Ngày 25/1, UBND Hà Nội bắt đầu tiến hành tổ chức lấy ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (https://hanoi.gov.vn) cổng thông tin điện tử, trang Facebook của Sở Thông tin và Truyền thông.
Người dân cho ý kiến về loa phường trên Cổng điện tử giao tiếp thành phố Hà Nội. Đồ họa: Văn Chương.
Việc lấy ý kiến người dân về loa phường được thực hiện thông qua 4 câu hỏi trắc nghiệm khá đơn giản: Người dân cập nhật thông tin qua các hình thức nào? Nội dung thông tin trên đài truyền thanh cơ sở có thiết thực, hữu ích? Ý kiến về việc nên dừng hay hoạt động đài truyền thanh cơ sở và người dân thường nghe loa phường vào thời điểm nào?
Theo ghi nhận, đến 21h ngày 25/1, trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố mới chỉ có hơn 100 người tham gia cho ý kiến.
Trả lời câu hỏi cho ý kiến về hoạt động của đài truyền thanh cơ sở, trong 110 người trả lời có 95 người (tương đương 86%) khẳng định không cần thiết duy trì hoạt động; 3 người nêu quan điểm cần thiết duy trì như hiện nay; 8 người cho rằng cần phải đổi mới loa phường.
Về câu hỏi nội dung thông tin trên đài có thiết thực hữu ích, 84% ý kiến khẳng định loa phường không có tác dụng. Đa số ý kiến phản hồi họ cập nhật thông tin từ mạng Internet, chỉ có 3% cập nhật tin tức qua loa phường.
Theo UBND Hà Nội, việc lấy khảo sát về loa phường dự kiến kết thúc vào ngày 17/3. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo kết quả rà soát hệ thống loa phường toàn thành phố và kết quả lấy ý kiến để UBND xem xét quyết định.
Trước đó, ngày 9/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ như hiện nay, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân. Hệ thống này chỉ còn dành cho người già và trẻ em.
“Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo Trí Thức Trẻ