Múa lân xin tiền quẩy tung đường phố
Trong những năm gần đây, vào dịp Tết Trung thu, gần như ở mọi phường, quận trên địa bàn Hà Nội đều có hoạt động múa lân để phục vụ các em nhỏ. Bộ môn nghệ thuật đường phố dân gian này không những mang lại niềm vui và sự hân hoan cho người xem mà còn là một nghề kiếm ra tiền vào dịp lễ hội.
Theo quan niệm của người xưa, lân là linh vật trong tứ linh: Long, Ly (Lân), Quy, Phụng. Lân đến nhà đồng nghĩa với việc trừ đuổi những điều xấu xa, mang lại bình an, phú quý, phát tài, phát lộc cho gia chủ. Vì lí do này, ngày xưa dân ta rất thích xem múa lân, có đoàn múa lân đến nhà thì gia chủ chào đón, treo tiền để lân nhảy lên bắt lấy như một phần thưởng gọi là động viên.
Những nơi có đoàn múa lân đi qua thường có rất đông người tụ tập.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động múa lân mua vui cho người dân, nhiều người lại coi đây là một nghề kiếm tiền. Theo anh Nguyễn Văn Sơn, một thành viên trong đội múa lân thường xuyên xuất hiện ở khu vực ven hồ Gươm, cho biết: "Múa Lân không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai và sức khỏe, mà còn phải tập trung cao độ. Đây là một bộ môn nghệ thuật phức tạp, tốn nhiều công sức nên việc được người dân ủng hộ tôi cho là hoàn toàn bình thường".
Người dân rất hào hứng dù biết đây là các đội múa lân xin tiền.
Những đội múa lân này thường nhảy múa rất nhiệt tình và làm náo động không gian đường phố Hà Nội.
Khi được hỏi làm thế nào để lập một đội múa lân, anh Sơn không ngần ngại cho biết: “Quan trọng là tập hợp đủ người cho một đội. Múa lân kiếm tiền không khó vì sau một đêm là anh em đã có thu nhập rồi. Chi phí đầu tư ban đầu cũng khá thấp, chỉ cần 1,4 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng cho một cặp đầu lân lớn, hoặc gần 1 triệu đồng cho một cặp đầu lân nhỏ, mua nhiều thì giá sẽ nhẹ hơn. ”.
Theo phản ánh của người dân, các đội múa lân xin tiền này khiến đường phố trở nên vui nhộn và thấm đậm không khí Trung thu hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, các đoàn múa lân cũng gây ra cảnh tắc đường do quá đông người tụ tập đến xem. Vì vậy, các đội cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội thường xuyên đi kiểm tra và "dẹp loạn" các đám múa lân. Tuy nhiên, những đội múa lân rất nhanh nhẹn, chỉ cần thoáng thấy bóng công an, họ lập tức tìm cách lẩn trốn, chạy lẫn vào đám đông. Một lát sau khi công an đi qua, họ lại tiếp tục khua trống, chiêng, nhảy múa "náo loạn" đường phố.
Hoạt động múa lân xin tiền này được công an TP kiên quyết dẹp bỏ vì gây náo loạn đường phố, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trên địa bàn.
Tuy nhiên, chỉ cần khi đoàn xe công an đi qua, các đội múa lân lập tức giải tán và đám đông cũng giãn ra. Nhung, ngay sau khi vắng bóng công an, cảnh sát, các đám múa lân lại tiếp tục hoạt động.
Thế nhưng điều đáng nói là thay vì khó chịu, rất nhiều người dân Thủ đô lại tỏ ra yêu thích các đoàn múa lân xin tiền. "Các đội múa lân này rất sôi động. Họ vì kiếm tiền nên nhảy, múa rất nhiệt tình và chuyên nghiệp nữa. Tôi rất thích xem họ múa và lần nào xem xong cũng cho tiền vì nghĩ họ cũng rất vất vả mới đem lại được cho người khác niềm vui", anh Trần Văn Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, chị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thỉnh thoảng tôi thấy các đám múa lân làm tắc đường thì cũng hơi bực mình nhưng có lần xem họ múa hay quá nên vẫn cho tiên fvaf nghĩ chắc người ta cũng khó khăn nên mới đi múa lân kiếm tiền mưu sinh như vậy. Họ làm ăn tử tế chứ không trộm cắp hay gây phiền nhiễu gì nên mình cũng rất thương".
Thu tiền triệu/đêm
Cũng chính bởi tâm lý dễ dãi và ủng hộ việc múa lân xin tiền này mà các đội múa lân thường kiếm được khoản tiền kha khá sau một đêm nhảy múa, trình diễn nơi vỉa hè, lòng phố.
Nguyễn Quốc Tuấn (một thành viên trong đội múa lân hoạt động ở khu vực đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân) chia sẻ: "Đội múa lân của mình hơi ít, gồm 6 người. Mỗi đêm sau màn múa thì anh em ngồi lại tổng kết và chia chác. Những người trực tiếp nhảy múa thì được chia tiền nhiều hơn một chút so với những người phụ trách xin tiền hoặc cầm quạt chỉ huy đội sư tử".
Theo Tuấn, sau mỗi một đêm múa, cả đội thu về khoảng 6 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuấn khẳng định, nghề múa lân xin tiền dù đem lại thu nhập cao nhưng không bền. "Bọn mình chỉ kiếm được tiền trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây còn trước đó, dù Trung thu đã về gần nhưng khi nhảy múa ở các tụ điểm công cộng hay quán bia vỉa hè, chúng mình cũng không thu được mấy tiền".
Dù không ép buộc khách xem phải cho tiền nhưng những khi được cho quá ít, các đội múa lân thường nằm vạ hoặc khua trống inh ỏi để thu hút sự chú ý.
Bên cạnh đó, múa lân cũng rất vất vả, đòi hỏi đầu tư nhiều sức lực và thời gian tập luyện. "Bọn mình là những người múa không chuyên vì thế phải tập luyện nhiều, cảm giác khá vất vả. Các đường múa cơ bản thì hầu như ai cũng biết nhưng anh em trong đội nhưng không quen nhau từ trước nên phải tập sao cho múa thật ăn ý", Tuấn nói thêm.
Trong khi đó, Vũ Lâm Anh (một người khác cũng làm nghề múa lân xin tiền) cho hay: "Mọi năm bọn mình cũng chỉ múa chơi thôi nhưng năm nay thấy có đội làm ăn được nên học theo". Lâm Anh cho biết, sau một đêm nhảy múa vất vả, số tiền cậu thu về cũng chỉ khoảng 600.000 đồng.
Những người tham gia vào các đội múa lân hầu hết còn rất trẻ.
Họ nhảy múa rất nhiệt tình và đổi lại, khách xem cũng hết lòng ủng hộ.
"Đội múa lân của mình gồm 9 người, như thế là khá đông nên sau khi chia tiền, số lượng chảy về túi cá nhân không nhiều. Tuy nhiên, mình thấy rất vui khi được quen biết và biểu diễn cùng các anh em trong đội".
Chia sẻ về công việc của mình, Lâm Anh cho biết: "Nhìn thì dễ vậy thôi nhưng các đội múa lân cũng chia nhau khu vực và không phải là thích chạy tung tăng ở đâu cũng được. Mà nghề này cũng lắm vui buồn, thi thoảng bị miệt thị, có người đuổi tụi mình như đuổi tà nhưng cũng có người thương, họ cho tiền rất sộp. Tất nhiên là tụi mình không ép ai cho cả, khách nào xem vui thấy thích thì cho thôi nên mình cũng cảm thấy không có gì xấu hổ và xem nó như một nghề kiếm cơm vậy".
Theo Trí thức trẻ