Một người phụ nữ nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi rằng: “Suốt mấy chục năm rồi, giờ mới đụng đến que chắt que chuyền, dù chỉ mang máng nhớ quy luật chơi nhưng nó khiến tôi như sống lại tuổi thơ thật sự”.

Còn một người phụ nữ trẻ tuổi hơn lại như nghẹn lại khi nhắc đến những kỷ niệm của tuổi thơ: “Hơn 20 năm trôi qua, bươn chải với cơm áo gạo tiền và mưu sinh những trò chơi tuổi thơ tưởng chừng sẽ quên lãng. Thế nhưng thật bất ngờ tất cả được tái hiện nguyên vẹn, từng que chắt, que chuyền, rồi hòn sỏi của trò ô ăn quan, rồi cướp cờ… tất cả như đang ùa về khiến ai ai cũng xúc động”.

Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đã và đang kéo người dân quay lại với ký ức, với tuổi thơ. Giờ đây, họ đã thành người vợ, người chồng, thậm chí ông bà lại khéo léo bày trò cho những con cháu mình say mê với những trò chơi ấy.

Trong không gian đông kín người ấy, chúng tôi không khó để bắt gặp những nụ cười của nhiều cụ già đã ở ngưỡng gần đất xa trời nhưng được tận mắt chứng kiến trò chơi dân gian họ lại ánh lên niềm vui, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt hom hem.

Thế mới biết không gian đi bộ quanh Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần không chỉ khiến giới trẻ thích thú mà ngay cả với những người trung tuổi, cao tuổi cũng cảm thấy thích thú.

Những hình ảnh dưới đây sẽ minh chứng cho sức hút của không gian đi bộ khiến ai cũng muốn trở về tuổi thơ…

Hơn 20 năm mới cầm lại que chắt, que chuyền khiến người phụ nữ không khỏi thích thú, chị nói rằng ngày bé đây là trò chơi mà đám con gái mới say mê đến mức từng bị cha mẹ cho ăn đòn vì quá ham chơi quên cả giờ về ăn cơm.

Ô ăn quan là một trong những trò chơi phổ biến của tuổi thơ, nó phổ biến đến mức có thể ngồi bất cứ đâu để chơi miễn sao kiếm được vài chục hòn sỏi. Theo chị Vân thì thủa còn chăn trâu - cắt cỏ đây là trò chơi để phân thắng bại, ai thua sẽ phải chăn trâu, bò cho người kia cả buổi.

Cùng chơi ô ăn quan. Với những cô cậu 9X này có lẽ hiếm khi họ được thỏa mình trong trò chơi quen thuộc vô cùng hấp dẫn của bố mẹ, ông bà này.

Với 2 đứa trẻ nhỏ thành phố này, có lẽ trò chơi ô ăn quan khá lạ lẫm. Chúng bắt đầu học chơi từ đầu và được sự hướng dẫn của cha mẹ - những người từng trải qua tuổi thơ mài đũng quần cả ngày với bạn để chơi.

Cướp cờ - một trong những trò chơi được lũ trẻ quê ưa thích và chắc chắn nhiều người từng sứt đầu mẻ trán bởi 2 đội tranh nhau cờ đúng theo số của mình.

"Chúng tôi sinh ra ở miền Trung du, lũ bạn gái mỗi lần chăn trâu hay đến trường đều tận dụng thời gian để chơi trò này. Ngày ấy, trò chơi đòi hỏi phải có ít nhất 3 người, nếu ai nhảy được nhiều lần thì thắng, còn nếu ai nhảy được ít lần lại chạy ra cầm dây để người kia nhảy. Ấy vậy mà nhanh thật, 30 năm trôi qua rồi chứ ít đâu, mình già thật rồi", cô Trâm nghẹn ngào.

Thế hệ 8X, 9X cũng từng có tuổi thơ với trò chơi vừa tốn sức, đòi hỏi sự dẻo dai và tính đoàn kết khi chơi đông người, "Giờ về quê, lũ trẻ chỉ biết đến điện thoại, máy tính và tivi thôi chứ không còn chơi mấy trò này nữa", Nam - sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc Dân nói.

Tò he Xuân La từng đi vào thơ ca, hò vè và ai từng trải qua năm tháng tuổi thơ trạc tuổi như những cậu bé này thì có lẽ đều đã từng mơ ước có một chú tò he hình Tôn Ngộ Không?!

Tùng rinh rinh là tùng tùng rinh rinh... mỗi độ Tết Trung thu đến là lũ trẻ quê thắp đèn hạt cườm, đèn ống bơ đi theo đoàn lân khắp xóm làng.

Ai nấy chứng kiến cảnh này cũng không khỏi trầm trồ và nhớ lại những năm tháng tuổi thơ dữ dội của mình.

Thành viên một đoàn múa lân đang "cháy" hết mình với điệu trống, điệu chiêng khích lệ và làm nao lòng bao người.

Một cụ già bạc phơ tóc móm mém cười tít cùng lũ trẻ khi được chứng kiến cảnh múa lân, trò ô ăn quan, hay nhảy dây. Có lẽ với cụ cách đây 60-70 năm về trước những trò chơi này đã làm nên tuổi thơ, giờ dù đã già, trí nhớ kém nhưng vẫn còn đọng lại chút ít kỷ niệm khiến lòng thêm phấn khởi.

Tất cả mọi người có mặt tại không gian phố đi bộ dường như quên đi các thiết bị hiện đại như: điện thoại, máy tính bảng, máy nghe nhạc, máy chơi game... có chăng họ chỉ sử dụng để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi thơ giữa phố.

Theo Trí thức trẻ