Sáng 23/3, Hà Nội có mưa lớn kèm dông và gió giật. Lúc 7h, nhiệt độ khu vực là 19 độ C, giảm so với một ngày trước đó 8-10 độ C. Thời tiết chuyển lạnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc khiến miền Bắc chuyển lạnh, nhiều nơi chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng là 16-19 độ C, vùng núi có nơi 12-14 độ C, trời rét đậm.

Những giờ tới, không khí lạnh tiếp tục tác động đến nhiều nơi ở Đông Bắc Bộ, sau đó mở rộng sang Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Kết hợp với hội tụ gió trên cao, không khí lạnh gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở vùng núi và trung du Bắc Bộ với lượng phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 100 mm. Tại đồng bằng, mưa rào và dông xuất hiện với lượng 20-40 mm.

Người dân được khuyến cáo đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Vùng núi nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; khu vực trũng, thấp có thể ngập úng.

Hà Nội mưa lớn gió giật, thời tiết giảm 10 độ C-1
Hà Nội mưa dông kèm gió mạnh sáng 23/3. Ảnh: Việt Linh.

Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội duy trì mức nhiệt 18-19 độ C trong hôm nay, mưa dông kéo dài cả ngày. Đến ngày 24/3, thời tiết hửng nắng trở lại, nhiệt độ tăng lên ngưỡng 20-22 độ C.

Trong hai ngày tiếp theo, thời tiết thủ đô trở lại trạng thái oi nóng tương tự những ngày qua với nhiệt độ cao nhất 29-31 độ C, trời nhiều mây và hửng nắng về trưa, chiều. Ngày 27/3, khu vực đón thêm đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt giảm xuống mức 19-24 độ C, trời lạnh về đêm và sáng sớm.

Trên biển, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 7-8. Sóng cao 1,5-2,5 m, biển động.

Trưa và chiều nay (23/3), bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-3 m. Cấp độ rủi ro thiên tai trên biển đạt cấp 2.

Trước tình hình thời tiết diễn biến xấu, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có văn bản yêu cầu đơn vị chức năng các địa phương căn cứ tình hình để hướng dẫn kịp thời cho cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở khu vực miền núi.

Đồng thời, các địa phương sẵn sàng phương án phòng chống ngập úng nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung. Lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi cảnh báo về gió mạnh, sóng lớn để thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động.

Theo Zing