Theo SCMP, người trẻ ở Trung Quốc khám phá ra cách mới để tìm bạn đồng hành. Họ chọn kết bạn với "đối tác tạm thời".

Mối quan hệ này đề cập đến khái niệm "mọi thứ đều có thể phù hợp", miễn là hai người có chung sở thích.

Giới trẻ Trung Quốc thích tìm người yêu tạm thời trên mạng-1
Những người trẻ tuổi nói rằng, chiến lược đối tác tạm thời cho phép họ giải quyết các mối quan hệ truyền thống phức tạp (Ảnh: Freepik).

Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, mọi người sử dụng nhiều chiêu bài để tìm kiếm "người yêu tạm thời" phù hợp. Không ít người thiết lập các danh mục sở thích chung bao gồm ăn uống, chơi điện tử, tập thể dục, du lịch hoặc thậm chí là trồng trọt, trò chuyện và nghe nhạc.

Người yêu để trò chuyện tạm thời sẽ tham gia vào các cuộc trò chuyện hàng ngày trên WeChat (ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc).

Một số người thậm chí không yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Điều họ cần chỉ đơn giản là có người lắng nghe và cùng nhau trò chuyện qua WeChat.

Hiện tượng này xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tình cảm của giới trẻ Trung Quốc. Đồng thời, giải tỏa sự cô đơn trong khi duy trì không gian và sự độc lập của mỗi người.

Một người tham gia trào lưu này cho biết: "Tôi thực sự rất cô đơn, nhưng tôi không thích bắt đầu các tương tác xã hội. Tôi hy vọng có một người lạ không đi sâu vào cuộc sống của tôi nhưng có thể ngăn tôi xem phim quá muộn hay ăn lẩu một mình".

Giới trẻ Trung Quốc thích tìm người yêu tạm thời trên mạng-2
Bạn có thể tìm thấy "đối tác tạm thời" bằng cách duyệt qua một danh sách dài các sở thích cụ thể trên mạng xã hội (Ảnh: Focus on the Family).

Ngoài ra, sau khi vật lộn với việc thiết lập các mối quan hệ có ý nghĩa, các bạn trẻ chọn hạ thấp kỳ vọng của họ và gắn bó với "người yêu tạm" - những người chỉ đồng hành ở mức độ nhất định.

"Rất khó để tìm thấy mảnh ghép phù hợp về mọi mặt. Đó là lý do khái niệm người yêu tạm thời rất tuyệt vời. Miễn là bạn tìm được người chung sở thích, cả hai vẫn có thể trở thành bạn lâu dài", một người khác bình luận.

Trong loạt bài đăng tìm "người yêu tạm thời", các tiêu chí cụ thể thường được vạch ra, bao gồm sở thích, khả năng chi trả cho buổi gặp mặt, kỳ vọng về chi phí và tần suất gặp mặt. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng thành công.

Một thanh niên 20 tuổi có biệt danh trực tuyến là "Chimoku" (đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) kể lại hai trải nghiệm không mấy thuận lợi với tạp chí Renwu.

Đầu tiên, anh sắp xếp dùng bữa với đối tác nam bằng tuổi. Tuy nhiên, đối tác đã "thống trị" bữa ăn bằng cách gọi 5 món và liên tục khoe khoang, trong khi Chimoku phải đóng vai người biết lắng nghe.

Trong lần thứ hai, sự tương tác của anh với đối tác nữ tạm thời khiến anh nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, cô gái đó đã có người yêu.

Khác với chàng trai có biệt danh Chimoku, một số người lại thành công với chiến lược của họ.

Một cô gái 26 tuổi được biết đến với biệt danh "Cola Monster" (đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) gặp đối tác ngay trước khi tốt nghiệp. Cả hai đã hỗ trợ và động viên nhau trong suốt giai đoạn tuyển dụng đầy thử thách.

Kết quả là Cola Monster trúng tuyển vị trí giảng dạy, trong khi đối tác của cô nhận được lời mời làm việc từ doanh nghiệp quốc gia.

"Chúng tôi làm việc gần nhau và tôi tin người ấy vẫn là đối tác có chung niềm đam mê ẩm thực với tôi trong suốt quãng đời còn lại", Cola Monster nói với tạp chí Renwu.

Theo Dân trí