Thông tin về nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia và Thường trực Chính phủ tại cuộc họp của Ban chỉ đạo thành phố chiều 20/4, Phó chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết đến nay, Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác vẫn được Trung ương, Chính phủ xếp vào nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19.

Về tình hình dịch trên địa bàn, thành phố có 112 ca mắc, trong đó có 74 ca phát hiện tại cộng đồng. Tuần qua chỉ có 4 ca, giảm 10 ca so với tuần trước. Từ 15/4 đến nay chưa có ca nhiễm mới. Theo ông Quý, đây là những tín hiệu tốt, cho thấy thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch.

Hà Nội tính cho học sinh đi học lại vào đầu tháng 5-1
Phó chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý.

Về tình hình đi học của học sinh, ông Quý nói: “Nếu tình hình tốt lên có thể nửa đầu tháng 5 chúng ta sẽ cho học sinh đi học trở lại. Kế hoạch năm học đã có rồi nhưng cần triển khai các điều kiện cần và đủ khi cho học sinh đi học. Nội dung này thành phố sẽ có chỉ thị sau”.

Căn cứ vào diễn biến từ nay đến 22/4, Phó chủ tịch thành phố cho biết Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị Hà Nội, TP.HCM và những nơi có nguy cơ cao nếu không tiếp tục có ca nhiễm mới thì có thể nới lỏng cách ly xã hội.

“Cái này sẽ chờ đợi sau 22/4, nếu thành phố phòng chống dịch tốt thì sẽ có giải pháp nới lỏng trên cơ sở điều kiện, nguyên tắc phòng chống dịch bệnh”, ông Quý nói.

Theo ông, hiện việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, người ra đường đông hơn, các nơi cộng cộng nhiều người tập thể dục, có cửa hàng vẫn hé mở bán hàng, nhiều người chưa đeo khẩu trang…

“Dịch bệnh được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn. Chiều nay Ban chỉ đạo quốc gia, Chính phủ vẫn xếp Hà Nội ở nhóm nguy cơ cao cùng với TP.HCM và 4-5 tỉnh nữa”, ông Quý lưu ý.

Ông khẳng định Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4, sau ngày này, nếu không có ổ dịch nào mới, Hà Nội sẽ nới lỏng cách ly xã hội theo tinh thần thực hiện như Chỉ thị 15, đơn vị nào được hoạt động phải có điều kiện cần và đủ, đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, thành phố kiên định giải pháp phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch trên địa bàn.

Mặt khác, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; đảm bảo lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng như giá cả các mặt hàng.

Trong việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết 42, ông Quý cho biết với nhóm hộ gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã rõ, có thể triển khai ngay. Nhưng với nhóm lao động không có hợp đồng cần có hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương. Sáng 21/4, thành phố sẽ họp triển khai nội dung này.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn vướng mắc. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để có thể thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên phòng chống dịch số 1 nhưng cũng cần tính phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch, với tinh thần chiến đấu lâu dài.

Thông tin thêm về tình hình các ổ dịch, Phó chủ tịch Hà Nội nhận định đến nay, cơ bản các ổ dịch được khống chế, kiểm soát, từ ổ dịch Bạch Mai cho đến Hạ Lôi (Mê Linh), Đông Cứu (Thường Tín).

Riêng ngày 17/4 phát hiện trường hợp bệnh nhân số 188 ở Chương Mỹ sau khi ra viện, cách ly tại nhà thì phát hiện dương tính, ông Quý thông tin đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Phía bệnh viện cho biết kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này vẫn “lúc âm, lúc dương”.

Còn việc sàng lọc trong cộng đồng, thành phố vừa rồi đã lấy hơn 1.600 mẫu ở 5 chợ đầu mối để xét nghiệm nhanh, đều cho kết quả âm tính. “Khi làm rất lo nhưng âm tính hết thì bước đầu thấy yên tâm hơn”, ông Quý nói.

Từ thực tế đã nêu, ông nhấn mạnh Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện chống dịch cho phép; xử lý triệt để ổ dịch trên địa bàn; chuẩn bị phương án về cả vật chất, nhân lực trong trường hợp dịch bùng phát.

Theo Zing