đặc sản của Hà Nội. Sau 2 năm tổ chức, sự kiện âm nhạc này thu hút sự quan tâm và nhận được sự đánh giá tích cực từ cả giới làm nghề lẫn khán giả. Quy mô và thời lượng của chương trình tăng lên trong lần thứ 2 tổ chức là thành công bước đầu và mang tính dự đoán cho một chuỗi chương trình về âm nhạc đáng chú ý mỗi năm.

Theo Trí Thức