UBND Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải tham gia ý kiến đối với việc mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND Hà Nội thống nhất từ ngày 10/10 đến 20/10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất một chuyến mỗi ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất. Đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội tạm thời chưa khai thác.
Hà Nội đồng ý mở lại đường bay với TP.HCM và Đà Nẵng từ ngày 10/10.
Với hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ).
Ngoài ra, người lên máy bay đến Hà Nội phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành; tuân thủ “thông điệp 5K"; khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến, cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách ly tập trung các cơ sở lưu trú (khách sạn) do TP công bố.
Sau thời gian cách ly tập trung, hành khách tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Thành phố công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự lựa chọn. Hành khách tự đảm bảo chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.
Với chuyến bay từ Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, khách phải đáp ứng các tiêu chí như trên nhưng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly; tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo.
Cục Hàng không Việt Nam, cảng hàng không, các hãng hàng không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để đảm bảo hành khách đến đúng nơi đã đăng ký lưu trú (tạm trú) và chấp hành việc giám sát dịch tễ.
Cảng Hàng không phải tổ chức phân luồng hành khách đến Sân bay quốc tế Nội Bài để phục vụ công tác phòng, chống dịch và đón công dân; phối hợp, hiệp đồng lực lượng chức năng đảm bảo công tác phòng, chống dịch và phân luồng tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Đối với đơn vị vận chuyển (hãng hàng không), UBND Hà Nội đề nghị bổ sung phần quy định trách nhiệm cụ thể đối với hãng, đơn vị bán vé. Đơn vị bán vé chỉ bán cho khách có đủ điều kiện được bay theo quy định, chỉ cho phép khách đủ điều kiện bay lên máy bay.
Nếu để lọt hành khách đến sân bay điểm đến không đủ điều kiện, hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chở khứ hồi trở lại điểm đi. Các đơn vị này có trách nhiệm gửi thông tin đến địa phương nơi hành khách đến trước chuyến bay để địa phương có kế hoạch đón công dân và thực hiện quản lý theo dõi y tế theo quy định.
Đối với hành tham gia chuyến bay, UBND Hà Nội đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc khai bảo y tế, vùng đi/đến theo đúng quy định; cam kết về trách nhiệm phòng dịch Covid-19 và chi phí xét nghiệm, cách ly (nếu có) theo quy định của địa phương.
UBND Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chưa xem xét việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và tạm thời chưa khai thác các đường bay từ các địa phương khác đến thành phố.
Tối 8/10, Bộ GTVT ban hành quyết định triển khai các đường bay bay nội địa thường lệ từ ngày 10/10. Theo đó, 19 chặng bay nội địa sẽ được triển khai, bao gồm các chặng bay quan trọng như Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng...
Ba địa phương trước đó từ chối bay nội địa là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai đều tham gia các chặng bay theo kế hoạch của Bộ GTVT.
Trong giai đoạn thí điểm dự kiến từ ngày 10/10 đến 20/10, Bộ GTVT xác định tần suất giữa mỗi chặng là 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các hãng hàng không chia nhau khai thác mỗi ngày 19 chuyến bay khứ hồi trong giai đoạn đầu.
Theo Zing