Theo Thời Báo Hoàn Cầu, bê bối trốn thuế của Trịnh Sảng đang ảnh hưởng nặng nề đối với giới giải trí Hoa ngữ. Các chuyên gia có thâm niên trong nghề nhận định ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc chịu thiệt hại lớn.

Tổng cục Thuế Trung Quốc và Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình tuyên bố sẽ mở chiến dịch rà soát, thắt chặt hoạt động thu thuế, hợp đồng kinh tế. Giới chức Trung Quốc đang có những động thái quyết liệt để chấn chỉnh toàn diện hoạt động ngành.

"Toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đang rơi vào tình trạng hoang mang vì Trịnh Sảng", QQ nhận định.

Trịnh Sảng khó thoát?

Từ đỉnh cao, Trịnh Sảng trượt ngã xuống vực sâu hồi giữa tháng 1. Cô bị bạn trai Trương Hằng phanh phui bê bối đời tư chấn động, từ chối nuôi dưỡng và bỏ rơi 2 con nhỏ ở Mỹ.

Không dừng lại ở đó, nhà sản xuất trẻ tuổi còn tố Trịnh Sảng và cha mẹ dùng chiêu trò hợp đồng âm dương để trốn thuế. Trương Hằng đăng hình chụp cuộc thảo luận vấn đề thù lao của gia đình nữ diễn viên khi tham gia dự án Thiến Nữ U Hồn.

Giới giải trí lao đao trước nguy cơ Trịnh Sảng chịu án-1
Trịnh Sảng vướng nghi án trốn thuế bằng hợp đồng ma. Ảnh: Sina.

Người đẹp Cùng Ngắm Mưa Sao Băng và công ty Văn hóa Bắc Kinh đã thỏa thuận mức thù lao 24,6 triệu USD/bộ phim, vượt mức quy định của Tổng cục.

Một bản hợp đồng ghi mức cát-xê 7,4 triệu USD, bản còn lại ghi 17,2 triệu USD. Nhưng cô chỉ công khai bản hợp đồng 7,4 triệu USD với cơ quan thuế và đóng thuế tính trên số tiền này.

Số tiền còn lại chuyển sang công ty đứng tên cha mẹ nữ diễn viên như một khoản tăng vốn đầu tư.

Trên Nhân Dân Nhật Báo, luật sư Vương Huy cho biết với cách xoay vòng hợp đồng như trên, Trịnh Sảng sẽ chỉ nộp 21% thuế trên tổng thu nhập, thay vì 40% theo luật định.

Tra cứu dữ liệu thương nghiệp trên Tianyancha, phóng viên của Thanh Niên Nhật Báo phát hiện Trịnh Sảng là đại diện pháp nhân và cổ đông của 16 công ty. Trong đó, 4 công ty cô làm người chịu trách nhiệm pháp lý đã đóng cửa, một công ty bị tòa án phong tỏa đến năm 2024 vì vướng vào tranh chấp tài chính với Trương Hằng.

Theo điều tra Thanh Niên Nhật Báo, 4 công ty phim ảnh Trịnh Sảng thành lập ở Cửu Giang (tỉnh Giang Tây) đều giải thể không rõ nguyên do chỉ sau 2-3 tháng hoạt động.

Các công ty nay đều có cha mẹ người đẹp đăng ký góp vốn với danh nghĩa cổ đông. Ngoài ra, 5 văn phòng đại diện của sao nữ cũng bị hủy bỏ. Tờ báo nghi vấn người đẹp lập công ty ma để thực hiện hành vi trục lợi bất chính.

Tối 28/4, CCTV đưa tin Tổng cục Thuế Trung Quốc và Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cơ quan thuế Thượng Hải và các địa phương khác điều tra, xác minh nghi án nghệ sĩ Trịnh Sảng dùng hợp đồng âm dương để trốn thuế. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm luật thuế quan.

Hiện tại, Trịnh Sảng tiếp nhận điều tra, giao các chứng từ liên quan cho cơ quan chức năng.

Văn hóa Bắc Kinh phải bán tháo tài sản

Sau khi Trịnh Sảng bị điều tra, công ty Văn hóa Bắc Kinh cũng nhận án phạt đầu tiên của giới chức Trung Quốc. Đơn vị này đã trả thù lao vượt mức quy định cho Trịnh Sảng khi đóng chính trong Thiến Nữ U Hồn. Không chỉ vậy, Văn hóa Bắc Kinh còn bị nghi vấn tiếp tay cho sao nữ làm hợp đồng âm dương để trốn thuế.

Ngày 28/4, Văn hóa Bắc Kinh đã chuyển nhượng cổ phần cho Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Đối tác Thế kỷ Bắc Kinh với giá 7,4 triệu USD.

Giới giải trí lao đao trước nguy cơ Trịnh Sảng chịu án-2
Sau khi Trịnh Sảng bị điều tra, công ty Văn hóa Bắc Kinh cũng nhận án phạt nặng. Ảnh: Sohu.

Một ngày sau, Tổng cục Thuế Trung Quốc ban lệnh cấm giao dịch chứng khoán, ký kết hợp đồng mới với công ty Văn hóa Bắc Kinh. Đội điều tra cũng được cử đến tổng kiểm tra hoạt động giao dịch kinh tế trong nhiều năm qua của đơn vị này.

Theo Nhật Báo Kinh tế Bắc Kinh, Tổng cục Thuế Trung Quốc đã ban lệnh cấm giao dịch chứng khoán, ký kết hợp đồng mới với công ty Văn hóa Bắc Kinh. Đội điều tra cũng được cử đến tổng kiểm tra hoạt động giao dịch kinh tế trong nhiều năm qua của đơn vị này.

Tờ báo cho biết động thái của Tổng cục Thuế đang khiến công ty Văn hóa Bắc Kinh lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, báo cáo tài chính cho thấy công ty này lỗ đến 520 triệu USD. Hiện tại, họ không đủ kinh tế để trả cả gốc lẫn lãi vay cho ngân hàng trị giá 800.000 USD.

Trước tình hình bị đóng băng giao dịch kinh tế toàn diện, trên China Times, đại diện của Văn hóa Bắc Kinh cho biết công ty hiện tích cực liên lạc với các ngân hàng và chủ nợ kéo dài thời gian trả nợ. Bên cạnh đó, họ đã phát mãi một số tài sản để tiếp tục đổ vốn cho các dự án phim đang trong giai đoạn sản xuất, giảm thiểu căng thẳng tài chính cho công ty.

Hôm 6/5, công ty Văn hóa Bắc Kinh thông báo sẽ bán đấu giá gần 10 triệu đơn vị cổ phiếu với giá khởi điểm 8,2 triệu USD.

Ngành phim ảnh đứng trước nguy cơ bị đình trệ

Theo China Daily, từ tháng 4/2019, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ban hành chỉ thị yêu cầu công ty giải trí, chế tác phim nghiêm túc thực hiện Chính sách bình ổn thù lao. Tổng cát-xê diễn viên không vượt quá 40% chi phí sản xuất.

Nếu đơn vị nào bị phát hiện trả thù lao không đúng quy định và có hành vi che giấu sai phạm, sẽ bị đình chỉ sản xuất hoặc cấm phát sóng vô thời hạn đối với dự án đã quay xong.

Giới giải trí lao đao trước nguy cơ Trịnh Sảng chịu án-3
Dự án phim Hoa ngữ sẽ bị cấm sóng vĩnh viễn nếu có sai phạm trong đầu tư. Ảnh: Sohu.

Tờ báo này cho rằng Thiến Nữ U Hồn (tên mới: Chỉ Hỏi Kiếp Này Lưu Luyến Biển Xanh) đối diện với nguy cơ bị cấm chiếu vĩnh viễn vì bê bối của Trịnh Sảng và công ty chế tác.

Không chỉ Thiến Nữ U Hồn, nhà sản xuất Điền Tráng Tráng nhấn mạnh với China Daily sóng dữ đang dồn dập ập vào showbiz Hoa ngữ. Chính quyền Trung Quốc đã ban hành loạt chỉ thị tăng cường quản lý vấn đề chi trả thù lao cho nghệ sĩ và điều tra các hành vi trái pháp luật trong ngành phim ảnh.

Theo nhà sản xuất Điền Tráng Tráng, một khi loạt bê bối bị phanh phui, nhiều khả năng trong những tháng tới ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt sản phẩm đầu ra.

"Tôi không chắc tất cả dự án phim trong showbiz Hoa ngữ sạch 100%. Hầu như các nhà sản xuất tại Trung Quốc đều dùng cách này hay cách khác để trốn thuế, trường hợp dùng hợp đồng âm dương, khai báo gian dối với cơ quan chức năng của Phạm Băng Băng hay Trịnh Sảng là một ví dụ", ông cho biết.

Điền Tráng Tráng khẳng định: "Nếu đợt thanh tra này, cơ quan chức năng làm gắt gao, tiến hành 'nhổ cỏ tận gốc', hàng loạt dự án điện ảnh và truyền hình sẽ đứng trước nguy cơ bị cấm sóng".

Theo ông, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc từng đối mặt với 2 năm "mùa đông lạnh giá" vì sự cố của Phạm Băng Băng và cũng sẽ không có ngoại lệ cho trường hợp của Trịnh Sảng.

Ảnh hưởng từ vụ bê bối trốn thuế của các siêu sao trong năm 2018 khiến giá cổ phiếu của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc lao dốc không phanh, chưa thể phục hồi hoàn toàn sau gần 3 năm.

Theo Sina, hiện tại, nhiều công ty chế tác phim hàng đầu Trung Quốc đang hứng chịu cơn bão khủng hoảng, giá trị cổ phiếu toàn ngành giảm 60%. Trong đó, giá cổ phiếu của công ty Văn hóa Bắc Kinh lao dốc trên sàn giao dịch, lỗ 5% mỗi ngày.

Gần 100 ngôi sao "bỏ của" vì sợ điều tra

Sau khi bê bối của Trịnh Sảng nổ ra, Tân Hoa Xã nhận xét ngành giải trí Hoa ngữ xảy ra biến động. Gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên... gây bàn tán khi bất ngờ xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân.

2 nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty. Người vướng nghi án trốn thuế Trịnh Sảng cũng giải thể 5 văn phòng làm việc cá nhân.

Nhật Báo Kinh Tế Bắc Kinh bình luận đây là "cuộc tháo chạy" trước sóng dữ phiên bản 2.0 của sự cố Phạm Băng Băng.

Giới giải trí lao đao trước nguy cơ Trịnh Sảng chịu án-4
Nghệ sĩ có thu nhập cao sẽ là một trong những nhóm đối tượng kiểm tra đầu tiên của cơ quan chức năng. Ảnh: Sina.

Theo Sina, trong 3 năm qua, giới nghệ sĩ đã thành lập gần 533 phòng làm việc và 1887 công ty đứng tên cá nhân.

Sohu cho biết phòng làm việc cá nhân thực chất là một trong những "thủ đoạn" ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế với chênh lệch thuế suất là 5%. Đa số phòng làm việc cá nhân của các ngôi sao đều được đặt ở thành phố nằm trong chính sách miễn thuế 5 năm của Chính phủ.

Năm 2018, không ít người từng nằm trong danh sách nghi vấn trốn thuế, phải xin nộp bù để tránh điều tra và xử phạt từ Tổng cục thuế khi bê bối của "nữ hoàng thảm đỏ" nổ ra. Số tiền hoàn thuế thu được từ người nổi tiếng năm đó lên đến 1,8 tỷ USD.

Vương Huy, luật sư hàng đầu Trung Quốc ở lĩnh vực kinh tế - thương mại, cho biết nghệ sĩ hay công ty quản lý dù giải thể phòng làm việc cá nhân, vẫn sẽ bị truy cứu hình sự khi có hành vi bất hợp pháp, vi phạm pháp luật trong quá trình giao dịch.

Nguồn tin riêng từ China Daily cho hay chính quyền Trung Quốc đang gấp rút thành lập một tổ chuyên trách riêng cho chiến dịch truy quét sai phạm thuế quan trong ngành giải trí. Đối tượng nhắm đến chủ yếu là các ngôi sao có thu nhập khổng lồ đến từ việc đóng phim, quay quảng cáo và kinh doanh.

Trong đó, những cá nhân, đơn vị từng nằm trong danh sách nghi vấn trốn thuế và xin nộp thuế bù vào năm 2018, sẽ bị kiểm tra gắt gao ngay trong đợt đầu tiên ra quân. Trịnh Sảng từng thuộc trường hợp xin nộp thuế bù để tránh điều tra, xử phạt sau bê bối của Phạm Băng Băng.

Theo Zing