Tại Nhật Bản, số phụ nữ nộp đơn xin ly hôn sau khi chồng qua đời đang tăng lên đáng kể. Theo tờ Sankei Shimbun, động thái này chủ yếu xuất phát từ mong muốn tránh xa những mối quan hệ họ hàng phức tạp và trách nhiệm quán xuyến việc gia đình cũng như chuyện mộ phần của nhà chồng.

Thống kê từ Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, số đơn xin "chấm dứt quan hệ thông gia" (tên chính thức của thủ tục này), thường được gọi là thủ tục  "ly hôn sau khi chồng/vợ qua đời" đã tăng vọt từ 2.213 trường hợp/năm cách đây một thập kỷ lên hơn 3.000 trường hợp/năm trong thời kỳ gần đây. Đáng chú ý, phần lớn số đơn này đến từ phụ nữ.

Góa phụ Nhật đua nhau ly hôn với chồng quá cố để thoát việc nhà chồng-1
Nhiều phụ nữ Nhật muốn hoàn toàn chấm dứt mối quan hệ pháp lý với gia đình chồng.

Bà chủ 53 tuổi của một tiệm làm đẹp ở Tokyo chia sẻ trải nghiệm của mình: "Sau khi chồng tôi qua đời, tôi không chỉ phải lo liệu tang lễ, giỗ chạp mà còn liên tục phải đối mặt với những yêu cầu vô lý từ mẹ chồng như phân chia di vật và xử lý bàn thờ Phật. Những việc này khiến tôi vô cùng mệt mỏi và phiền muộn".

Chị quyết định nộp đơn xin "ly hôn sau khi chồng qua đời" để chấm dứt mối quan hệ pháp lý với gia đình chồng sau nhiều năm chịu đựng áp lực từ mẹ chồng.

Sau khi hoàn tất thủ tục, người phụ nữ này đã thoát khỏi áp lực tâm lý to lớn và thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Điều quan trọng là việc ly hôn sau khi chồng qua đời không ảnh hưởng đến quyền thừa kế tài sản hoặc quyền nhận lương hưu cho người thân. Khi có các quyết định quan trọng, chị không cần sự đồng ý của gia đình chồng, không cần thông báo hoặc thảo luận trước với họ.

Tuy nhiên, bài báo của Sankei Shimbun cũng chỉ ra rằng hành động pháp lý đơn phương này có thể gây ra một số vấn đề về mặt tình cảm. Trong một số trường hợp, việc thông báo ly hôn khi bạn đời đã mất làm xấu đi mối quan hệ giữa người vợ và gia đình chồng, đồng thời có thể phát sinh tranh chấp trong việc thừa kế tài sản.

Đặc biệt, trong trường hợp có con, mặc dù quan hệ pháp lý giữa người vợ và nhà chồng đã chấm dứt, con cái vẫn có quan hệ huyết thống với gia đình bên nội. Điều này có thể dẫn đến những tranh chấp không nhỏ về vấn đề thừa kế theo pháp luật.

Các luật sư chuyên nghiệp khuyên rằng việc nộp đơn chấm dứt quan hệ thông gia cần được cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính đến những hậu quả lâu dài có thể xảy ra.

Hiện tượng này khơi lên nhiều cuộc tranh luận về sự thay đổi trong cấu trúc gia đình truyền thống và quan niệm hôn nhân tại Nhật Bản. Nó cũng phản ánh những thách thức mà phụ nữ Nhật Bản phải đối mặt trong xã hội hiện đại.

Theo VTC News