Ngay sau khi Công an Điện Biên có thông cáo báo chí về kết quả bước đầu điều tra vụ án nữ sinh Cao Mỹ Duyên (trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị giết, hiếp dâm, cướp tài sản khi đi ship gà, dư luận mạng xã hội và một số thông tin báo chí đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn, truy trách nhiệm và chỉ trích khá gay gắt Ban chuyên án. Nhiều bài viết lên án việc công an điều tra chậm trễ, tắc trách, non nghiệp vụ; việc khen thưởng lúc này là “kệch cỡm”…
Mỗi người có cách nhìn, tiếp cận khác nhau và suy luận theo quan điểm của mình. Tuy nhiên, cũng không ít cách nhìn có xu hướng bị dẫn dắt theo kiểu “ném đá”, thiếu tinh thần xây dựng, quy chụp, đưa tin một cách mang tính chất kích động.
Đại diện Cơ quan CSĐT đọc lệnh bắt tạm giam Bùi Văn Công
Tiếp cận với “góc nhìn thẳng”, xin chia sẻ đôi điều sau đây:
Thứ nhất, về luồng ý kiến chỉ trích “tắc trách, chậm trễ” khi cho rằng, gia đình nạn nhân đã trình báo vụ việc từ chiều 4/2 (30 Tết) nhưng phải 2-3 ngày sau, công an mới chính thức vào cuộc. Tại sao ngay sau khi tiếp nhận thông tin, công an không tổ chức lực lượng xác minh, điều tra ngay?
Ở đây cần thấy: Việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật, các thông tin khác của người dân diễn ra thường ngày, số lượng rất lớn. Mỗi ngày có hàng vạn thông tin trình báo từ người dân, tổ chức, trong đó thông tin có nội dung tố giác tội phạm chỉ chiếm một phần.
Thông tin chiều 4/2 mới chỉ là tin báo việc nữ sinh Cao Mỹ Duyên đi ship gà không thấy về, gia đình điện thoại không liên lạc được, chưa phải là tin tố giác tội phạm vì nội dung tin báo chưa xác định có dấu hiệu tội phạm và bản thân gia đình sau này cũng cho biết, khi đó gia đình không liên lạc được với cháu thì trình báo chứ không thể ngờ cháu bị giết, cướp.
Tin trình báo như vậy ở các địa phương trên có rất nhiều tình huống xảy ra như: bỏ đi chơi với bạn bè vì bị rủ rê, ham vui, tắt máy để tránh bị làm phiền, cũng có nhiều trường hợp vì tức giận với bố mẹ, người thân… Công an không thể tung quân vào cuộc trong trường hợp nguồn tin mới chỉ trình báo mà chưa xác định có dấu hiệu tội phạm.
Đặt giả thuyết: Nếu trong nguồn tin chiều 4/2, gia đình báo cáo việc cháu Duyên bị khống chế hoặc nghi ngờ có đối tượng khống chế, bắt giữ… thì tính chất nguồn tin đã hé mở dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, nguồn tin lúc này mới chỉ là: cháu nhận được điện thoại đi ship gà và mang 13 con gà đi giao, nay không thấy về, không liên lạc được.
Thứ hai, về quan điểm cho rằng, cháu Duyên bị giam giữ, hai ngày sau đối tượng mới ra tay sát hại, tại sao Công an không truy tìm để có thể giải cứu ngay? Vấn đề này là câu trả lời tiếp nối ý trên. Vì thời điểm đó, nguồn tin chưa xác định có dấu hiệu tội phạm nên công an chưa thể vào cuộc.
Nếu trong hai ngày đó, có thêm những thông tin như: có người báo cháu bị tra tấn, bị đánh đập, nghi ngờ giam giữ trái phép… thì công an sẽ tung quân truy tìm ngay. Sự việc chỉ xác định dấu hiệu tội phạm kể từ khi phát hiện chiếc xe máy mà cháu Duyên sử dụng bị vứt bỏ bên vệ đường. Và kể từ lúc này, công an vào cuộc xác minh, điều tra.
Thứ ba, nhiều ý kiến chỉ trích: vai trò công an ở đâu khi vật chứng là xe máy của cháu Duyên và thi thể cháu cũng là do người dân phát hiện? Như đã nói, khi phát hiện xe máy là dấu hiệu tội phạm xảy ra và khi phát hiện thi thể cháu Duyên là dấu hiệu vụ giết người. Người dân phát hiện xe máy, thi thể của cháu và báo cho công an, đó là nguồn thông tin quan trọng được cung cấp từ quần chúng nhân dân.
“Nhân dân có triệu tai, triệu mắt”, việc người dân tìm thấy, cung cấp cho công an thể hiện rõ vai trò của người dân địa phương – một kênh quan trọng trong tiếp nhận thông tin, điều tra tội phạm của công an. Thời điểm khi phát hiện xe máy tới khi phát hiện thi thể nạn nhân là 1 ngày, lại ở nơi nhà hoang, làm sao có thể nói “công an ở đâu”, “tỉnh Điện Biên nhỏ hẹp” mà không tìm thấy thi thể nạn nhân như một số quan điểm?
Thứ tư, người dân tìm thấy xe máy và thi thể nạn nhân, tại sao không khen thưởng người dân? Việc tìm thấy, tố giác đã thể hiện vai trò người dân. Tuy nhiên, ở đây cần thấy việc tìm thấy xe máy và thi thể để trình báo diễn ra giai đoạn sau tin báo cháu “đi ship gà không thấy về” 2-3 ngày, từ thời điểm này mới xác định dấu hiệu vụ án giết người chứ không phải xác định dấu hiệu vụ án giết người rồi sau đó mới truy tìm thấy xác.
Nghĩa là việc tìm thấy này bổ sung cùng thông tin trước đó nằm trong chuỗi thông tin trình báo, tố giác tội phạm. Nếu như vụ án giết người, cướp của được xác định trước đó, công an vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng và truy tìm vật chứng, sau đó thi thể cháu bé được người dân phát hiện thì việc phát hiện này có ý nghĩa khác: giúp cơ quan điều tra củng cố chứng cứ, làm rõ vụ án, truy bắt đối tượng.
Như vậy, việc người dân phát hiện xe máy, thi thể nạn nhân đều là nguồn tin quan trọng, thể hiện vai trò quần chúng nhưng tính chất trong vụ án ở các thời điểm trước và sau khi điều tra thì khác nhau.
Lực lượng CAND, VKSND và các đơn vị chức năng đã phải rất vất vả để phát hiện, bắt giữ và khuất phục Vương Văn Hùng.
Việc khen thưởng nhằm kịp thời động viên những người tham gia điều tra, phá án, bắt giữ được nghi phạm chứ không phải "tung hoa lên nỗi đau" của gia đình nạn nhân như một số người cay nghiệt nói. Và trong số hàng trăm CBCS tham gia chuyên án, chỉ có hơn 40 cá nhân được khen thưởng.
Nhưng để tránh cho những cá nhân này bị trả thù vì tham gia tố cáo, việc khen thưởng cũng phải thầm lặng như chiến công của họ vậy!. Họ có trách nhiệm và tâm huyết với việc bảo vệ bình yên cuộc sống, họ thầm lặng giúp đỡ Công an, thầm lặng lập công, không làm để nhận giấy khen và họ không cần những kẻ "chém gió" nói giúp họ!?
Đối tượng Bùi Văn Công nếu giờ này còn chưa bị bắt thì sao?
Thứ năm, có ý kiến chỉ trích: vụ án giết người, hậu quả đau lòng, “sao nỡ” khen thưởng và nhận khen thưởng? Ta thấy rằng, việc điều tra, truy bắt tội phạm thì trách nhiệm chính là của công an. Khen hay không khen thì trách nhiệm, các anh vẫn làm và đó còn là thể hiện tình cảm với người dân trước vụ việc đau lòng như thế này.
Việc khen thưởng có ý nghĩa động viên, khích lệ ban chuyên án và việc này thường được tiến hành với những vụ án lớn, phức tạp, vụ án dư luận quan tâm. Nghĩa là việc khen thưởng căn cứ vai trò, công tác điều tra, phá án chứ không phải căn cứ hậu quả: điều tra án ma tuý, kinh tế thì khen, án giết người đau lòng thì không khen.
Như vụ điều tra, truy bắt hung thủ sát hại tài xế taxi tại khu vực bến xe Mỹ Đình ngay sát Tết vừa qua; vụ truy bắt hung thủ Vi Văn Hai thảm sát 4 người tại Nghệ An, hung thủ Tẩn Láo Lở thảm sát 4 người tại Yên Bái…, ban chuyên án làm việc rất vất vả, khi ra kết quả bước đầu, bắt được hung thủ thì cấp trên có khen thưởng. Mức thưởng tiền trích từ quỹ, thường mỗi đơn vị chỉ một hai chục triệu, có ý nghĩa khích lệ công tác, những người đã “không có Tết”, tích cực điều tra, làm rõ vụ án.
Thứ sáu, Công an Điện Biên nghiệp vụ thế nào mà không phát hiện ra dấu hiệu hiếp dâm, lại phải khai quật tử thi, khám nghiệm lại? Như đã biết, do ban đầu chưa thu được dấu vết thể hiện vụ hiếp dâm, trong khi lời khai các đối tượng còn chống chế, mâu thuẫn. Tuy nhiên, vụ việc có sự phối hợp sát sao của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và đã khai quật, khám nghiệm lại.
Trong thực tiễn, việc phải khai quật, khám nghiệm lại tử thi cũng diễn ra ở một số vụ án. Chúng ta đã có những bài học đắt giá trong các vụ án trước đây như vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long... nên việc CQĐT phải làm như vậy là cần thiết, đảm bảo tính chặt chẽ.
Thủ tướng đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất với các đối tượng Tối 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Điện Biên khẩn trương tiến hành điều tra, truy tố và sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử, áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật để trừng trị loại tội phạm dã man, đặc biệt nghiêm trọng này. |
Theo Bảo vệ pháp luật