Thế hệ Z tại đất nước tỷ dân đang có xu hướng lựa chọn những bộ trang phục thoải mái, giản dị và có phần "xấu xí" khi đi làm. Thay vì chạy theo những món đồ xa xỉ, giới trẻ lại tìm kiếm sự thoải mái và thể hiện cá tính riêng thông qua phong cách thời trang độc đáo.

Xu hướng “trang phục công sở xấu xí”

Khi thời tiết trở lạnh, Cindy Luo bắt đầu mặc bộ đồ ngủ bằng lông cừu với áo len có mũ trùm đầu bên trong trong văn phòng. Mặc bộ đồ ngủ thoải mái đi làm đã trở thành thói quen và chẳng bao lâu sau, cô thậm chí còn không thèm mặc áo và quần phù hợp mà chỉ chọn những bộ thoải mái, tiện với mình nhất.

Vài tháng sau, cô đăng một bức ảnh của mình lên Xiaohongshu có với lời tựa: “Trang phục đi làm kinh tởm”. Cô là một trong hàng chục nghìn nhân viên trẻ ở Trung Quốc tự hào đăng ảnh mình mặc áo liền quần, quần thể thao, dép và tất trong văn phòng.  

Cindy Luo, 30 tuổi, nhà thiết kế nội thất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho biết: “Cứ mặc bất cứ thứ gì bạn muốn. Mấu chốt là tôi nghĩ việc tốn tiền để ăn diện đi làm cũng không đáng, dù sao thì tôi cũng chỉ ngồi đó suốt thôi."

Xu hướng ăn mặc xấu này được giới trẻ Trung Quốc gọi là "trang phục công sở xấu xí". Nó trở thành một trend rất hot trên khắp các nền tảng mạng xã hội kể từ tháng 3 năm nay.

Giới trẻ đua nhau ăn mặc xấu nhất có thể khi đi làm: Tại sao?-1
Người trẻ đua nhau khoe ảnh, clip mặc xấu khi đi làm

Thay vì những bộ vest sang trọng, váy áo hàng hiệu, nhiều người trẻ Trung Quốc lại ưa chuộng những trang phục rộng thùng thình, kết hợp màu sắc và họa tiết một cách có phần "lạc quẻ". Họ không ngần ngại diện những chiếc quần ống rộng, áo phông quá khổ, dép lê,... khi đến công sở.

Trên thực tế, xu hướng ăn mặc "xấu có chủ đích" này không phải là mới trên thế giới. Nó đã xuất hiện từ lâu ở các nước phương Tây và được gọi là "normcore". Phong cách này hướng đến sự giản dị, thoải mái và không cầu kỳ trong cách ăn mặc. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, "trang phục công sở xấu xí" không chỉ đơn thuần là một trào lưu thời trang mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn.

Cách phản kháng trong một thế giới quá áp lực 

Joanna Chen, 32 tuổi, làm phiên dịch tại một bệnh viện thẩm mỹ ở Hàng Châu. Một đồng nghiệp của cô đã đăng bức ảnh bộ quần áo của cô lên mạng xã hội và viết: "Đoán xem khi nào sếp sẽ nói chuyện với cô ấy?" (Các đồng nghiệp của Joanna Chen đã xin phép cô trước khi đăng ảnh).

Trong ảnh, cô Chen mặc một chiếc áo khoác màu vàng xoài. Trên cánh tay của cô có ống tay áo màu xanh và màu be "cọc cạch", một bên trông như đồ của mẹ, một bên in hình những con bò. Cô mặc quần đen, tất kẻ sọc màu xanh lam và đi đôi giày lười có lông kiểu cũ.

Giới trẻ đua nhau ăn mặc xấu nhất có thể khi đi làm: Tại sao?-2
Bộ đồ đi làm của cô Chen

Cô Chen cho biết cô biết bộ trang phục này không hợp thời trang nhưng cô không quan tâm vì nó thoải mái. Tay áo do bà cô làm. Chiếc áo len được mẹ cô truyền lại cho cô và chiếc mũ từng thuộc về con trai cô.

Cô cho biết sếp từng yêu cầu cô ăn mặc đẹp hơn khi đi làm nhưng cô phớt lờ yêu cầu của ông. Ngoài ra, lần đầu tiên, cô bắt đầu từ chối những công việc mà cô không muốn làm.

Vài năm sau đại dịch, sau khi trải qua những đợt phong tỏa, cách ly khó lường và nỗi sợ lây bệnh, cô Chen cho biết điều duy nhất cô mong muốn bây giờ là được sống ở hiện tại, có công việc ổn định và sống một cuộc sống bình yên. Thăng tiến hay không không phải là mối quan tâm của cô nữa.

Cô nói: “Mỗi ngày hãy vui vẻ nhé, đừng ép mình làm gì cả”.

Nhiều người trẻ cho rằng, việc ăn mặc "xấu" là một cách để họ phản kháng lại áp lực phải thể hiện bản thân, phải thành công và giàu có từ xã hội. Họ muốn được là chính mình, được thoải mái và không bị gò bó trong bất kỳ khuôn khổ nào, kể cả trong cách ăn mặc. 

Bên cạnh đó, xu hướng "trang phục công sở xấu xí" cũng được xem là một cách để thể hiện sự bình đẳng. Khi mọi người đều ăn mặc giản dị và có phần "xấu xí", sẽ không còn sự phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội.

“Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ của thời đại”

Xu hướng này không làm các nhà dự báo và chiến lược gia thương hiệu ngạc nhiên. Theo Antonin Ficatier, Giám đốc biên tập khu vực Tây Âu tại công ty nghiên cứu thị trường YPulse, có hai đặc điểm nổi bật của Thế hệ Z là “sự thể hiện cá nhân và các tiêu chuẩn phi truyền thống”. Họ cũng là nhóm nhân khẩu học mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, thay vì cuộc sống xa hoa.

Ficatier nhận định: “Điều này bao gồm việc thoát khỏi các chuẩn mực làm đẹp truyền thống để đón nhận vẻ ngoài độc đáo và sở thích phong cách cá nhân. Họ không ngại thử nghiệm với vẻ ngoài của mình. Xu hướng này tương tự như việc chúng ta đã thấy trong ngành thời trang nam giới có sự đón nhận những chiếc áo nhỏ xíu, bộ đồ lấp lánh, túi xách và nhiều loại phụ kiện khác nhau”.

Giới trẻ đua nhau ăn mặc xấu nhất có thể khi đi làm: Tại sao?-3
Nhiều người chọn mặc thoải mái vì việc xây dựng hình ảnh xã hội bóng bẩy bên ngoài không còn khiến họ bận tâm nữa

“Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ của thời đại”, Xiao Xueping, nhà tâm lý học ở Bắc Kinh, nói. Bà nói, những người trẻ tuổi ngày nay lớn lên trong một môi trường tương đối khoan dung hơn so với các thế hệ trước và học cách đặt cảm xúc của bản thân lên hàng đầu.

Xiao Xueping cho biết trang phục có thể là một hình thức phản kháng có trách nhiệm vì mọi người vẫn đang làm công việc của mình. Nó cũng cho thấy cách con người trong xã hội đánh giá lại các giá trị và ưu tiên của mình khi đạt đến mức độ thịnh vượng cao hơn.

Theo Người Đưa Tin