Giới chuyên môn nói gì trước ý kiến tội phạm gia tăng do 'Người Phán Xử'?

Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhắc tới phim "Người Phán Xử" trong buổi góp ý dự thảo Luật Điện ảnh.

Ông cho rằng: "Sau khi VTV chiếu phim 'Người Nhán Xử', tình hình các băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều". Diễn viên Trung Anh, NSƯT Võ Hoài Nam, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, ông Trần Thanh Hiệp đã có những chia sẻ về vấn đề này.

NSND Trung Anh: Cần nhìn nhận câu chuyện một cách cụ thể, có chiều sâu 

Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, diễn viên Trung Anh - người thủ vai Lương Bổng trong phim chia sẻ: "Khi nhận được thông tin, cá nhân tôi cũng cảm thấy khá bất ngờ. Bản thân tôi không hoàn toàn đồng tình với ý kiến nêu trên. Bởi lẽ, khi phát biểu trước Quốc hội, mọi ý kiến đóng góp cần phải có sự cân nhắc, nhìn nhận một cách cụ thể và có chiều sâu.

Chúng ta đều biết Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là một cơ quan báo chí lớn, đại diện cho hình ảnh quốc gia. Do đó, các nội dung được phát sóng đều phải qua nhiều khâu kiểm duyệt về nội dung và hình ảnh. Do đó, việc phát sóng bộ phim 'Người Phán Xử' cũng đã có những sự kiểm duyệt nhất định. Vậy nên, khi đưa ra kết luận, cần có những thống kê, số liệu cụ thể bởi việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới VTV chứ không chỉ với bộ phim".

Trước ý kiến cho rằng: "Có nên loại bỏ một số cảnh hành động để bộ phim nhẹ nhàng hơn hay không?", NSND Trung Anh bày tỏ: "Vì đây là dòng phim hành động - hình sự chứ không phải dòng phim tình cảm nên cần có những cảnh quay gay cấn.

Giới chuyên môn nói gì trước ý kiến tội phạm gia tăng do Người Phán Xử?-1
NSND Trung Anh - vai Lương Bổng trong phim "Người Phán Xử"

Kịch bản gốc của bộ phim 'Người Phán Xử' (từ loạt phim truyền hình 'Ha-Borer' của Israel) có rất nhiều cảnh bạo lực, đoàn phim cũng đã giảm tối thiểu yếu tố bạo lực so với bản gốc để đảm bảo sự hấp dẫn cho bộ phim cũng như phù hợp với công chúng hơn".

Bên cạnh đó, NSND Trung Anh cho rằng, trong quá trình sản xuất, VTV cũng rất cân nhắc với từng cảnh quay. Khi thấy cảnh nào không phù hợp trong kịch bản thì đoàn phim và diễn viên cũng đều phải trao đổi rất kỹ chứ không chủ quan trong khâu sản xuất.

"Những cảnh bạo lực trong phim hoàn toàn đã giảm tối đa yếu tố bạo lực, khi đem phim truyền hình Việt so sánh với các loạt phim truyền hình nước ngoài, ta hoàn toàn có thể thấy thể loại phim hành động, hình sự của Việt Nam đã tối thiểu các yếu tố bạo lực", NSND Trung Anh cho biết.

NSƯT Võ Hoài Nam: VTV đã kiểm duyệt rất khắt khe phim trước khi phát sóng

Là một diễn viên quen thuộc của VTV, diễn viên Võ Hoài Nam chia sẻ: "Bản thân là một diễn viên, tôi đã tham gia nhiều vai diễn trong các bộ phim hành động. Theo tôi, phần lớn những bộ phim ra đời đều nhằm phản ánh hiện thực. Tuy không phải hiện thực nào cũng phản ánh, nhưng phim ảnh đã phần nào nói lên hơi thở của cuộc sống".

Giới chuyên môn nói gì trước ý kiến tội phạm gia tăng do Người Phán Xử?-2
NSƯT Võ Hoài Nam

Theo chia sẻ của diễn viên Võ Hoài Nam, việc quy chụp sự gia tăng tỉ lệ tội phạm do ảnh hưởng của các bộ phim là không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, trước đây, tình hình an ninh trật tự vốn đã có những bất ổn. Do đó, phim truyền hình ra đời cũng là lẽ tất yếu của quá trình nói lên cuộc sống hiện tại.

Xung quanh tranh cãi về các bộ phim có tình tiết bạo lực, diễn viên Võ Hoài Nam cho rằng: "Trước khi làm bất cứ bộ phim nào thì VTV và Ban kiểm duyệt đều rất sát sao, khắt khe tới từng chi tiết như: góc quay, ánh sáng, bối cảnh, súng đạn... Tôi tin rằng, các khâu kiểm duyệt này sẽ đảm bảo về mặt nội dung cũng như dung lượng của các tình tiết bạo lực trong các bộ phim".

GS. TS Trần Thanh Hiệp: Ảnh hưởng của phim hành động đến đời sống là khó kiểm chứng

GS.TS Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia trả lời: "Câu chuyện của phim ảnh là câu chuyện vô cùng đa dạng. Bởi lẽ phim ảnh bao gồm phim chiếu trên không gian mạng, phim của viện điện ảnh, phim truyện của các đài truyền hình hay phim chiếu rạp... Với mỗi loại phim lại có những quy trình kiểm định riêng. Do đó, câu chuyện về tính bạo lực hay những ảnh hưởng của phim hành động đến đời sống là điều khó kiểm chứng".

Theo GS. TS Trần Thanh Hiệp, hiện nay, các bộ phim của Việt Nam đều được kiểm duyệt về nội dung cũng như mức độ bao lực ở các phim hành động. Đồng thời, với Luật Điện ảnh mới đang được soạn thảo và có thêm những quy định mới về phim chiếu theo độ tuổi hay phim cấm chiếu. Đặc biệt, trong dự thảo mới, xuất hiện những quy định về phim loại K.

Giới chuyên môn nói gì trước ý kiến tội phạm gia tăng do Người Phán Xử?-3
GS.TS Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Đây là những loại phim chiếu cho đối tượng khán giả dưới 13 tuổi. Trước đó, các bộ phim này hoàn toàn không được công chiếu. Tuy nhiên, hiện nay các bộ phim này vẫn có cơ hội được công chiếu với điều kiện khán giả khi xem có sự đồng hành của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Điều này chứng tỏ sự đổi mới, tạo điều kiện cho sự phát triển của các nhà sản xuất phim có cơ hội phát triển. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cho thấy tính nhân văn, góp phần tạo sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.

GS.TS Trần Thanh Hiệp cho biết thêm: "Trong Luật Điện ảnh đã quy định về sản xuất phim theo từng độ tuổi. Khi nhắc tới vấn đề bạo lực của phim, rất nhiều ý kiến trái chiều sẽ được đưa ra. Do đó, chỉ có những quy định rõ ràng trong dự thảo và Luật mới là thước đo chính xác nhất để giải quyết vấn đề này".

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Xin hãy công bằng với phim Việt

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia chia sẻ: "Hãy công bằng với những nhà làm phim trong nước. Hãy công bằng với phim Việt Nam. Hãy để điện ảnh Việt Nam được khai thác và khám phá các đề tài đa dạng, phong phú thay vì đưa ra yêu cầu không được làm phim có tình tiết tội phạm không bị xử lý. 

Chưa cấm thì các phim Việt Nam đã tự động phải luôn có công an lập chiến công ở đoạn kết và bao giờ tội phạm cũng dễ dàng sa lưới pháp luật rồi… giờ cấm nữa thì không hiểu người ta làm phim phải "cài" thêm chi tiết gì mới được duyệt nữa đây?

Giới chuyên môn nói gì trước ý kiến tội phạm gia tăng do Người Phán Xử?-4
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia

Xin tránh đưa các từ ngữ dễ suy diễn như 'có ảnh hưởng xấu' vào Luật. Phim Việt Nam đã vất vả lắm rồi. Hãy nhìn lên các hạ tầng OTT, các web, các kênh phim quốc tế mà khán giả Việt đang ngày ngày cày cuốc, chúng ta có kiểm duyệt được họ không? 

Tôi nghĩ, việc tìm mọi cách siết chặt và tăng thêm các điều khoản cấm phim là một sự bất công với phim Việt vốn đã thiệt thòi hơn rất nhiều so với các phim nước ngoài đang được cung cấp thoải mái, không che, không cắt, không giới hạn đề tài.

Nếu không làm được gì để ủng hộ và đầu tư vào điện ảnh như một phần của ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo mà Nhà nước có chủ trương phát triển mạnh mẽ thì xin công bằng với phim Việt như đang làm với phim nước ngoài trên mọi nền tảng. 

Với ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới là 'đề nghị cần có quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là những phim có vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc' thì nguy cơ sớm nhất xảy đến đó là nhà sản xuất trong nước sẽ khước từ làm phim về các đề tài này để tránh rủi ro và khó khăn trong kiểm duyệt.

Câu hỏi đặt ra là: Những đề tài quan trọng để tạo nên lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào... mà lại có nguy cơ bị hạn chế thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?".

Theo Dân Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc https://danviet.vn/gioi-chuyen-mon-noi-gi-truoc-y-kien-toi-pham-gia-tang-do-cong-chieu-nguoi-phan-xu-20210914224919193.htm

Người phán xử

Tin tức mới nhất