Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội hiện có 76.739 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà, có 621 trường hợp điều trị tại khu cách ly; 3.028 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện có 448 trường hợp nhẹ, không triệu chứng. Có 1.957 bệnh nhân ở mức độ trung bình (tăng 28,6% so với 7 ngày gần đây).
Đáng lưu ý, các trường hợp nặng, nguy kịch, trường hợp phải thở ô xy gọng kính, ô xy dòng cao đều có sự gia tăng so với 7 ngày trước đó.
Cụ thể, có 626 trường hợp nặng, nguy kịch (tăng 3,8%); có 529 trường hợp thở mặt nạ, ô xy gọng kính (chiếm 4,2%); có 33 bệnh nhân phải thở ô xy dòng cao tăng 20,9%.
Hiện có 23 trường hợp thở máy không xâm lấn, có 39 bệnh nhân thở máy xâm lấn. Có 1 bệnh nhân phải lọc máu, 1 ca ECMO.
Riêng trong ngày 12/2 đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 đến nay là 857 ca.
Trong khi đó số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội vào sáng 13/2 cho thấy hiện thành phố đang có 80.456 F0 được điều trị tại: Bệnh viện Nhiệt đới: 163 người, BV Đại học Y: 175 người, các Bệnh viện của Hà Nội là 2994 người, 102 F0 tại các cơ sở thu dung của thành phố, 621 trường hợp tại các cơ sở thu dung quận, huyện và 76.401 trường hợp tại nhà.
Đánh giá về tình hình phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, các biện pháp chống dịch thời gian vừa qua phù hợp, đúng đắn. Các cơ sở có khả năng quản lý tốt các bệnh nhân, bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ, ít nguy cơ ở nhà.
"Chúng ta chuyển từ Zezo Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Nhiều chương trình, nhóm, tư vấn hỗ trợ F0 liên tục cập nhật thông tin, theo dõi nên bệnh nhân F0 cũng yên tâm khi điều trị tại nhà.
Bệnh nhân nào thực sự cần vào viện cũng được đưa vào viện. Đơn cử như các bệnh viện tuyến tại Hà Nội cũng đã tích cực nhận F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nhân nào nặng, nguy kịch sẽ được chuyển lên các bệnh viện tầng trên nên đáp ứng được", ông Hải nói.
Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội là tuyến cuối điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Theo ông Hải hiện tại ở đây đang điều trị cho hơn 140 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo nhận định của ông Hải, con số này chưa có chiều hướng giảm, vẫn như trước Tết Nguyên đán.
"Qua đánh giá, bệnh nhân tử vong chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vắc xin. Trong đó, có tới 80% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vắc xin, 20% còn lại là bệnh nhân tiêm một mũi hoặc tiêm đã quá lâu. Rất ít trường hợp tiêm vắc xin AstraZeneca, Pfizer từ 2 mũi trở lên mà tử vong, chủ yếu nhiều bệnh nền. Điều này cho thấy tiêm vắc xin rất hiệu quả", PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: Vận tải, du lịch, giao thương quốc tế…, nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Do đó, thành phố tiếp tục theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an ninh y tế.
Để hạn chế số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế đề nghị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch, người dân nên hạn chế tập trung nơi đông người, nhất là thời gian sau Tết.
Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý đối với các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao. Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai chăm sóc hiệu quả F0 điều trị tại nhà…
Theo VietNamNet