Anh Phạm Ngọc C. (SN 1991) cho biết, ngày 10/12 khi anh đưa con là cháu Phạm Ngọc B. (23 tháng tuổi) đến phòng khám Tai Mũi Họng tại ngõ 24 Phan Văn Trường (Hà Nội) để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.

Tại đây, cháu B. được bác sĩ Lê Thanh Hải phụ trách phòng khám trực tiếp thăm khám và điều trị.

Khi cháu B vào khám, bác sĩ đưa lên ghế chuyên dụng và phải có 3 người cùng giữ để nhỏ thuốc vào mũi cháu. Tuy nhiên, do thuốc rất đắng nên khi nhỏ thuốc vào mũi, cháu B. đã bị sặc và bắn nước vào người bác sĩ Hải. Bất ngờ, vị bác sĩ này đã dùng tay tát thẳng vào mặt cháu B.

Hà Nội: Bé trai 23 tháng tuổi đi khám viêm mũi bị bác sĩ tát hằn bàn tay lên má-1
Cú tát mạnh hằn cả bàn tay lên mặt cháu bé.

“Cú tát mạnh đến nỗi tôi phải giật mình. Tôi khẳng định đó là bác sĩ đánh cháu do tức giận, chứ không phải là tát để dạy dỗ hay nghiệp vụ để chữa bệnh cho con tôi”, anh C. chia sẻ.

Sau khi bác sĩ tát con trai mình, anh C. đã hỏi bác sĩ: “Sao bác sĩ lại tát con cháu?”. Lúc này, bác sĩ Hải giải thích lý do là để cháu bé không tiếp tục những hành động như thế. Thấy gia đình phản ứng, bác sĩ Hải mới nói: “Thôi được rồi, bác lỡ tay, bác xin lỗi”.

Anh C. cho biết, việc bác sĩ tát con anh là không chấp nhận được, vì bé mới 23 tháng chưa thể kiểm soát được hành động như người lớn. Sau khi rời phòng khám về nhà, anh C. kiểm tra lại thì trên má cháu B. còn in nguyên hình những ngón tay của bác sĩ.

Theo lời anh C., bé lúc này tâm lý hoảng sợ và chỉ ngồi im chứ không nói gì.

Hà Nội: Bé trai 23 tháng tuổi đi khám viêm mũi bị bác sĩ tát hằn bàn tay lên má-2
Đến 10h đêm ngày 10/12 má cháu B. vẫn còn ửng đỏ.

Được biết, anh C. đã chữa bệnh cho con trai tại phòng khám của bác sĩ Hải đến nay đã được 30 ngày. Ngoại trừ lần đầu tiên phải thanh toán 500 nghìn, đều đặn mỗi buổi tối đến điều trị, anh phải trả số tiền 300 nghìn. Mỗi lần kéo dài khoảng một tiếng.

Đặc biệt, khi điều trị tại đây, con anh không hề có sổ khám bệnh hoặc bất cứ giấy tờ kèm theo.

Về sự việc trên, anh C. bày tỏ quan điểm là tha lỗi cho bác sĩ đã tát con trai mình nhưng sẽ không tiếp tục khám và điều trị tại đây.

“Việc một bác sĩ vô cớ tát một đứa trẻ còn chưa biết nói là khó chấp nhận. Chuyên môn có thể cao nhưng y đức mới quan trọng. Qua đây tôi cũng gửi lời khuyên tới các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ các bác sĩ, phòng khám tư nhân trước khi đưa con đến khám”, anh C. nói thêm.

Hà Nội: Bé trai 23 tháng tuổi đi khám viêm mũi bị bác sĩ tát hằn bàn tay lên má-3
Phòng khám bác sĩ Hải nơi cháu B. đến khám và bị tát.

Trao đổi với chúng tôi, BS Lê Thanh Hải - chủ phóng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp khám và được cho là tát vào mặt cháu bé cho biết: "Đúng là có sự việc đó xảy ra.

Tối ngày 10/12 khi đang khám và nhỏ thuốc vào mũi cháu B., bất ngờ cháu bé phun thẳng dịch vào mặt tôi, nên tôi bột phát tát vào mặt cháu. Sau đó tôi đã xin lỗi gia đình và cháu cũng không ảnh hưởng gì về sức khoẻ".

Khi chúng tôi thắc mắc, vì sao khám bệnh cho các cháu mà bác sĩ không đeo khẩu trang y tế, vị bác sĩ này lý giải: "Bình thường tôi vẫn đeo khẩu trang, nhưng hôm qua do cháu B. là bệnh nhân cuối cùng nên tôi bỏ ra. Sau khi bị dịch mũi của cháu bắn vào mặt, hôm nay tôi đã bị ốm".

Được biết, sau khi bố cháu B. phản ánh, chiều ngày 11/12 phía chính quyền địa phương và phòng y tế đã xuống phòng khám của bác sĩ Hải đã tìm hiểu thực hư sự việc.

Theo Khám Phá