Các tỉnh miền Bắc vừa trải qua một tuần có nhiều ngày xuất hiện sương mù, trời nhiều mây, âm u và độ ẩm cao. Khu vực bước vào đầu tháng 3 với các đợt không khí lạnh tác động liên tiếp nhưng cường độ yếu, chủ yếu gây mưa nhỏ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái mưa phùn, sương mù tiếp diễn tại miền Bắc trong tuần này. Ngày 7-12/3, khu vực có mưa nhỏ về đêm và sáng sớm. Nhiệt độ trung bình trong ngày dao động 22-24 độ C, trời lạnh.

Tại Hà Nội, thời tiết những ngày tới không thay đổi nhiều so với tuần trước. Mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ không quá thấp nhưng vẫn gây cảm giác lạnh giá về đêm.

Trong đợt lạnh đang diễn ra, thời tiết thủ đô ghi nhận mức nhiệt thấp nhất xuống ngưỡng 18 độ C vào sáng 8/3. Sau đó, Hà Nội tăng nhiệt qua từng ngày. Trong 2 ngày tới, khi không khí lạnh suy yếu, nhiệt độ tăng nhanh lên mức 25-27 độ C.

Hà Nội mưa phùn suốt tuần, Nam Bộ nắng nóng-1
Hà Nội duy trì trạng thái nồm ẩm, sương mù suốt tuần này. Ảnh: Duy Hiệu

Theo trang dự báo Accuweather, khác với tuần trước, độ ẩm không khí trong những ngày tới ở Hà Nội có thể tăng cao đến trên 90%. Với điều kiện này, trạng thái nồm ẩm sẽ gia tăng, người dân có thể bắt đầu thấy nền nhà đổ mồ hôi, không khí ẩm ướt, khó chịu.

Kiểu thời tiết này khả năng duy trì suốt cả tuần. Ngày 10/3, thủ đô có nắng nhẹ nhưng trạng thái nồm ẩm không được cải thiện do độ ẩm trong không khí vẫn rất cao.

Tại Trung Bộ, không khí lạnh chỉ tác động mạnh đến thời tiết Thanh Hóa gây rét về đêm. Từ Nghệ An trở vào đến Thừa Thiên - Huế trở lạnh, có sương mù nhẹ vào sáng sớm; ban ngày trời nắng.

Trái ngược với thời tiết ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì trạng thái ít mưa, ngày nắng. Tuần này, nắng nóng tiếp diễn ở Nam Bộ khi nhiệt độ cao nhất trong ngày trên 35 độ C, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ.

Cơ quan khí tượng cho biết các tỉnh phía Nam khả năng xuất hiện mưa dông cục bộ vào chiều tối.

Đáng lưu ý, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất tuần trong ngày 10-12/3.

Ngoài ra, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long còn có khả năng tập trung trong thời kỳ 12-16/3 và 27/3-1/4; còn các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 4, sau đó giảm dần.

Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Tình trạng này còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Do đó, cơ quan khí tượng khuyến cáo các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Theo Zing