Chào tạm biệt mẹ chồng và cúp máy mà Diễm không hiểu trong lòng mình là cảm giác gì. Mẹ chồng cô ở quê vừa gọi điện lên, đại ý muốn Tết này vợ chồng cô mua tặng bà một cái dây chuyền vàng 5 chỉ để bà đeo diện Tết cho đẹp mặt với bạn bè, anh em họ hàng.
Diễm và Khoa cưới nhau được 3 năm nay, đã có một cậu con trai nhỏ gần 2 tuổi. Cuộc sống trên thành phố thứ gì cũng cần đến tiền, từ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày tới tiền gửi trẻ, tiền sữa cho con, rồi tiền đám cưới hỏi, ma chay… Diễm phải căn ke tính toán thật cẩn thận mới gọi là tạm đủ với mức lương chẳng lấy gì làm cao của vợ chồng cô. Lương cô đi làm được có 4 triệu, còn Khoa khoảng trên dưới 10 triệu tùy tháng, tháng nào để ra được 2,3 triệu làm quỹ phòng thân Diễm đã mừng muốn rơi nước mắt rồi.
Tết nhất 2 vợ chồng cũng được thưởng một khoản, nhưng đi kèm với đó lại là trăm nghìn thứ cần chi tiêu cho cái Tết, 5 chỉ vàng trong lời mẹ chồng cô nói cũng gần 20 triệu chứ ít ỏi gì, cô phải làm sao để có tiền mua quà cho bà đây?
Diễm nói lại với Khoa lời của mẹ chồng thì anh thở dài: “Cứ biết thế đã em ạ, từ từ rồi tính”. Diễm nghe thế thì mừng mừng, ít nhất chồng cô cũng không nằng nặc bất chấp tất cả mà nghe theo ý mẹ chồng.
Cô cứ tưởng mẹ chồng gợi ý một món quà khá to như vậy là đã hài lòng, nhưng nào ngờ vài hôm sau, bà lại điện lên cho cô, cười ngọt ngào bảo: “Con ơi, cái ti vi của bố mẹ dưới này muốn hỏng rồi, Tết 2 đứa về sớm xong đổi cho mẹ cái khác nhé. Cái to đùng mà xem nét ơi là nét giống nhà bà Khởi ấy, nghe đâu là 17 triệu. Bố mẹ đều thích cái đấy lắm!”.
Ảnh minh họa
Diễm nghe mà tái xanh mặt. Vụ dây chuyền vàng cô còn chưa biết phải giải quyết ra sao, giờ bà lại giao phó thêm nhiệm vụ khó nhằn thế này, bảo vợ chồng cô phải sống sao đây? Ông bà nào phải không biết vợ chồng cô trên này hoàn cảnh thế nào. Lần nào về ông bà chẳng hỏi lương thưởng tường tận, nhưng có vẻ như ông bà không tin câu trả lời của cô, mà vẫn cứ nghĩ vợ chồng cô kiếm được nhiều lắm vậy.
Diễm thấy đau đầu nhức óc vô cùng, chỉ đành dạ vâng với mẹ chồng rồi cúp vội máy. Nghĩ đến bố mẹ chồng, cô lại chỉ biết thở dài không thôi. Ông bà giờ đều có lương hưu, lại không phải lo lắng chuyện gì nữa, nói thật, cuộc sống của ông bà còn đủ đầy thảnh thơi hơn vợ chồng cô trên này rất nhiều.
Trong khi vợ chồng Diễm vẫn chưa nghĩ ra được cách giải quyết ổn thỏa thì mẹ chồng lại tiếp tục gọi điện lên hồ hởi thông báo: “Con ơi, nhà bà Thanh con trai bà ấy ở trên thành phố mới gửi tiền về cho ông bà ấy sắm ti vi, tủ lạnh mới rồi. Vợ chồng con cũng gửi tiền trước về đi, bố mẹ tự đi mua cho sớm, chứ đợi vợ chồng bọn con về ăn Tết thì còn lâu”. “Ơ… mẹ ơi, bọn con chưa lĩnh lương…”, Diễm cuống lên, đành chống chế tạm.
“Chưa lĩnh lương thì liên quan gì, chẳng lẽ anh chị không có tiền tiết kiệm à? Hay không muốn bỏ ra sắm sửa cho bố mẹ ở quê. Con với chả cái, nuôi nấng mấy chục năm ăn học nên người, giờ có cái ti vi mà nó cũng tiếc rẻ không mua tặng bố mẹ được. Mà thằng Khoa trước nay nó hiếu thảo, thương bố mẹ lắm, làm được tiền là toàn gửi về cho mẹ, không hiểu sao từ lúc lấy vợ thì quên bẵng bố mẹ luôn, hẳn là bị ai xúi bẩy rồi…”, mẹ chồng Diễm bắt đầu cằn nhằn, ca thán.
Nghe những lời ấy cô chỉ còn biết cười khổ. Nếu mẹ chồng cô đã không chịu hiểu mà cố tình nghĩ sai lệch vấn đề như vậy, cô cũng chẳng biết phải làm sao bây giờ. Chẳng lẽ để làm đẹp lòng bà, mà vợ chồng cô phải đi vay nợ, sau đó ra giêng thì nai lưng ra trả, cắt xén cả tiền sữa, tiền ăn của con sang? Còn nếu không theo ý bà, thì Tết này về quê ăn Tết, hẳn là cô sẽ phải đối mặt với thái độ chẳng lấy gì làm thân thiện của mẹ chồng cho mà xem. Tết nhất gia đình quây quần sum vầy mà như thế thì còn gì là Tết nữa!
Diễm chán nản vô cùng, tiến thoái lưỡng nan chẳng biết phải làm sao cho phải. Chẳng lẽ vợ chồng cô phải trốn không về quê ăn chồng Tết nữa, một là về quê ngoại nhà cô, 2 là ở trên thành phố cho lành?
Theo trí thức trẻ